.

Phân định rõ "nhu cầu chính đáng" của các tôn giáo trong Luật Đất đai sửa đổi

Cập nhật: 10:57, 01/03/2023 (GMT+7)

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần có quy định cụ thể nhằm phân định rõ “nhu cầu chính đáng” của các tôn giáo để cấp chính quyền có cơ sở pháp lý cụ thể để xét duyệt, giải quyết các nhu cầu như thờ tự, đào tạo,... hợp pháp của các tôn giáo, đảm bảo tính khách quan, công bằng, minh bạch đối với việc cấp, giao đất phục vụ cho nhu cầu tôn giáo.

Mục sư Nguyễn Hữu Mạc, Phó Hội trưởng thứ nhất Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) phát biểu tại Hội nghị.
Mục sư Nguyễn Hữu Mạc, Phó Hội trưởng thứ nhất Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) phát biểu tại Hội nghị.

Ngày 28-2, tại Hà Nội, Hội đồng tư vấn về Tôn giáo, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 và góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Đề cập đến nội dung giám sát trong Luật đất đai (sửa đổi), ông Lê Bá Trình, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, ở Điều 218, dự thảo chỉ nêu: “Giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp về việc quản lý và sử dụng đất đai” là chưa đủ. Cần xem xét lại những quy định chung về vai trò, trách nhiệm của  MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong quản lý và sử dụng đất đai (Điều 20) để có một điều khoản cụ thể về giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, trong đó có thành viên là tổ chức tôn giáo các cấp về quản lý và sử dụng đất đai, để bảo đảm quyền lợi và trách nhiệm của các tổ chức tôn giáo trong việc sử dụng và giám sát nhiệm vụ quản lý đất đai của chính quyền các cấp.

Cũng theo ông Lê Bá Trình, khoản 2 Điều 203 dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) có ghi: “UBND cấp tỉnh căn cứ nhu cầu thực tế về hoạt động tôn giáo và khả năng quỹ đất của địa phương để quyết định diện tích đất giao cho tổ chức tôn giáo” thì cụm từ “căn cứ nhu cầu thực tế” còn mang tính chung chung, khó để chính quyền cấp tỉnh xác định tiêu chí cấp đất cho có tổ chức tôn giáo một cách chính xác, khách quan; dẫn đến tình trạng có tổ chức tôn giáo thì được cấp đất một cách dễ dãi, tổ chức tôn giáo khác lại gặp khó khăn, nên nội dung này chỉ cần diễn đạt thành “UBND cấp tỉnh xây dựng tiêu chí cụ thể về tổ chức và hoạt động của tổ chức tôn giáo và khả năng quỹ đất của địa phương để quyết định diện tích đất giao cho tổ chức tôn giáo”.

Dự thảo Luật cũng cần làm rõ khái niệm “đất rừng tín ngưỡng” ở khoản 1 Điều 204. Nếu không làm rõ khái niệm, phạm vi “đất rừng tín ngưỡng” thì sẽ dẫn tới việc có thể lợi dụng công tác quản lý Nhà nước để cấp đất và công nhận quyền sử dụng đất tràn lan cho hoạt động tín ngưỡng để trục lợi ở các địa phương.

Đồng tình với ý kiến của ông Lê Bá Trình, Mục sư Nguyễn Hữu Mạc, Phó Hội trưởng thứ nhất Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) kiến nghị, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần có quy định cụ thể nhằm phân định rõ “nhu cầu chính đáng” của các tôn giáo để cấp chính quyền có cơ sở pháp lý cụ thể để xét duyệt, giải quyết các nhu cầu như thờ tự, đào tạo,... hợp pháp của các tôn giáo, đảm bảo tính khách quan, công bằng, minh bạch đối với việc cấp, giao đất phục vụ cho nhu cầu tôn giáo.

Còn ông Ngô Sách Thực, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng cần thể chế Chính sách Cơ sở tôn giáo sử dụng đất vào mục đích khác phải trả tiền thuê đất theo theo Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Ông Ngô Sách Thực cũng cho rằng cần chỉ rõ các loại hình tôn giáo được thuê đất để phù hợp với chính sách: Tổ chức tôn giáo sử dụng đất vào mục đích khác phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước theo quy định của pháp luật để tiết kiệm đất, sử dụng đất có hiệu quả, tránh lợi dụng chính sách để “ôm“ đất, “đầu cơ“ đất. Tuy nhiên, mục đích hoạt động xã hội của các tôn giáo đều nhằm phục vụ các đối tượng yếu thế trong xã hội, không có mục đích kinh doanh, phi lợi nhuận nên phải có chế độ miễn, giảm tiền thuê đất. Ngoài ra, Dự thảo Luật cần hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến tôn giáo, bổ sung, sửa đổi các nội dung có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong các luật chuyên ngành (khi sửa đổi), trong đó có Luật Đất đai để thống nhất, đồng bộ với Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và tạo hành lang pháp lý trong việc quản lý các hoạt động tôn giáo”, ông Ngô Sách Thực kiến nghị.

Tiếp thu những ý kiến thẳng thắn, tâm huyết của đại biểu đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài khẳng định, các ý kiến phát biểu tại Hội nghị sẽ được tiếp thu đầy đủ và thể hiện trong báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, báo cáo sẽ được Ban Thường trực gửi đến Chính phủ và các cơ quan có liên quan nhằm điều chỉnh các luật cho phù hợp với tình hình thực tế./.

(Theo dangcongsan.vn)
 

.
.
.