.

Lộ lọt thông tin cá nhân: Nhiều thủ đoạn lừa đảo mới, chờ đợi khung pháp lý

Cập nhật: 16:01, 04/04/2023 (GMT+7)

Tội phạm trên không gian mạng hiện nay diễn biến rất phức tạp, với nhiều thủ đoạn. Đây là loại tội phạm không biên giới, có gắn kết nước ngoài.

a
Tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân đang rất báo động - Ảnh minh họa

Diễn biến rất phức tạp với nhiều thủ đoạn

Liên quan đến các vụ lừa đảo qua điện thoại, qua mạng hiện nay, đặc biệt là hiện tượng sử dụng trí tuệ nhân tạo giả hình ảnh, giả giọng nói người thân để lừa đảo trong thời gian gần đây, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội cho biết: Tội phạm trên không gian mạng hiện nay diễn biến rất phức tạp, với nhiều thủ đoạn. Đây là loại tội phạm không biên giới, có gắn kết với nước ngoài.

Hiện nay, lực lượng công an đã có nhiều buổi làm việc và phối hợp với các nước bạn điều tra chung để ngăn chặn, bắt loại tội phạm này. Bên cạnh đó, Công an TP. Hà Nội cũng đã có nhiều cuộc họp, mời các ngân hàng, hội sở, điểm giao dịch tham dự để đưa ra các biện pháp phòng ngừa.

Tại điểm giao dịch ngân hàng, lực lượng công an còn gắn biển cảnh báo đối với hành vi lừa đảo, lan tỏa thông tin để người dân cảnh giác.

Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) cho biết, về thủ đoạn sử dụng công nghệ giả hình ảnh, giọng nói người quen của bị hại nhằm chiếm được lòng tin để vay tiền, chuyển tiền, Cục A05 đã báo cáo lãnh đạo Bộ và đã có điện chỉ đạo đến công an các đơn vị, địa phương tập trung nắm tình hình, tuyên truyền, phổ biến phương thức thủ đoạn phạm tội này đến đông đảo quần chúng nhân dân.

Bên cạnh đó, Cục A05 cũng đã tổ chức làm việc với Bộ TT&TT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng định danh tài khoản điện thoại, định danh tài khoản ngân hàng để làm sạch toàn bộ hệ thống cơ sở dữ liệu về tài khoản ngân hàng, tiến tới tất cả tài khoản được mở bằng tài khoản chính chủ, hướng tới việc định danh khi thực hiện giao dịch, đảm bảo có thể kiểm soát tốt dòng tiền, có thể phong tỏa dòng tiền khi tội phạm lừa đảo xảy ra.

Phó Cục trưởng Cục A05 cũng khuyến nghị, người dân phải thường xuyên cập nhật thêm những thông tin về các phương thức thủ đoạn lừa đảo mới trên các phương tiện truyền thông, phải bảo mật các thông tin liên quan đến tài khoản mạng xã hội, đồng thời phải cảnh giác cao khi người quen tương tác với mình qua mạng xã hội có các yêu cầu giao dịch về mặt tài chính có dấu hiệu bất thường thì cần liên hệ trực tiếp với người đó để tránh thành nạn nhân của các vụ lừa đảo.

Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Chờ đợi khung pháp lý

Hiện nay, tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân cũng đang rất đáng báo động. Tuy nhiên, công tác điều tra, xử lý các đường dây vô cùng khó khăn vì vướng các vấn đề pháp lý, hoặc chế tài pháp lý của chúng ta chưa đủ mạnh.

Trung tá Triệu Mạnh Tùng cho biết, Bộ Công an đang tham mưu Chính phủ để ban hành nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân. Sau khi có nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, sẽ nghiên cứu xây dựng luật bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thời gian tới.

Việc lộ lọt thông tin cá nhân dù từ nguyên nhân nào cũng đều làm khó người dân. Theo Thượng tá Ngô Minh An, nguyên Phó Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP. Hà Nội), có tới 80% nguyên nhân lộ lọt thông tin cá nhân xuất phát từ chính sự bất cẩn của người dùng. Hầu hết các thông tin cá nhân, như ngày, tháng, năm sinh, trường học, nơi làm việc, nơi ở... được kê khai trên tài khoản mạng xã hội như Facebook, Youtube, Instagram và đều do chính người sử dụng tự đưa lên, để ở chế độ mở.

Người nào càng "chăm" cập nhật hoạt động của mình thì việc lọt lộ thông tin cá nhân càng lớn. Bên cạnh đó, nhiều người sử dụng các dịch vụ liên quan đến xin việc làm, học trực tuyến, ngân hàng, mua bán hàng hóa, ví điện tử, y tế, bảo hiểm, du lịch... mà các dịch vụ này đều bắt buộc hoặc yêu cầu phải kê khai thông tin cá nhân.

Nếu rò rỉ thông tin từ các dịch vụ xã hội thì số dữ liệu này là vô cùng lớn, đặc biệt là với các dịch vụ ngân hàng, học trực tuyến, mua sắm…

Đáng chú ý, theo TS. Nguyễn Ngọc Cương (Cục A05), có những doanh nghiệp cho phép đối tác thứ ba tiếp cận thông tin dữ liệu cá nhân, nhưng không có yêu cầu, quy định chặt chẽ, dễ dẫn đến việc chuyển giao, buôn bán cho các đối tác khác.

Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015 quy định “tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” với khung hình phạt cao nhất là 7 năm tù, phạt tiền từ 20 triệu đến 200 triệu đồng; trường hợp có tình tiết tăng nặng thì phạt tối đa 1 tỷ đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Tuy nhiên, đến nay cũng chưa có vụ nào bị xử lý. Kể cả việc “theo dấu”, “truy vết” tìm ra thủ phạm cũng mờ nhạt. Thiết nghĩ, trong thời gian sớm nhất, ai tiếp tay cho tội phạm bán thông tin cá nhân của người khác cần phải được đưa ra ánh sáng và xử lý nghiêm khắc.

Theo chinhphu.vn

.
.
.