.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo siết chặt quản lý, kiểm tra các trung tâm đăng kiểm

Cập nhật: 11:40, 22/12/2022 (GMT+7)

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) yêu cầu tăng cường công tác quản lý hoạt động kiểm định phương tiện sau loạt trung tâm đăng kiểm bị khám xét.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo siết chặt quản lý, kiểm tra các trung tâm đăng kiểm.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo siết chặt quản lý, kiểm tra các trung tâm đăng kiểm.

Qua công tác thanh tra của Thanh tra Bộ GTVT và phản ánh trong thời gian qua, công tác kiểm định phương tiện bộc lộ nhiều vi phạm của đăng kiểm viên, đăng kiểm viên thực tập có chiều hướng gia tăng, tập trung ở các lỗi: Không thực hiện đầy đủ nội dung kiểm định, bỏ lỗi vi phạm (đèn phương tiện, kích thước thùng xe tải...), thực tập, báo cáo kết quả thực tập kiểm tra phương tiện không đúng quy định...

Để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, thiếu sót và nâng cao chất lượng công tác kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Bộ GTVT yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam, Sở GTVT các địa phương rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định, để kịp thời khắc phục sơ hở, bất cập, nhằm loại bỏ cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm định phương tiện; nhận diện từng khâu, từng vị trí công tác tiềm ẩn, dễ phát sinh tiêu cực để xây dựng, thực hiện các giải pháp, biện pháp cụ thể phòng ngừa, kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm định.

Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; tập trung kiểm tra hoạt động kiểm định của các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới; thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thông qua hệ thống giám sát trực tuyến tại Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Bộ GTVT cũng yêu cầu kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên xe cơ giới; nghiên cứu xây dựng, thực hiện các giải pháp hiệu quả để kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm của trung tâm đăng kiểm, đăng kiểm viên.

Ngoài ra, các Sở GTVT tăng cường công tác quản lý hoạt động kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo chức năng, nhiệm vụ được giao; tập trung thanh tra, kiểm tra hoạt động kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên địa bàn theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT.

Hiện nay, Công an TP Hồ Chí Minh đang mở rộng điều tra đường dây đưa hối lộ, nhận hối lộ, giả mạo trong công tác tại 9 Trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ tại các tỉnh phía Nam. Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Hồ Chí Minh xác định các giám đốc trung tâm đăng kiểm có vai trò cầm đầu trong đường dây nói trên.

Theo Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh, để có tiền chia cho các nhân viên và làm "quỹ hoạt động", giám đốc các trung tâm đăng kiểm nêu trên đã chỉ đạo nhân viên trung tâm, bao gồm các phó giám đốc, đăng kiểm viên, thực tập viên, nhân viên văn phòng… trong quá trình kiểm định chất lượng, đo tiêu chuẩn khí thải bảo vệ môi trường đã cố ý bỏ qua lỗi vi phạm của hơn 70.000 phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Tất cả các phương tiện được bỏ qua lỗi vi phạm này đều do “cò mồi” đưa đến kiểm định, hối lộ tiền, từ đó các trung tâm thu lợi bất chính gần 10 tỷ đồng.

Đến nay, cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt 23 bị can để tạm giam về các hành vi “môi giới hối lộ”, “đưa hối lộ”, “nhận hối lộ” và “giả mạo trong công tác”.

(Theo https://baotintuc.vn/phap-luat/bo-giao-thong-van-tai-chi-dao-siet-chat-quan-ly-kiem-tra-cac-trung-tam-dang-kiem-20221222092640133.htm)

.
.
.