Thứ Ba, 28/03/2023, 07:52 (GMT+7)
.

TX. Cai Lậy góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Nhiều ý kiến đóng góp chất lượng

Tính đến ngày 15-3, công tác lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã kết thúc. Tại TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, công tác này được hưởng ứng tích cực, rộng khắp, thể hiện sự quan tâm của các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng như các tổ chức, quần chúng nhân dân trên địa bàn đối với dự án luật đặc biệt quan trọng này.

Qua tổng hợp cho thấy, đa số ý kiến tán thành với các nội dung cơ bản của dự thảo luật, đánh giá dự thảo đã có nhiều đổi mới, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, phát huy được nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quản lý đất đai chặt chẽ, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả. Bên cạnh đó, một số ý kiến đóng góp đã thể hiện sự nghiên cứu, đầu tư cao; nhiều ý kiến có tính thực tiễn, rất cần để Ban soạn thảo tổng hợp, nghiên cứu và làm sáng tỏ.

Trên cơ sở các báo cáo và ý kiến gửi đến, Cơ quan được giao tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân đã tiến hành tổng hợp các ý kiến một cách trung thực, đầy đủ và khách quan. Để góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các cơ quan, tổ chức trực thuộc đã tổ chức 49 cuộc hội nghị, hội thảo. Qua đó đã nhận được 15 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân. Các ý kiến tham gia với nhiều nội dung chất lượng, có tinh thần trách nhiệm, phù hợp với yêu cầu trong sửa đổi Luật Đất đai.

Quang cảnh Hội nghị lấy ý kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại TX. Cai Lậy.
Quang cảnh Hội nghị lấy ý kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại TX. Cai Lậy.

Các ý kiến tập trung vào các nội dung như: Điều kiện thực hiện các quyền của người sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tài chính về đất đai, giá đất; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai... Cụ thể, tại khoản 2 Điều 5 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: “Hộ gia đình sử dụng đất gồm những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, có quyền sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành”. Tuy nhiên, để xác định tư cách thành viên hộ gia đình trong sử dụng đất chung của hộ gia đình, có ý kiến đề nghị cần bổ sung, điều chỉnh lại thành: “Hộ gia đình sử dụng đất gồm những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, có đóng góp công sức, tiền của để cùng nhau tạo lập nên tài sản hoặc được tặng cho chung, được thừa kế chung...”.

Đối với Điều 74 về tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, có ý kiến đề nghị xem xét thời gian rút ngắn từ 3 năm xuống còn 2 năm kể từ ngày phê duyệt và được tiếp tục cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất của năm tiếp theo mà chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Hay tại Điều 106 về lập và thực hiện dự án tái định cư, thị xã ghi nhận 2 ý kiến cần bổ sung thời gian cụ thể giữa lập khu tái định cư với quyết định thu hồi đất. Còn đối với khoản 3 Điều 116 nêu: “Căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quy định: Hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có đất ở thì được chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở hoặc các loại đất phi nông nghiệp không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo hạn mức do Chính phủ quy định”, thị xã đã ghi nhận ý kiến góp ý thay thế cụm từ “quy hoạch sử dụng đất” thành “kế hoạch sử dụng đất”.

Tại khoản 4 Điều 144 nêu: “Đất đã được đăng ký vào sổ địa chính nhưng đã có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp đã quá 3 năm kể từ thời điểm có quyết định thu hồi đất mà không thực hiện”, có ý kiến bổ sung cần có thêm thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hay tại khoản 2 Điều 146 nêu việc Nhà nước thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp, đại biểu tại hội nghị lấy ý kiến đã đề nghị quy định rõ hơn về trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai thì sẽ giải quyết như thế nào.

Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 147 nêu các khoản thu tài chính từ đất đai, tuy nhiên chưa đề cập đến thuế phi nông nghiệp. Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung thêm mục thuế phi nông nghiệp vào khoản 1 của điều này. Tại Điều 154 đã nêu cụ thể liên quan về Bảng giá đất, tuy nhiên thị xã ghi nhận 3 ý kiến về thời gian xây dựng bảng giá đất. Trong đó, đại biểu đề nghị bổ sung giá đất sát với giá thị trường. Tại điểm d khoản 1 Điều 155 nêu: “Tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất”, đại biểu thị xã góp ý bổ sung thành: “Tính tiền bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất”.

Tại khoản 1 Điều 225 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã ghi: “Tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự...”. Do vậy để thuận lợi cho việc yêu cầu Tòa án nhân dân giải quyết tranh chấp đất đai, có ý kiến đề nghị cần ghi rõ: “Tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất bao gồm cả trường hợp đương sự không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự...”. Đồng thời, cũng tại khoản 1 điều này quy định UBND các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất làm căn cứ cho Tòa án nhân dân giải quyết theo thẩm quyền khi có yêu cầu. Điều khoản này cần phải quy định rõ về thời hạn cung cấp để tránh việc cung cấp bị kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của đương sự, hạn chế tiêu cực trong việc thụ lý vụ án…

Phó Chủ tịch UBND TX. Cai Lậy Đoàn Bảo Ngoan cho biết, nhìn chung việc thực hiện tổ chức lấy ý kiến nội dung về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được UBND thị xã quán triệt sâu rộng về mục đích, quan điểm, định hướng trong việc thực hiện. Đây là đợt sinh hoạt chính trị pháp lý hết sức sâu rộng và có ý nghĩa trong các tầng lớp nhân dân. Do vậy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thị xã, Chủ tịch UBND các xã, phường đã khẩn trương tập trung chỉ đạo việc tổ chức lấy ý kiến nội dung về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Qua đó, nhiều ý kiến đóng góp đã được tổng hợp có hệ thống, chính xác, báo cáo đúng tiến độ thời gian và chất lượng báo cáo theo kế hoạch của UBND thị xã. Việc tổ chức thảo luận, lấy ý kiến nhân dân qua nhiều hình thức, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thị xã tham gia góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); công tác lấy ý kiến được tiến hành công khai, bảo đảm đúng tiến độ và tiết kiệm. Qua đó thể hiện ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trong việc cùng Nhà nước ban hành dự án luật quan trọng này.

HÀ NAM

.
.
.