Đường về nẻo sáng
Mỗi dịp tết đến, ai đi xa cũng mong muốn quay về sum họp đầm ấm bên gia đình, chỉ trừ những người đang thực hiện nhiệm vụ, những người có hoàn cảnh đặc biệt, phải đón tết xa người thân. Bên cạnh đó, cũng có những cá biệt, không dám trở về gia đình, sống lầm lũi trong hoảng hốt, lo âu, đó là những người trốn lệnh truy nã. Để tạo điều kiện cho người phạm tội biết hối cải, pháp luật Việt Nam đã có những quy định cụ thể để xem xét đối với người phạm tội ra đầu thú, tạo cơ hội cho họ cải tạo, trở lại với đời bằng con người lương thiện, có ích.
Thực tế, có nhiều người phạm tội lẩn trốn đã ra đầu thú, thoát khỏi ám ảnh tội lỗi, bước ra ánh sáng, không còn lo âu sợ hãi, an tâm cải tạo, làm lại cuộc đời. Và, cứ mỗi dịp tết đến, ý thức sum vầy đã thôi thúc nhiều người trốn lệnh truy nã ra đầu thú. Nhiều gia đình có người thân trốn lệnh truy nã, đã phối hợp cơ quan Công an và các lực lượng có liên quan, vận động, khuyên nhủ đưa con em ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật, sau thời gian cải tạo, họ đã sum họp với gia đình. Đơn cử như trường hợp của anh Đoàn Công Hải, ngụ quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.
Thông thường, chẳng ai muốn đến trại giam, trừ những người có trách nhiệm, riêng anh Hải, sau khi rời Trại giam Phước Hòa (xã Thạnh Hòa, huyện Tân Phước) 6 tháng, anh đã quyết định cùng người bạn đời tương lai quay trở lại trại giam để thăm cán bộ quản giáo. Anh cảm ơn những người đã giúp anh đi qua khoảng thời gian khó khăn nhất của đời mình. Anh báo tin vui sắp lập gia đình và đã có việc làm ổn định tại địa phương cư trú.
Anh tâm sự: “Với rất nhiều người, trại giam là nơi đáng ghét, tối tăm u ám; còn với anh, trại giam là nơi mở ra cho anh con đường sáng, nơi anh đã trút bỏ quá khứ để bước ra ánh sáng. Có được hôm nay, cũng chính nhờ anh đã vượt qua nỗi sợ hãi khi lẩn trốn, ra đầu thú, được quan tâm, giáo dục, cải tạo và trở lại với đời”.
Nhớ lại những ngày lẩn trốn, sống chui lủi, lúc nào cũng hoảng hốt, âu lo, có lúc anh Hải gần như điên loạn. Anh tâm sự: “Đêm nghe tiếng chó sủa là giật mình, ngày lang thang không ai thuê mướn, bản thân cũng không dám ra ngoài xin làm việc vì sợ mọi người nhận ra. Có lúc anh trốn sang tận Campuchia, đói, rét, sợ hãi luôn thường trực”.
Rồi đến một ngày, anh Hải nghe lời mẹ, ra đầu thú. Sau thời gian chấp hành án, cải tạo tốt, anh được về với gia đình. Chính tình thương của người mẹ, sự bao dung của những người xung quanh đã giúp anh sớm hòa nhập vào cuộc sống mới. Vợ sắp cưới của anh Hải, một người phụ nữ có đủ cảm thông, chia sẻ, chắc chắn sẽ là điểm tựa để anh vững vàng bước tiếp khi trở về với cộng đồng.
Tương tự như anh Đoàn Công Hải, ông Nguyễn Văn Tiết sinh sống tại xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang cũng có một thời gian bỏ địa phương, trốn lệnh truy nã, lang thang hết nơi này đến nơi khác, trốn tránh mọi người, không có cái ăn, không nơi ngủ nghỉ. Đêm, nghe tiếng động, dẫu nhẹ, cũng giật mình hoảng hốt. Đến một ngày, vợ ông Tiết cho hay, Công an, chính quyền địa phương vận động đầu thú và ông đã cùng vợ đến cơ quan Công an. Sau thời chấp hành án tại trại giam, ông Tiết trở về địa phương tiếp tục chăn nuôi, lao động, ổn định cuộc sống.
Để tạo điều kiện cho những đối tượng trốn lệnh truy nã có cơ hội làm lại cuộc đời, Công an tỉnh đã phối hợp các lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động người thân tội phạm truy nã đưa con em ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước.
Mỗi khi tết đến, xuân về, Ban Giám đốc Công an tỉnh gửi thư kêu gọi đến gia đình đối tượng truy nã để vận động đầu thú, thể hiện sự ăn năn, hối cải về hành vi phạm tội để được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Người phạm tội đang lẩn trốn, có thể ra đầu thú tại tất cả các cơ quan Công an trong và ngoài tỉnh. Hoặc có thể liên hệ số điện thoại đến Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Tiền Giang 0693.599.531; số điện thoại Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra 0949.686.026 để được hỗ trợ, hướng dẫn.
THANH DUY