.

Huyện Châu Thành: Để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đạt hiệu quả

Cập nhật: 09:42, 26/11/2022 (GMT+7)

Thời gian qua, huyện ủy Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đã tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 32 ngày 9-12-2003 và Kết luận 80 ngày 20-6-2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

Theo đó, huyện đã thành lập Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện, với 26 thành viên; làm tốt tham mưu chính quyền. Huyện có 28 báo cáo viên pháp luật; 335 tuyên truyền viên; 161 tổ hòa giải, với 1.163 hòa giải viên có mặt khắp khu dân cư, khu nhà trọ công nhân, đã hoạt động tích cực, hiệu quả.

ĐA DẠNG HÌNH THỨC, HƯỚNG VỀ CƠ SỞ

Từ đó công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được thuận lợi, đạt hiệu quả; chính quyền, tổ chức, đơn vị, đoàn thể chú trọng cách thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đa dạng, phong phú theo phương châm hướng về cơ sở, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài.

Cùng với đó, huyện tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhân Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (9-11) hằng năm; tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc các đề án phổ biến, giáo dục pháp luật với nội dung thiết thực, hình thức phù hợp theo đặc điểm từng nhóm đối tượng như tổ chức hội nghị triển khai các luật mới ban hành cho cán bộ, công chức, viên chức; tuyên truyền qua các cuộc sinh hoạt định kỳ cơ quan, đoàn thể; qua xe loa lưu động, cấp phát gần 300.000 tờ rơi, dựng 321 tấm pa nô, 1.874 băng rôn, phát 23 chương trình tuyên truyền luật trên sóng phát thanh, nhất là những luật liên quan mật thiết đến mọi người dân; Trang Thông tin điện tử huyện Châu Thành kịp thời cập nhật, đăng nhiều tin bài viết súc tích, dễ hiểu về các văn bản pháp luật mới giúp người dân dễ tiếp cận, tìm hiểu.

Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trần Hữu Phong trao Giấy khen cho tập thể đạt thành tích  tiêu biểu trong 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.
Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trần Hữu Phong trao Giấy khen cho tập thể đạt thành tích tiêu biểu trong 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.

Thời gian gần đây, huyện dành sự quan tâm phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù theo hướng thực chất, qua đó giúp họ hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình, tuân thủ các quy định pháp luật.

Đặc biệt, với học sinh, huyện quan tâm giáo dục pháp luật ở các cấp học, lồng ghép giáo dục pháp luật vào các môn khoa học xã hội, tổ chức hội thi: “Học sinh với an toàn giao thông”, “Đoàn viên thanh niên với an toàn giao thông”…  giúp các em hiểu biết căn bản về pháp luật, hình thành ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, trau dồi kỹ năng sống, thói quen ứng xử theo pháp luật từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

NHIỀU MÔ HÌNH HAY

Trong quá trình thực hiện, đã xuất hiện nhiều mô hình giáo dục, phổ biến pháp luật hiệu quả như mô hình “Câu lạc bộ nông dân với pháp luật”, “Cà phê thanh niên”, “Khu dân cư không có thanh niên mắc tệ nạn xã hội”, “Hòm thư tố giác”, mô hình “Thanh niên với pháp luật”, “Cổng trường an toàn giao thông”... có mặt hầu hết các địa phương... Riêng Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã, thị trấn tổ chức chuyên môn theo chức năng đã thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho hội viên phụ nữ và người dân.

Đó là 22 tổ hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc với 410 thành viên; 88 tổ phòng, chống bạo lực gia đình với 1.331 thành viên; 3 tổ không bạo lực gia đình với 44 thành viên; 19 tổ chăm sóc bảo vệ trẻ em với 368 thành viên. Hầu hết các tổ hòa giải vận dụng luật rất khéo léo, giải quyết vấn đề mâu thuẫn có lý có tình, gìn giữ tình làng nghĩa xóm, tỷ lệ hòa giải thành đạt 85%, tránh đưa nhau ra tòa không cần thiết

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Huyện ủy Châu Thành đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng tăng cường sự lãnh đạo, phải coi phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ quan trọng gắn với nhiệm vụ chính trị đơn vị, địa phương. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải nêu cao ý thức tôn trọng, gương mẫu chấp hành pháp luật, tích cực vận động gia đình và quần chúng nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.

HĐND tăng cường hoạt động giám sát, đại biểu trong các cuộc tiếp xúc cử tri có trách nhiệm tuyên truyền, vận động cử tri chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Chính quyền huyện, cơ sở có giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, kết hợp chặt chẽ giữa phổ biến với việc tổ chức thi hành pháp luật.

Đồng thời, kịp thời kiện toàn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, động viên, khuyến khích đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, hòa giải viên tích cực đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, phương pháp phổ biến, giáo dục phù hợp đặc điểm nhu cầu, hoàn cảnh cụ thể từng nhóm đối tượng.

Cùng với đó là quan tâm đầu tư tài lực, vật lực; đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và xã hội hóa phổ biến, giáo dục pháp luật. Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chủ động phổ biến, giáo dục, nâng cao hiểu biết pháp luật, tạo thói quen nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật cho đoàn viên, hội viên và thường xuyên giám sát việc thi hành pháp luật.

NGUYỄN MINH TÂM

.
.
.