.

Để tội phạm không còn đất sống

Cập nhật: 16:57, 03/08/2022 (GMT+7)

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng Công an đã triệt phá thành công nhiều vụ lừa đảo qua mạng. Thế nhưng, để tội phạm lừa đảo qua mạng không còn đất sống, hơn bao giờ hết, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt từ lực lượng chức năng, rất cần tinh thần cảnh giác của người dân.

* LUẬT SƯ NGUYỄN VĂN VIỆT, VĂN PHÒNG LUẬT SƯ ĐẠI VIỆT (TP. MỸ THO):

Cần tố cáo Công an khi bị đăng ảnh với nội dung xấu

Theo quy định của pháp luật, những hành vi đăng ảnh của người khác lên mạng xã hội với nội dung xuyên tạc, nhục mạ danh dự của người khác là hành vi vi phạm và bị pháp luật xử lý. Tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020 thì mức phạt tiền cho hành vi trên từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Về trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi bịa đặt hoặc lan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của cá nhân có dấu hiệu của tội vu khống, khung hình phạt nhẹ nhất là bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm theo điểm a khoản 1 Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Để tố cáo với cơ quan Công an, người bị đăng ảnh lên Facebook cần phải chuẩn bị đơn tố cáo với các nội dung: Họ tên người tố cáo, ngày tháng năm tố cáo, nội dung tố cáo về việc bị đăng ảnh lên Facebook nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của mình...

Ngoài ra, người này còn phải cung cấp các giấy tờ, tài liệu liên quan đến việc tố cáo của mình: Hình ảnh bị đăng lên Facebook kèm theo thông tin về việc bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm... Những hồ sơ này, người bị đăng ảnh có thể nộp cho Công an cấp xã. Cơ quan này sẽ tiến hành điều tra, xác minh bước đầu và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

* THƯỢNG TÁ ĐẶNG VIỆT BÌNH, TRƯỞNG CÔNG AN HUYỆN CHÂU THÀNH:

Người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác

Cơ quan Công an khuyến cáo cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân không nên truy cập vào những đường link lạ; không cung cấp các thông tin, tài khoản ngân hàng cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào thông qua các cuộc gọi, đường link gửi bằng email, tin nhắn.

Nếu người thân, bạn bè nhắn tin vay mượn tiền qua mạng xã hội thì gọi điện thoại để xác minh thông tin chính xác trước khi chuyển tiền. Khi nghi ngờ bị lừa đảo, người dân nhanh chóng báo cơ quan Công an gần nhất để được tiếp nhận giải quyết.

Bên cạnh đó, người dân cần tỉnh táo trước những lời dụ dỗ, hứa hẹn vay tiền qua các ứng dụng hỗ trợ tài chính trực tuyến; tuyệt đối không tin và không làm theo hướng dẫn của các đối tượng; không tham gia vào các app quảng cáo trên các trang mạng; không cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, thông tin tài khoản cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào, không chuyển tiền khi chưa xác định được họ là ai và sử dụng thông tin đó vào mục đích gì.

Nếu người dân có nhu cầu vay tiền cần tìm hiểu các tổ chức tín dụng uy tín, ghi rõ cụ thể hạn mức vay, lãi cụ thể, cách thức, thời gian trả... Nếu phát hiện tổ chức tín dụng đen cho vay nặng lãi, người dân cần báo cáo cơ quan Công an.

* TIẾN SĨ LÊ QUANG TRÍ, GIÁM ĐỐC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO:

Thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở trong toàn ngành Giáo dục

Lực lượng cán bộ, giáo viên và học sinh rất lớn, các cơ sở giáo dục được xem là nơi các loại tội phạm thường nhắm tới, trong đó có tội phạm không gian mạng. Trước diễn biến khá phức tạp của tội phạm, đặc biệt là tội phạm qua mạng như hiện nay, bên cạnh thực hiện tốt công tác giảng dạy, ngành Giáo dục thường xuyên yêu cầu, nhắc nhở các đơn vị trực thuộc, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành, thị  phải tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao cảnh giác đến cán bộ, công nhân, viên chức giáo dục và học sinh thông qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, các buổi họp phụ huynh.

Theo đó, cán bộ, giáo viên tuyên truyền nêu rõ các phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng tội phạm thường sử dụng; nhắc nhở cán bộ, giáo viên, học sinh cần cảnh giác khi tham gia mạng xã hội. Từng đơn vị phải nêu cao tinh thần cảnh giác, kịp thời phát hiện, thông báo kịp thời về hành vi, thủ đoạn hoạt động lừa đảo với cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, các đơn vị thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Công an và chính quyền địa phương để nắm bắt tình hình, xử lý kịp thời các tình huống xảy ra.

Thực hiện: TUẤN LÂM - ĐỖ PHI




 

.
.
.