Thứ Hai, 19/12/2022, 20:37 (GMT+7)
.

Nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý để người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật

(ABO) Chiều 19-12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2023.

Tham dự tại điểm cầu chính có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Diệu chủ trì tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang.

Năm 2022, công tác xây dựng pháp luật và công tác thẩm định, rà soát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đã được các bộ, ngành quan tâm, chú trọng triển khai quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực. Các báo cáo thẩm định của Bộ, ngành Tư pháp được các cơ quan, lãnh đạo có thẩm quyền ban hành VBQPPL xem là kênh ý kiến quan trọng để quyết định ban hành văn bản.

Theo đó, Bộ Tư pháp đã thẩm định 283 dự án, dự thảo VBQPPL; tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 521 dự thảo; các sở tư pháp thẩm định 308 đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND và 4.675 dự thảo VBQPPL; hơn 2.800 dự thảo VBQPPL do các phòng tư pháp thẩm định.

Bên cạnh đó, công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao hơn so với năm 2021; thi hành xong về tiền đạt trên 75.035 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2021. Trong đó, kết quả thu hồi tài sản các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng gần 16.000 tỷ đồng, tăng gần 11.900 tỷ đồng so với năm 2021.

Công tác phổ biến giáo dục pháp luật được đổi mới, bám sát yêu cầu đời sống thực tiễn, lấy người dân là trung tâm thụ hưởng. Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tiếp tục được xây dựng và vận hành hiệu quả, duy trì kết nối, chia sẻ thông suốt với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thể chế trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp tiếp tục được nghiên cứu hoàn thiện đáp ứng yêu cầu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và quản lý nhà nước.

Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác tư pháp năm 2022 còn một số tồn tại, hạn chế về tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết đã có hiệu lực vẫn chưa được khắc phục triệt để; việc theo dõi thi hành pháp luật còn lúng túng nhất định; công tác phổ biến giáo dục pháp luật có nơi, có lúc còn nặng về hình thức dẫn tới hiệu quả chưa cao; chất lượng hoạt động của các tổ hòa giải cơ sở chưa đồng đều; vi phạm trong một số lĩnh vực bổ trợ tư pháp, nhất là đấu giá tài sản, công chứng ngày càng tinh vi, phức tạp.

Tại hội nghị, Bộ Tư pháp đề ra nhiều định hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh các nhiệm vụ về cải cách hành chính, giải quyết kịp thời yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp… Đồng thời, nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý để người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật; thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số gắn với bảo đảm an toàn thông tin mạng trong ngành Tư pháp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông đối với việc khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến cũng như các hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu của ngành Tư pháp…

MINH QUANG

.
.
.