Thủ tướng đề nghị tổng kiểm tra, rà soát trên toàn quốc về công tác phòng cháy, chữa cháy
Cập nhật: 15:14, 12/09/2022 (GMT+7)
(ABO) Sáng 12-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 83 ngày 18-7-2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH) của lực lượng phòng cháy và chữa cháy. Tại điểm cầu Tiền Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Diệu chủ trì.
Từ năm 2017 đến năm 2021, toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy, làm chết 433 người, bị thương 790 người, tài sản thiệt hại 7.043 tỷ đồng và 7.548 ha rừng. Ngoài ra, toàn quốc còn xảy ra 2.769 vụ sự cố nhỏ liên quan đến cháy. Bên cạnh đó, toàn quốc xảy ra 149 vụ nổ, làm 64 người chết, bị thương 190 người, thiệt hại về tài sản hơn 1 tỷ đồng.
Trong 8 tháng năm 2022, toàn quốc xảy ra 1.136 vụ cháy, làm 57 người chết, bị thương 52 người, tài sản thiệt hại sơ bộ 532 tỷ đồng và 39 ha rừng; ngoài ra, xảy ra 2.376 vụ sự cố nhỏ liên quan đến cháy; xảy ra 10 vụ nổ, làm 7 người chết, 11 người bị thương.
Quang cảnh tại điểm cầu Tiền Giang. |
Trong 5 năm qua (2017 - 2022), lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã điều động hơn 235.200 lượt cán bộ, chiến sĩ và hơn 30.400 lượt phương tiện tham gia tổ chức CNCH đối với hơn 17.900 vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn; trực tiếp cứu được 6.786 người, hướng dẫn thoát nạn hàng chục ngàn người; tìm được 3.350 thi thể nạn nhân bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý…
5 năm qua, các cơ quan chức năng đã tổ chức kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn PCCC và CNCH đối với hơn 2,6 triệu lượt cơ sở và phát hiện hơn 1,1 triệu trường hợp tồn tại, thiếu sót; xử phạt hơn 49.000 trường hợp với tổng số tiền xử phạt 520 tỷ đồng; tạm đình chỉ hơn 1.300 trường hợp và đình chỉ hơn 1.000 trường hợp…
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn, khách quan, nghiêm túc nhìn nhận công tác PCCC và CNCH còn tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập, để xảy ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cần khẩn trương, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, khắc phục thời gian tới.
Về nhận thức, cần xác định tình hình cháy, nổ, CNCH là nghiêm trọng, nhất là tại các khu công nghiệp, khu đô thị, khu đông dân cư, chợ, siêu thị, quán bar, karaoke, vũ trường; đòi hỏi lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả của các cấp chính quyền, các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng nòng cốt PCCC và đề cao ý thức người dân, yêu cầu với công tác PCCC và CNCH phải rất cao và đúng tầm mức.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Diệu dự và chủ trì tại điểm cầu Tiền Giang. |
Về quan điểm, Thủ tướng yêu cầu, phải đặt người dân là trung tâm, là chủ thể trong công tác này; đặt an toàn, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết; an toàn cháy, nổ góp phần ổn định chính trị, xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Phải đặt ra mục tiêu cao hơn, ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới chấm dứt việc chết người và hậu quả nghiêm trọng trong các vụ cháy, nổ do nguyên nhân chủ quan, nâng cao ý thức và kỹ năng của người dân trong PCCC và CNCH.
Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an tỉnh kiểm tra bình chữa cháy tại Trung tâm Thương mại Vincom Plaza Mỹ Tho. |
Thủ tướng đề nghị Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tiến hành tổng kiểm tra, rà soát trên toàn quốc về công tác PCCC, nhất là những địa bàn, lĩnh vực xảy ra nhiều vụ cháy; chú ý các cơ sở tập trung đông người, các nơi tiềm ẩn nhiều rủi ro cháy, nổ, nhất là các khu chung cư cao tầng; xử phạt nghiêm minh và bắt buộc khắc phục đối với các cơ sở đưa vào hoạt động không bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH. Việc giám sát, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở trong diện quản lý phải thực hiện một cách nghiêm ngặt, nghiêm minh, chặt chẽ, không lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm trong giám sát, kiểm tra, hướng dẫn…
VĂN THẢO