.

Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu báo cáo vụ tiếp viên bị bắt vì nghi xách ma túy

Cập nhật: 20:54, 17/03/2023 (GMT+7)

Trước thông tin nhóm tiếp viên của một hãng hàng không nghi mang ma túy và thuốc lắc từ Pháp về Việt Nam bị bắt giữ tại sân bay Tân Sơn Nhất, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã yêu cầu hãng bay, Cảng vụ Hàng không miền Nam báo cáo sự việc ban đầu. Cục Hàng không Việt Nam cũng đang chờ báo cáo chính thức từ các đơn vị tại địa phương để báo cáo về Bộ Giao thông vận tải.

Lực lượng hải quan đã thu giữ hơn 10kg thuốc lắc và ma túy trên chuyến bay VN10, từ Pháp về Việt Nam. Ảnh: cand.com.vn
Lực lượng hải quan đã thu giữ hơn 10kg thuốc lắc và ma túy trên chuyến bay VN10, từ Pháp về Việt Nam. Ảnh: cand.com.vn

Trao đổi với phóng viên TTXVN vào trưa 17-3, ông Trần Doãn Mậu, Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam (Cục Hàng không Việt Nam) cho biết, đây là chuyên án của Hải quan và cơ quan chức năng đang phối hợp điều tra. Vụ này không thuộc trách nhiệm của cảng vụ và cảng vụ cũng không thể phát ngôn về vụ việc này.

Để phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua đường hàng không, Cục Hàng không Việt Nam thường xuyên ban hành các chỉ thị, văn bản về vấn đề này. Cụ thể, đầu tháng 2 vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam đã ban hành Kế hoạch phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua đường hàng không năm 2023.

Theo Kế hoạch, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các đơn vị tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát để phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa bằng đường hàng không.

Cảng vụ Hàng không miền Bắc, miền Trung, miền Nam có trách nhiệm giám sát phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan thuộc khu vực quản lý; yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong khu vực cảng hàng không, sân bay cam kết thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua đường hàng không.

Cùng với đó, các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát tại các vị trí nhạy cảm như điểm kiểm tra an ninh hàng không; khu vực phục vụ hành lý, hàng hóa; khu vực sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay; khu vực phục vụ tập kết đồ vật, dụng cụ của suất ăn phục vụ trên tàu bay, nhất là các chuyến bay quốc tế nhằm kịp thời phát hiện bắt giữ khi có hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa bằng đường hàng không.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với đơn vị chức năng để tổ chức tập huấn cho lực lượng an ninh hàng không nhận biết hàng giả, kiến thức, kỹ năng chống buôn lậu, cũng như kịp thời trao đổi thông tin, tình hình liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn làm cơ sở cho việc phối hợp kiểm tra, đấu tranh ngăn chặn và xử lý vi phạm và kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện, đồ vật ra, vào và hoạt động tại các khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay.

Đặc biệt, đối với các hãng hàng không, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu có trách nhiệm chỉ đạo đoàn bay, đoàn tiếp viên rà soát nội bộ, thường xuyên kiểm soát tổ bay khi làm nhiệm vụ. Bên cạnh đó, quán triệt và yêu cầu tổ bay chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động hàng không.

Các lãnh đạo của các đơn vị này cũng chỉ đạo bộ phận An ninh hàng không của hãng tập trung phân tích, đánh giá tình hình, xác định trọng điểm về: thời gian, chuyến bay, chặng bay, đối tượng, phương thức, thủ đoạn hoạt động để phối hợp với lực lượng Hải quan, lực lượng kiểm soát an ninh hàng không. Ngoài ra, phải có biện pháp kiểm tra chặt chẽ với các chuyến bay, đối tượng cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh.

"Bên cạnh đó, cần tích cực, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng của Bộ Công an để nắm thông tin về đối tượng, thủ đoạn buôn lậu nhằm kịp thời bổ sung các biện pháp cụ thể trong phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả," lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo.

Theo các chuyên gia hàng không,  hoạt động của tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, tiền chất qua biên giới vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Các đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy qua tuyến hàng không, chuyển phát nhanh, bưu điện sử dụng các thủ đoạn ngụy trang tinh vi như: Bỏ ma túy vào ngăn giả các túi xách, bao bì, trong các lọ thuốc, thực phẩm chức năng, các hộp bánh kẹo, mỹ phẩm, trong vật dụng gia đình hoặc nuốt ma túy trong người... nhằm đối phó với sự kiểm tra của máy soi và chó nghiệp vụ của Hải quan.

(Theo https://baotintuc.vn/phap-luat/cuc-hang-khong-viet-nam-yeu-cau-bao-cao-vu-tiep-vien-bi-bat-vi-nghi-xach-ma-tuy-20230317125523934.htm)

.
.
.