.

10 năm thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật: Ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả

Cập nhật: 10:21, 24/10/2022 (GMT+7)

(ABO) Sau 10 năm Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đi vào cuộc sống, công tác PBGDPL được chú trọng và ngày càng được triển khai đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được nâng cao, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu tình hình vi phạm pháp luật ở địa phương.

Đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến

Ngành giáo dục tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật một cách sinh động được nhiều học sinh yêu thích.
Ngành Giáo dục tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật một cách sinh động được nhiều học sinh yêu thích.

Ngay sau khi Luật PBGDPL được Quốc hội thông qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 126/KH-UBND ngày 13-9-20122 về triển khai thi hành Luật PBGDPL. Nội dung PBGDPL được thực hiện đa dạng với nhiều hình thức phù hợp cho từng đối tượng cụ thể, được sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể… 

Các kế hoạch, hoạt động được tổ chức phong phú, sát thực với nhu cầu thực tế của người dân, doanh nghiệp như: Tổ chức hội nghị trực tiếp, hội nghị chuyên đề, hội nghị lồng ghép; các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; thông qua hoạt động hòa giải, xét xử lưu động, hòa giải cơ sở, trợ giúp pháp lý, sinh hoạt câu lạc bộ…

Phát huy những ưu thế từ các phương tiện truyền thông đại chúng, nhân dân tiếp cận thông tin pháp luật qua loa truyền thanh, Internet, trên các trang thông tin điện tử niêm yết tại trụ sở, bản tin của cơ quan, tổ chức, khu dân cư. Những chương trình gần gũi như “Pháp luật cần biết”, “Dân hỏi chính quyền trả lời”, “Tiếp chuyện bạn nghe đài”, các chuyên đề “Pháp luật cho mọi người” đã đổi mới hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật theo một cách nhẹ nhàng, chuyên nghiệp hơn; từ đó thu hút được đông đảo người dân quan tâm theo dõi.

Trong thời gian qua, nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật một cách trực quan, sinh động, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện tuyên truyền, cổ động thông qua tranh ảnh, pa nô, áp phích, băng rôn, tổ chức chiếu phim và diễn văn nghệ, xây dựng kịch bản tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Các đội tuyên truyền lưu động tổ chức tuyên truyền PBGDPL qua các chương trình văn nghệ, cổ động trực quan biểu diễn phục vụ công chúng hơn 2.000 buổi biểu diễn, trong các chương trình đều lồng ghép, chuyển tải các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước thông qua các chủ đề như: Phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, xây dựng nông thôn mới, xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị, an toàn giao thông, chào mừng đại hội Đảng các cấp, hướng về biển đảo quê hương…

Đi sâu vào các chương trình, đề án cụ thể

Bên cạnh đa dạng hình thức tuyên truyền, PBGDPL, các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng đã tổ chức triển khai các chương trình, đề án về PBGDPL phù hợp với chức năng, nhiệm vụ công tác và tình hình, đặc điểm của cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm đưa pháp luật vào cuộc sống.

Ngành công an phối hợp ngành giáo dục tuyên truyền kiến thức an toàn giao thông cho học sinh tiểu học.
Ngành Công an phối hợp ngành Giáo dục tuyên truyền kiến thức an toàn giao thông cho học sinh tiểu học.

Cụ thể, như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Tư pháp tổ chức tuyên truyền các quy định pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động; giải đáp thắc mắc về chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 9.500 người lao động. Trong đó, nổi bật là phối hợp với Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang, Công ty TNHH MTV Bê tông Ticco tổ chức tuyên truyền các chế độ, chính sách cho 400 người lao động khi cổ phần hóa doanh nghiệp về an toàn, vệ sinh lao động…

Liên đoàn Lao động tỉnh và các cấp Công đoàn phối hợp với ngành chức năng tổ chức tư vấn pháp luật trực tiếp cho trên 650 lượt doanh nghiệp với hơn 25.600 lượt công nhân, lao động tham dự, tư vấn (trực tiếp và qua điện thoại) cho trên 1.040 lượt đoàn viên, người lao động về các nội dung xoay quanh điều kiện, chế độ được hưởng khi chấm dứt hợp đồng, nghỉ thai sản, ốm đau, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với công nhân, lao động, doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19; về những bất lợi khi rút bảo hiểm xã hội 1 lần, trợ cấp thất nghiệp…

Song song với những buổi tuyên truyền, Liên đoàn Lao động tỉnh duy trì phối hợp các ngành liên quan tổ chức Hội thi An toàn, vệ sinh lao động - Phòng, chống cháy, nổ; đến nay đã tổ chức được 22 lần, mỗi năm thu hút trên 400 thí sinh của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia dự thi. Qua đó, góp phần tuyên truyền, cung cấp, bổ sung thêm kiến thức, các quy định của pháp luật đến đoàn viên, công nhân về các Luật như Bộ Luật Lao động, Luật An toàn vệ sinh lao động, Bảo hiểm xã hội, các chế độ, chính sách khác có liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động để thực hiện tốt hơn trong lao động, sản xuất và cuộc sống…

Trong công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù như người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người bị phạt tù được hưởng án treo, ngành Công an phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức trao đổi, trò chuyện, nắm bắt tâm tư nguyện vọng cho các đối tượng mãn hạn tù, trong đó chú trọng tuyên truyền đối với thanh niên chậm tiến, thanh niên đang quản lý quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại địa phương theo chiều hướng tiến bộ, hạn chế vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên. Đặc biệt là hình thức cảm hóa đối tượng đặc thù để các đối tượng dễ hòa nhập cộng đồng, có công ăn việc làm ổn định…

Đối với những người dân vùng ven biển, các xã ven biển trên địa bàn tỉnh hằng năm đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với Đồn Biên phòng, Hải đội thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền cho các ngư dân các văn bản pháp luật liên quan như Luật Biên giới quốc gia, Luật Biển năm 1982, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và pháp luật Việt Nam về Biển Đông và hải đảo… được 354 lượt/ 4.930 lượt cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tham gia.

Đồng thời, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tổ chức cấp phát 125 băng đĩa các loại, tham gia 5 cuộc thi, biên soạn 365 tài liệu tuyên truyền pháp luật, phát 98 chuyên mục phát thanh và 98 chuyên mục truyền hình “Vì chủ quyền an ninh biên giới”… Qua tuyên truyền đã nâng cao nhận thức của người dân ven biển về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức đấu tranh, giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức đấu tranh, bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong nhân dân.

Việc thực hiện công tác PBGDPL trong nhà trường gắn với lồng ghép thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong nhà trường” được thực hiện sinh động thông qua các hình thức tổ chức như tổ chức lồng ghép tuyên truyền pháp luật trong các buổi sinh hoạt lớp, sinh hoạt Đoàn, Đội, sinh hoạt dưới cờ; lồng ghép vào các môn học như Giáo dục công dân, các hoạt động ngoài giờ lên lớp, các buổi tuyên truyền phát thanh măng non… duy trì và tổ chức tốt “Câu lạc bộ pháp luật” do Đoàn Thanh niên phụ trách, hàng tuần đều cập nhật những văn bản pháp luật mới, những kiến thức pháp luật phù hợp với lứa tuổi học sinh đăng trên “Bản tin học đường” hoặc chương trình “Phát thanh thanh niên” cho học sinh trung học phổ thông. Nổi bật là tổ chức cuộc thi tuyên truyền về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông gồm 36 trường trung học phổ thông tham gia với hơn 720 học sinh tham dự cuộc thi…

Đánh giá về hiệu quả sau 10 năm thực hiện Luật PBGDPL, đồng chí Phạm Công Hùng, Giám đốc Sở Tư pháp Tiền Giang, cho biết:

Qua 10 năm triển khai Luật PBGDPL, với tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc triển khai công tác PBGDPL và ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác PBGDPL được tập trung hướng mạnh về cơ sở thông qua việc lồng ghép công tác PBGDPL trong các cuộc họp chi bộ, tổ nhân dân tự quản, các tổ vay vốn, tiếp xúc cử tri, các thiết chế văn hóa ở cơ sở…

Đặc biệt là việc triển khai thực hiện mô hình sinh hoạt “Ngày Pháp luật” đã được hưởng ứng tích cực từ các ngành, các cấp. Công tác PBGDPL đã tạo sự chuyển biến về ý thức chấp hành pháp luật của người dân thông qua việc tuyên truyền những nội dung pháp luật phù hợp với nhu cầu thực tế, tạo thói quen tìm hiểu pháp luật thường xuyên qua các hình thức phù hợp để nâng cao ý thức tôn trọng, tự giác chấp hành pháp luật. Nhìn chung, công tác PBGDPL đã từng bước nâng cao ý thức chủ động, tích cực tìm hiểu pháp luật và thói quen chấp hành pháp luật trong cán bộ, công chức và nhân dân.

NHƯ NGỌC

.
.
.