Thứ Sáu, 03/03/2023, 20:13 (GMT+7)
.

Trung tướng Tô Ân Xô: Số bị can trong vụ đăng kiểm chắc chắn không dừng lại

Trung tướng Tô Ân Xô khẳng định: So sánh như vụ Việt Á, số bị can trong vụ đăng kiểm chắc chắn không dừng lại và các tỉnh đang tiếp tục làm.

Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an trả lời câu hỏi của các phóng viên. Ảnh: Minh Đức – TTXVN

Chiều 3-3, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2, xung quanh vấn đề được dư luận quan tâm về vụ việc đăng kiểm, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết: cơ quan công an 28 địa phương đã khởi tố 42 vụ án, khám xét 62 trung tâm đăng kiểm, 4 chi cục đăng kiểm, khởi tố 379 bị can với các tội danh môi giới hối lộ, đưa hối lộ, nhận hối lộ, giả mạo trong công tác, sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng công cụ, thiết bị phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác; che giấu tội phạm.

 Trung tướng Tô Ân Xô khẳng định: So sánh như vụ Việt Á, số bị can trong vụ này chắc chắn không dừng lại và các tỉnh đang tiếp tục làm. Với hoạt động đăng kiểm, có ba mảng chính là kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường thủy và hoán cải phương tiện. Tuy nhiên, cơ quan công an đang tiếp tục điều tra một số hoạt động khác, ví dụ kiểm định phương tiện nội thủy cũng có "rất nhiều vấn đề".

Qua xác minh ban đầu, các cán bộ của Cục Đăng kiểm và Trung tâm đăng kiểm nhận hối lộ để bỏ qua lỗi. Chẳng hạn, lỗi không đưa phương tiện thủy lên kiểm tra, không kiểm tra máy chạy thử phương tiện, phương tiện không có đèn tín hiệu, thiếu thiết bị an toàn… nhưng vẫn lập báo cáo kiểm định an toàn, đạt yêu cầu và cấp giấy chứng nhận an toàn và bảo vệ môi trường.

Thêm nữa, việc việc hoán cải phương tiện cũng có nhiều tiêu cực. Một số nhân viên phòng đăng kiểm lập công ty "sân sau", móc nối các công ty này để bỏ qua lỗi qua quá trình thẩm định; lập hồ sơ giả trong thi công, hoán cải, sau đó chỉ nộp tiền hợp thức hóa, móc nối các trung tâm đăng kiểm để cấp giấy chứng nhận.

Trước đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin đã đang thiếu hụt nghiêm trọng nhân sự làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ tại các đơn vị đăng kiểm sau khi lãnh đạo các trung tâm đăng kiểm sai phạm bị khởi tố, bắt tạm giam.

Lực lượng Công an tiến hành khám xét tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-05V. Ảnh: TTXVN phát

Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến ngày 1/3, cả nước có 281 trung tâm đăng kiểm với 489 dây chuyền kiểm định; trong đó, có 59 trung tâm tạm dừng hoạt động (51 đơn vị dừng để phục vụ công tác điều tra và 8 đơn vị dừng do không đủ điều kiện hoạt động).

Cụ thể, tại Hà Nội có 18/31 đơn vị đăng kiểm với 34 dây chuyền kiểm định; Tp. Hồ Chí Minh có 9 trung tâm đăng kiểm với 17 dây chuyền kiểm định bị tạm dừng hoạt động; nhiều địa phương khác cũng đang bị tạm dừng hoạt động trung tâm đăng kiểm khiến tình trạng ùn tắc đăng kiểm tái diễn từ ngày 27-2 đến nay.

Đối với đăng kiểm viên, Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin toàn quốc chỉ còn khoảng 1.500 đăng kiểm viên đang làm việc. Như vậy, toàn hệ thống kiểm định xe hiện đang thiếu 486 đăng kiểm viên do cần ít nhất 1.986 đăng kiểm viên để duy trì hoạt động.

Riêng các đơn vị đăng kiểm và phòng tham mưu thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam cần khoảng 240 - 250 đăng kiểm viên (trong đó cần ít nhất 90 đăng kiểm viên bậc cao) để thực hiện đầy đủ nhiệm vụ. Tuy nhiên, hiện nay Cục thiếu khoảng 120 đăng kiểm viên, tương đương khoảng 50% số người cần có.

Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cho biết, thực tế hiện mỗi dây chuyền kiểm định chỉ có thể kiểm tra được 40 xe/ngày (đạt 66% công suất) do nhiều nguyên nhân như: thiếu đăng kiểm viên; tỷ lệ xe kiểm định không đạt cao (20 - 30%) dẫn đến việc một xe  phải kiểm định nhiều lần; tâm trạng, tâm lý và điều kiện làm việc của đăng kiểm viên căng thẳng nên giảm hiệu suất lao động; số lượng đăng kiểm viên xin thôi việc ngày càng tăng...

Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng dự báo trong tháng 4-2023, các trung tâm đăng kiểm xe tại Tp. Hồ Chí Minh có thể ùn tắc nghiêm trọng hơn nữa và xảy ra nguy cơ đứt gãy hệ thống kiểm định do năng suất kiểm tra chỉ đạt 31% nhu cầu kiểm định ô tô của người dân.

Khắc phục tình trạng này, Cục đề ra giải pháp trước mắt là sửa đổi quy định và cho phép 2 đăng kiểm viên vận hành một dây chuyền thay vì tối thiểu 3 đăng kiểm viên như hiện nay; ký hợp đồng lao động để làm công việc chuyên môn ở vị trí làm việc do viên chức đảm nhiệm theo quy định tại Khoản 1, Điều 9, Nghị định số 111/2022/NĐ-CP để kịp bổ sung nhân lực.

Ngoài ra, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đang hoàn thiện thủ tục trình Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT về kiểm định xe cơ giới để từ ngày 1-7-2023 có thể áp dụng miễn kiểm định lần đầu cho xe ô tô mới./.

(Theo TTXVN)

.
.
.