Ðể không còn những vụ cháy thương tâm
Đến 21 giờ ngày 7/9, đã có 33 người chết, nhiều người bị thương trong vụ cháy nghiêm trọng tại quán karaoke An Phú ở phường An Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Hiện trường vụ cháy quán karaoke tại Bình Dương sau khi lực lượng cứu hộ cứu nạn hoàn thành nhiệm vụ đã rút lui. Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN |
Ðau lòng và bất an là cảm giác chung của nhiều người dân lúc này khi nhắc đến vụ cháy. Ðiều đáng nói, những vụ cháy thương tâm không phải diễn ra lần đầu. Còn nhớ, cách đây chưa lâu, vụ cháy tại quán karaoke số 231 Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) đã khiến ba cán bộ, chiến sĩ hy sinh; tháng 4/2022, vụ cháy nhà tại phường Kim Liên (quận Ðống Ða, Hà Nội) khiến 5 người chết; tháng 11/2016, vụ cháy quán karaoke 68 tại phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội khiến 13 người chết... Và còn rất nhiều vụ cháy lớn khác, không chỉ là quán karaoke, vũ trường mà còn xảy ra tại nhiều cơ sở kinh doanh, chợ, nhà ở gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Qua quá trình điều tra của lực lượng chức năng, ngoài các nguyên nhân gây ra cháy như: do sự cố hệ thống, thiết bị điện; sơ suất, bất cẩn khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy… còn có nguyên nhân bắt nguồn từ việc một số cơ quan có trách nhiệm lơ là trong quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát các cá nhân, tổ chức thực hiện quy định về phòng, chống cháy nổ, nhất là những cơ sở kinh doanh tập trung đông người như karaoke, vũ trường…
Nguyên nhân các vụ cháy đã được các cơ quan chức năng nhanh chóng làm rõ; nhiều biện pháp phòng cháy, chữa cháy cũng đã được các địa phương triển khai. Thế nhưng, vì sao các vụ cháy lớn, thương tâm vẫn tiếp tục diễn ra?
Từ thực tế các vụ cháy xảy ra trong thời gian qua cho thấy, hầu hết các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại hình dịch vụ giải trí (như quán bar, karaoke, vũ trường...) có tâm lý chủ quan, ngại tốn kém chi phí, chỉ trang bị để đối phó. Tiếp đến là do phương tiện phòng cháy, chữa cháy dù đã được trang bị, cải tiến nhưng vẫn còn lạc hậu chưa đáp ứng được thực tế. Nhiều vụ cháy, các lực lượng chức năng rất khó khăn do thiếu phương tiện hoặc mất nhiều thời gian mới tiếp cận được đám cháy; có trường hợp khi tiếp cận được thì đã quá muộn, hậu quả xảy ra quá nặng nề.
Ðó là chưa kể, việc lỏng lẻo trong công tác quy hoạch đô thị. Dễ dàng nhận thấy tại các đô thị, nhà cửa, chung cư mọc lên san sát, không có không gian để phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ; sự quá tải của hạ tầng giao thông cũng khiến thời gian tiếp cận đám cháy của lực lượng chức năng kéo dài, nhất là vào những giờ cao điểm…
Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền cho người dân kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ cứu nạn và thoát nạn. Việc tuyên truyền không phải theo phong trào, vì thành tích mà phải coi đó là nhiệm vụ bắt buộc của các cơ quan, đơn vị,… Trong quản lý đô thị, cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý dứt điểm, nghiêm minh công trình vi phạm, kiên quyết không đưa vào sử dụng công trình xây dựng chưa đạt yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng của người dân.
(Theo nhandan.vn)