.

Xử lý tin giả, chấn chỉnh tình trạng "báo hóa" trang tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội

Cập nhật: 10:53, 03/11/2022 (GMT+7)

Bộ TT&TT đã và đang phối hợp xử lý theo thẩm quyền đối với những hành vi sai phạm trên không gian mạng, trong đó có tin giả, báo hóa mạng xã hội.

Theo thống kê của Bộ TT&TT, hiện Việt Nam có 1.952 trang thông tin điện tử tổng hợp và 935 mạng xã hội trong nước đã được cấp phép hoạt động. Trong đó, có 10 mạng xã hội có trên 1 triệu tài khoản đăng ký hoạt động và có 27 mạng xã hội có lượt người truy cập (page view)/tháng từ 1 triệu lượt trở lên.

Đánh giá của Bộ TT&TT cho thấy, bên cạnh mặt tích cực là cánh tay nối dài của các cơ quan báo chí, lan toả thông tin chính thống trên môi trường mạng, thời gian gần đây, tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Để hạn chế tình trạng này, ngay từ năm 2019, Bộ TT&TT đã phối hợp với các Sở TT&TT triển khai một loạt các biện pháp cấp bách.

Bộ TT&TT đã ban hành các văn bản chỉ đạo, yêu cầu siết chặt việc cấp phép, tăng cường rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội.

Theo đó, Bộ TT&TT sẽ không cấp phép trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội có tên miền sử dụng những từ ngữ có thể gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí. Bộ cũng đề nghị doanh nghiệp làm cam kết không sản xuất tin bài, hoạt động báo chí trên trang tin tổng hợp hoặc mạng xã hội của mình.

Các Sở TT&TT và các cơ quan đơn vị chức năng thuộc Bộ đã lập danh sách, tăng cường rà soát, theo dõi thường xuyên các trang tin tổng hợp và mạng xã hội có biểu hiện “báo hóa”.

Cơ quan chức năng cũng sẽ tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra hoạt động của một số trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội có dấu hiệu “báo hóa” nghiêm trọng, xử lý vi phạm, xem xét đình bản hoặc thu hồi giấy phép nếu tiếp tục vi phạm.

Trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã tổ chức định kỳ 6 tháng/lần giao ban với các trang thông tin tổng hợp, mạng xã hội, tập trung mời các trang tin điện tử và mạng xã hội có dấu hiệu báo hóa tham gia.

Bộ cũng đã thiết lập hệ thống kết nối trực tuyến qua ứng dụng với các trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội, qua đó, thường xuyên nhắc nhở, cảnh báo, chấn chỉnh, nêu rõ xu hướng, biểu hiện “báo hóa”. Cùng với đó là việc công bố kết quả xử lý những trường hợp “báo hóa” trang tin và mạng xã hội để răn đe, cảnh báo.

Song song với đó, đã có nhiều hệ thống thu thập, đánh giá thông tin vi phạm trên môi trường mạng được đưa vào hoạt động như: Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam, Hệ thống các đường dây nóng (hotline) và các phương tiện CNTT (email, ứng dụng nhắn tin,…).

Bộ TT&TT đã phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương để quản lý, xử lý theo thẩm quyền đối với những hành vi sai phạm trên không gian mạng. Đặc biệt trong số này là các hành vi tung tin giả, tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp…

Thống kê cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2022, các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT đã phối hợp với các Sở TT&TT xử lý 134 tên miền gây nhầm lẫn với cơ quan báo chí, 14 tên miền có dấu hiệu cung cấp thông tin quảng cáo cho các dịch vụ trò chơi điện tử có tính chất cờ bạc.

b

Bộ TT&TT đã đưa vào vận hành Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam tại địa chỉ tingia.gov.vn. Ảnh: Trọng Đạt

Các đơn vị chức năng thuộc Bộ đã ban hành 114 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm trong hoạt động cung cấp trang thông tin điện tử, mạng xã hội với tổng số tiền trên 1,9 tỷ đồng.

Theo Bộ TT&TT, công tác phối hợp để xử lý các sai phạm trên không gian mạng sẽ được thực hiện theo hai hướng.

Các tỉnh chủ động xử lý vi phạm hành chính nếu xác định được nhân thân đối tượng vi phạm trên địa bàn. Trong trường hợp đối tượng vi phạm nhiều lần, nghiêm trọng, có dấu hiệu hình sự, Sở TT&TT sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, cơ quan Công an tại địa phương, củng cố chứng cứ để có thể xử lý ở mức cao hơn (xử lý hình sự).

Nếu không xác định được danh tính, nhân thân của đối tượng vi phạm, các tỉnh có thể gửi nội dung vi phạm đến Bộ TT&TT, Bộ Công an để sử dụng các biện pháp kỹ thuật, hoặc yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ phối hợp ngăn chặn.

Theo VietnamNet

.
.
.