Thứ Tư, 07/09/2022, 15:04 (GMT+7)
.

Bộ Công an trả lời về vấn đề sổ hộ khẩu

Chiều 6/9, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, đại diện Bộ Công an và Bộ Ngoại giao đã trả lời các câu hỏi của phóng viên về vấn đề sổ hộ khẩu và công tác bảo hộ công dân.

b

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an: Người dân có thể sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử chứng minh nơi thường trú, giấy xác nhận thông tin về nơi thường trú, số định danh cá nhân - Ảnh: VGP/Quang Thương

PV Hiếu Công (Zing news): Dư luận rất quan tâm đến công tác bảo hộ công dân, nhất là sau vụ việc giải cứu công dân Việt Nam bị lừa đảo bán sang Campuchia. Xin hỏi hiện có thống kê nào về số lượng người Việt Nam đang bị lừa đảo bán sang Campuchia không, và việc điều tra đường dây buôn người đang diễn ra như thế nào, kết quả bước đầu ra sao?

Người dân hiện nay rất quan tâm đến việc thu sổ hộ khẩu ở thành phố Hà Nội. Một số phường đã thực hiện thu sổ hộ khẩu và xin hỏi Bộ Công an sau khi thu sổ hộ khẩu thì giao dịch dân sự của người dân sẽ diễn ra như thế nào? Ví dụ khi mua bán nhà, văn phòng công chứng yêu cầu phải có sổ hộ khẩu nhưng nhiều người đã bị thu sổ rồi thì giao dịch như thế nào?

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an: Trước khi trả lời câu hỏi của phóng viên bên Zing news, xin 'chia lửa' với đồng chí Nguyễn Đức Chi một chút về trách nhiệm liên quan đến FLC Faros. Như tôi đã từng nói với các phóng viên, với cơ quan điều tra, quá trình tố tụng dựa theo thượng tôn pháp luật, không để lọt tội phạm. Do đó khi một tổ chức hay một cá nhân vi phạm pháp luật, thì không thể suy diễn là có một cá nhân hay tổ chức nào đó cũng phải xử lý vì liên quan, vì cũng vi phạm pháp luật, cũng cần xử lý, truy cứu. Nếu bạn phóng viên nào có chứng cứ về cá nhân có liên quan giúp sức cho nhóm FLC vừa bị khởi tố về tội chiếm đoạt tài sản, nâng khống vốn điều lệ thì các bạn thông tin với cơ quan điều tra để xử lý nhanh.

Bộ Công an đã chỉ đạo cảnh sát hình sự, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục An ninh mạng, công an địa phương, đặc biệt là công an các địa phương giáp Campuchia, phối hợp cùng bộ đội biên phòng tiến hành điều tra, xác minh đường dây buôn người sang Campuchia và bước đầu kết quả điều tra tương đối tốt.

Về vấn đề sổ hộ khẩu, theo quy định tại Khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú năm 2020 thì kể từ ngày 1/7/2021, khi Luật Cư trú mới có hiệu lực, Bộ Công an không cấp sổ hộ khẩu mới, không cấp lại sổ hộ khẩu. Tuy nhiên, những sổ hộ khẩu đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị trên giấy tờ, tài liệu xác nhận về nơi cư trú vẫn có giá trị đến hết ngày 31/12.

Trong phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng đã trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về trách nhiệm của Bộ Công an. Bộ Công an không có chủ trương thu hồi sổ hộ khẩu, chỉ thu hồi sổ hộ khẩu khi công dân thực hiện đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu đã cấp theo quy định và không có chủ trương thu hồi đồng loạt. Trong giai đoạn vừa qua, công dân nào có nhu cầu điều chỉnh hay thay đổi thì cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thu lại sổ hộ khẩu.

Sau những phản ánh, cảnh sát quản lý về hành chính và trật tự xã hội đã cho rà soát, kiểm tra việc thực hiện các quy định thu hồi sổ hộ khẩu, đảm bảo cơ quan công an các cấp thực hiện đúng quy định của Luật Cư trú, chấn chỉnh, xử lý trường hợp thu sổ không đúng quy định, gây phiền hà cho người dân. Ngày 22/8/2022, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã có công văn số 5762/06 gửi Văn phòng bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan của Chính phủ, Văn phòng UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị phối hợp cùng thực hiện một số nội dung về triển khai Luật Cư trú, trong đó có các phương thức sử dụng về thông tin công dân thay thế việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, trong đó có giao dịch đất đai. Người dân có thể sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử chứng minh nơi thường trú, giấy xác nhận thông tin về nơi thường trú, số định danh cá nhân.

Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ: Thời gian vừa qua, Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các địa phương, đặc biệt là các địa phương giáp biên giới Campuchia và phối hợp với các cơ quan chức năng của Campuchia xác minh thông tin, triển khai các biện pháp bảo hộ công dân. Các cơ quan đại diện của chúng ta đã lập các đội công tác chuyên trách để hỗ trợ công dân, đăng các cảnh báo trên các trang thông tin điện tử cũng như trên tài khoản mạng xã hội của cơ quan đại diện, thiết lập đường dây nóng để sẵn sàng tiếp nhận thông tin đề nghị hỗ trợ. Hiện không có số liệu chính xác số lượng người Việt Nam đang bị lừa đảo bán sang Campuchia. Tuy nhiên cho đến nay các cơ quan đại diện của chúng ta phối hợp cứu thoát và đưa khoảng 600 công dân về nước an toàn và hỗ trợ thủ tục cho nhiều người khác.

Thời gian tới, các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Campuchia phối hợp với bộ, ngành và các địa phương tiếp tục làm công tác bảo hộ công dân, người lao động Việt Nam để giảm tình trạng này. Tuy nhiên một công tác rất quan trọng là tuyên truyền cho người dân ở trong nước để tránh tình trạng bị lừa đảo sang Campuchia, trong đó có vai trò rất quan trọng của báo chí. Rất mong báo chí thời gian tới tiếp tục hỗ trợ, ủng hộ bằng cách đưa tin cảnh báo người dân về những rủi ro có thể bị lừa bán sang Campuchia và các nước khác.

Theo Chinhphu.vn

.
.
.