Vì sao vụ án bà Nguyễn Phương Hằng điều tra kéo dài?
Cơ quan tố tụng muốn giải quyết dứt điểm, toàn diện vụ án liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng nên tiến trình điều tra kéo dài. Vụ án vẫn đang làm rõ vai trò một số người liên quan, trong đó có tiến sĩ luật Đặng Anh Quân.
3 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung
Tính đến nay đã hơn 10 tháng kể từ khi bị khởi tố, bắt tạm giam, bà Nguyễn Phương Hằng (52 tuổi, TGĐ Công ty CP Đại Nam, trụ sở tại Bình Dương) liên tục bị gia hạn tạm giam nhằm đảm bảo quy định tố tụng. Dù bản thân bà Hằng cũng như gia đình có đơn xin thay đổi biện pháp ngăn chặn; thậm chí con trai bà Hằng đề nghị đặt tiền 10 tỷ đồng, bảo đảm thay cho biện pháp tạm giam nhưng đều không được giải quyết.
Được biết đây là lần thứ 3, Viện KSND TP.HCM trả hồ sơ yêu cầu điều tra làm rõ các tình tiết, những người có liên quan. Hai lần trước trả hồ sơ vào tháng 9 và tháng 11/2022.
Bị can Nguyễn Phương Hằng bị tạm giam hơn 10 tháng nay. Ảnh: CACC |
Theo hồ sơ, xuyên suốt trong quá trình bị khởi tố, bắt tạm giam (từ tháng 3/2022) đến nay, bà Nguyễn Phương Hằng đều thừa nhận hành vi phạm tội.
Viện KSND TP.HCM trả hồ sơ lần đầu (tháng 9/2022), Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã làm rõ và có kết luận thêm về hành vi vi phạm pháp luật của bà Hằng xảy ra tại Bình Dương mà Công an tỉnh này chuyển hồ sơ.
Lần trả hồ sơ lần thứ 2 (tháng 11/2022), Viện KSND TP.HCM đề nghị làm rõ về vai trò của những người có liên quan, giúp sức tích cực cho bà Hằng, trong đó có các trợ lý, MC và khách mời trong các buổi livestream. Sau đó, Cơ quan CSĐT tiếp tục khởi tố, bắt tạm giam 3 đồng phạm giúp sức tích cực cho bà Hằng gồm: Lê Thị Thu Hà (tự Hà Lee, 31 tuổi, nhân viên), Huỳnh Công Tân (30 tuổi là Trưởng phòng truyền thông Công ty CP Đại Nam) và Nguyễn Thị Mai Nhi (49 tuổi, trợ lý của bà Nguyễn Phương Hằng).
Công an TP.HCM đã ra kết luận, đề nghị Viện KSND TP.HCM truy tố bà Hằng cùng 3 người trên về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Trong kết luận điều tra lần 2 này, cơ quan CSĐT có đề cập đến hai khách mời trong các buổi livestream của bà Hằng là tiến sĩ luật - giảng viên Đặng Anh Quân và luật sư Nguyễn Đình Kim nhưng xác định chưa đủ cơ sở xử lý hình sự.
Lê Thị Thu Hà và Nguyễn Thị Mai Nhi, hai nhân viên, trợ lý giúp sức tích cực cho bà Nguyễn Phương Hằng đã bị khởi tố nhưng giải quyết cho tại ngoại. Ảnh: CACC |
Huỳnh Công Tân, người dẫn chương trình trong nhiều buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng. Ảnh: CACC |
Lần trả hồ sơ thứ 3 mới đây, Viện KSND TP.HCM đề nghị Cơ quan CSĐT nêu rõ kết luận về giám định nội dung phát ngôn của ông Đặng Anh Quân mà cho rằng, có nội dung đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của người khác…
Hồ sơ vụ án xác định, đến nay đã xác định rõ hành vi vi phạm pháp luật của bà Nguyễn Phương Hằng, đã lợi dụng sự ảnh hưởng của bản thân, chức năng của mạng xã hội trên Internet cung cấp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư nhằm gây ảnh hưởng đến uy tín, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhiều người. 3 bị can là nhân viên, trợ lý cũng đã thừa nhận vai trò giúp sức, làm theo chỉ đạo của bà Hằng.
Cơ quan tố tụng mong muốn giải quyết dứt điểm
Được biết, trong vụ án này Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) phối hợp cùng Phòng An ninh mạng (PA05) và các cơ quan liên quan vẫn đang điều tra, xử lý chủ các tài khoản mạng xã hội “ăn theo” để cung cấp những nội dung chưa được kiểm chứng, không đúng sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.
Tiến sĩ luật - giảng viên Đặng Anh Quân có mặt trong 11 buổi livestream và được cho là cố vấn pháp lý của bà Nguyễn Phương Hằng. Ảnh chụp màn hình |
Diễn biến xuyên suốt trong vụ án Nguyễn Phương Hằng, cho thấy cơ quan tố tụng mong muốn giải quyết dứt điểm, toàn diện. Do đó, trong 3 lần trả hồ sơ của Viện KSND TP.HCM yêu cầu điều tra làm rõ về tiến sĩ luật Đặng Anh Quân - người có vai trò cố vấn pháp lý và có sự ảnh hưởng nhất định trong các buổi livestream của bà Hằng.
Cơ quan CSĐT xác định, ông Đặng Anh Quân tham gia trong 11 buổi livestream của bà Hằng, trong giai đoạn từ tháng 10/2021 đến tháng 3/2022. Còn luật sư Nguyễn Đình Kim là khách mời trong 2 buổi livestream từ tháng 10 đến tháng 12/2022. Nhằm làm rõ vai trò, hành vi liên quan nên những phát ngôn của 2 cá nhân trên có mặt trong các livestream của bà Hằng được Cơ quan CSĐT chuyển thể thành văn bản để giám định.
Nhiều nội dung phát ngôn của ông Đặng Anh Quân, ông Nguyễn Đình Kim được cho là chưa đủ cơ sở để khẳng định có những nội dung xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; nội dung thuộc bí mật cá nhân, bí mật của gia đình và đời sống riêng tư…
Nhưng có 23 trang tài liệu thể hiện phát ngôn của ông Đặng Anh Quân mà theo kết luận giám định thì, có nội dung đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của người khác.
Hơn nửa năm, bà Nguyễn Phương Hằng thực hiện các buổi livestream làm “dậy sóng” mạng xã hội và đến nay hơn 10 tháng điều tra nhưng vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử được. Dư luận vẫn chờ một vụ án được giải quyết toàn diện…
Theo VietNamnet