.
HỘI NÔNG DÂN TỈNH TIỀN GIANG:

Nhiều ý kiến tâm huyết đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Cập nhật: 09:37, 13/03/2023 (GMT+7)

Thực hiện Kế hoạch 552 ngày 30-1-2023 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về việc tổ chức lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang đã triển khai cho Hội Nông dân các huyện, thị, thành chỉ đạo cho Hội Nông dân cơ sở tổ chức lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, hội viên, nông dân (HVND) đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với nhiều hình thức như tổ chức hội nghị tại các chi, tổ hội, phát phiếu lấy ý kiến trực tiếp và lấy ý kiến thông qua các nhóm Zalo của Hội…

Để cụ thể hóa từng nội dung và hỗ trợ cán bộ, HVND dễ tiếp cận, hiểu rõ các quy định trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Hội Nông dân các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh đã triển khai theo từng nhóm vấn đề trọng tâm như: Trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; trình tự, thủ tục thu hồi đất; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất; quy định bồi thường, hỗ trợ tái định cư; về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; về mở rộng đối tượng nhận chuyển quyền sử dụng đất lúa; thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Qua công tác triển khai, tuyên truyền, tổ chức lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, HVND về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), có 11/11 đơn vị Hội Nông dân cấp huyện và 164 cơ sở Hội trên địa bàn tỉnh đã nhận được trên 1.200 ý kiến gửi về Tỉnh hội và tổng hợp các ý kiến đóng góp của cán bộ, HVND liên quan đến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cụ thể:

Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang tham gia Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.
Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang tham gia Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.

Theo Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tại Điều 42 cần bổ sung cụm từ “đất quốc phòng, an ninh” vào sau khoản 1 và viết hoàn chỉnh thành “Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; đất quốc phòng, an ninh”. Vì trong phạm vi sử dụng đất quốc phòng, an ninh có nhiều vấn đề thuộc bí mật quân sự, bí mật an ninh quốc gia chỉ có Nhà nước, Chính phủ mới nắm được nên để thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ thẩm định quy hoạch thì phù hợp hơn.

Tại Điều 58 cần phải phân biệt tách bạch thu hồi đất vì mục đích an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia với thu hồi đất vì dự án phát triển kinh tế - xã hội. Tại Điều 82 quy định “Việc thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư”, song thực tế lại không như dự thảo quy định nên Luật Đất đai (sửa đổi) cần có điều khoản ghi rõ về trách nhiệm của cơ quan, đơn vị thực hiện.

Ngoài ra, liên quan đến vấn đề bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất, nhiều HVND cho rằng, nội dung quy định trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) khá hợp lý, sát thực tiễn. Cụ thể, dự thảo Luật quy định nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Quan điểm này phù hợp với lợi ích và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân, nhất là những người có đất bị thu hồi; đồng thời, đã bám sát tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương ngày 16-6-2022 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

Tại điểm a, khoản 1, Điều 112 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định người bị thu hồi đất ngoài được bồi thường theo quy định còn được Nhà nước xem xét hỗ trợ, tuy nhiên vẫn chưa có quy định cụ thể về các tiêu chí xem xét hay mức hỗ trợ là như thế nào, hỗ trợ ra sao. Nếu sau khi bồi thường thu hồi đất xong lại hỗ trợ tiếp cho người dân bằng quyên tặng một khoản tiền khác thì bản chất của việc hỗ trợ cũng sẽ như là bồi thường, chỉ là giúp tăng số tiền bồi thường mà người bị thu hồi đất nhận được. Thay vào đó, có thể xem xét nhiều phương thức hỗ trợ như giới thiệu việc làm, dạy nghề, xây nhà tình thương, cung cấp vật tư máy móc cơ bản để giúp người dân tiếp tục sản xuất, kinh doanh...

Mặc dù, Điều 113 dự thảo Luật có quy định về trường hợp hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nhưng vẫn không có sự bảo đảm kịp thời, ví dụ như không có khoảng thời gian tối thiểu là bao lâu sẽ có công việc mới.

Về việc xây dựng các phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Nghị quyết 18 của Trung ương đã nêu lên chủ trương phải phê duyệt toàn bộ phương án trước xong rồi mới tiến hành thu hồi đất, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đã luật hóa chủ trương này. Tuy nhiên, hiện tại chưa có tiêu chí cụ thể nào về việc cấp tái định cư, ví dụ như chưa quy định phải hoàn thành khu tái định cư bao nhiêu ngày trước khi tiến hành thu hồi đất, nếu không hoàn thành thì phải có phương án bồi thường thay thế.

Từ Điều 142 đến Điều 146 quy định về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Theo đó, cán bộ, HVND nhận thấy quy định về nội dung này của dự thảo Luật so với thực tế thực hiện thì chưa đầy đủ và chặt chẽ, chưa bao quát được trọn vẹn quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất xoay quanh Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (gọi tắt là Giấy chứng nhận). Nhiều trường hợp đất được cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, nhưng người thân trong hộ đang ở nước ngoài nên không thể thực hiện bất kỳ giao dịch chuyển nhượng hay chuyển đổi gì đối với thửa đất đó, gây trở ngại và thiệt hại cho nhu cầu của hộ gia đình sử dụng đất; mặt khác tại địa phương cơ sở, nhiều hộ gia đình kéo nhau kiện tụng, tranh chấp cũng vì mẫu Giấy chứng nhận cấp cho “hộ”, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Vì thế, cần phải sửa đổi quy định theo hướng đất cấp cho hộ gia đình trong các trường hợp người thân phân tán nhiều nơi thì phải có một hoặc hai người đại diện (gọi là cá nhân sử dụng quyền sử dụng đất), có thể thực hiện các quyền của người sử dụng đất dựa trên đại diện và ủy quyền bởi những người còn lại.

Xoay quanh các vấn đề khác về một số nội dung quy định trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều cán bộ, HVND cho rằng: Khi quy hoạch, kế hoạch liên quan đến quyền sử dụng đất của dân thì cần có thời gian cụ thể để tránh quy hoạch treo. Quy định rõ trong bao lâu không triển khai thì phải hủy bỏ để có quyết định mới. Nên có quy định cụ thể rõ ràng về thời gian đưa đất vào sử dụng sau khi thu hồi, nếu quá thời gian mà chưa thực hiện thì phải tính lại giá để đền bù cho người dân. Về công khai quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, nên niêm yết ở cấp xã vì gần dân nhất, và không phải chỉ “treo” cái sơ đồ là xong, mà phải tuyên truyền, thông báo, mời họp dân để họ ở vị trí nào và hợp lý chưa.

LÊ MINH

 

.
.
.