Tiền Giang: Chủ động phòng ngừa cháy, nổ trong mùa khô
Trong điều kiện thời tiết khô hanh, nắng nóng như hiện nay, nguy cơ xảy ra cháy, nổ khá cao, nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình, chợ, siêu thị, đặc biệt là tại các khu, cụm công nghiệp. Do đó, phòng ngừa cháy nổ trong mùa khô luôn là vấn đề được các ngành, các cấp, lực lượng chức năng đặc biệt quan tâm.
CHỦ ĐỘNG PHÒNG NGỪA
Để chủ động phòng ngừa, đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC), hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy, nổ cũng như thiệt hại do cháy, nổ gây ra, lực lượng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (CNCH) tỉnh Tiền Giang đã chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn trong công tác PCCC mùa khô. Mặc dù đã được kiềm chế nhưng tình hình cháy, nổ trong những năm gần đây vẫn diễn biến phức tạp, khó lường.
Lực lượng PCCC nỗ lực chữa cháy tại kho cám trên địa bàn TP. Mỹ Tho. |
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, trong năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh Tiền Giang xảy ra 14 vụ cháy ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, TX. Cai Lậy, TX. Gò Công và nghiêm trọng nhất là TP. Mỹ Tho, huyện Châu Thành (mỗi địa phương xảy ra 4 vụ), thiệt hại tài sản gần 10,8 tỷ đồng. Chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ cháy, trong đó có 1 vụ tự thiêu làm 1 người chết, thiệt hại tài sản 235 triệu đồng.
Thượng tá Nguyễn Văn Nam, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết, những vụ việc nghiêm trọng, thương tâm trong các vụ cháy thời gian qua là cảnh báo và cho thấy tình hình rất khẩn cấp. Do đó, đơn vị đã và đang đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ mới cho công tác phòng ngừa, ứng phó với các sự cố, tai nạn, hỏa hoạn, để bảo đảm an toàn tài sản và nhất là tính mạng con người, đặc biệt đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết.
Ngoài ra, lực lượng PCCC toàn tỉnh đã tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất, định kỳ an toàn PCCC tại các địa bàn trọng điểm và các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao dễ phát sinh cháy, nổ lớn như: Nơi tập trung đông người, vũ trường, karaoke, chung cư, nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, các cơ sở trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp…
Trong năm 2022, đơn vị đã kiểm tra 1.707 lượt cơ sở, chợ và các xã có rừng trên địa bàn tỉnh, lập 1.707 biên bản kiểm tra, kiến nghị khắc phục sửa chữa 926 lỗi vi phạm, thiếu sót không đảm bảo an toàn PCCC. Cơ quan chức năng đã lập biên bản và ra quyết định xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực PCCC đối với 35 trường hợp, với tổng số tiền phạt trên 228 triệu đồng; ra quyết định đình chỉ hoạt động đối với 7 cơ sở (trong đó có 3 cơ sở kinh doanh karaoke).
Kiểm tra công tác PCCC tại siêu thị. |
Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện có tổng cộng 163 cơ sở kinh doanh karaoke, qua kiểm tra, lực lượng PCCC&CNCH lập 4 biên bản vi phạm hành chính, tạm đình chỉ 3 cơ sở; thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự đối với 19 cơ sở ngừng hoạt động, 20 cơ sở tạm dừng hoạt động và đã có 3 cơ sở bị tạm đình chỉ hoạt động.
TIỀM ẨN NGUY CƠ
Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu là do chập điện, với lỗi dây dẫn hoặc sử dụng điện quá tải dẫn đến nổ cầu chì, cháy dây dẫn điện. Đặc biệt, các vụ cháy chủ yếu xảy ra ở nhà dân trong thời điểm chủ nhà đang ngủ hoặc đi vắng.
Thượng tá Nguyễn Văn Nam nhận định, tình hình cháy, nổ năm 2023 sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp do thời tiết khí hậu tiêu cực, nhiều loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, nhu cầu sử dụng năng lượng xăng, dầu, điện tăng cao…
Do vậy, để phòng tránh xảy ra cháy, nổ, mọi người, nhất là nhà dân cần tuân thủ an toàn trong việc thiết kế mạng lưới điện, thường xuyên kiểm tra hệ thống điện để phát hiện bất ổn và khắc phục kịp thời, không sử dụng điện quá công suất thiết kế.
Mạng lưới điện trong nhà cần có cầu chì tổng và cầu chì từng khu vực để điện được ngắt tự động khi xảy ra sự cố. Đồng thời, đường dây điện cần được sử dụng đúng mục đích, khắc phục và thay thế khi đã cũ.
Thời gian tới, nhằm đảm bảo an toàn cháy, nổ trong mùa khô, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh sẽ làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai hiệu quả các chỉ thị, chỉ đạo của Nhà nước, Chính phủ, Bộ Công an, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về công tác PCCC để đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, các đơn vị đẩy mạnh xây dựng phong trào “Toàn dân tham gia PCCC”, đổi mới nội dung, biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức và kiến thức PCCC cho nhân dân để chủ động phòng ngừa ứng phó với sự cố cháy, nổ xảy ra.
Ngoài ra, các đơn vị cần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác PCCC, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng, thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về PCCC để đảm bảo an toàn cho các công trình; thực hiện kiểm tra, hướng dẫn PCCC theo đúng quy định của pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về PCCC; làm tốt công tác đào tạo tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, các đơn vị luôn đảm bảo sẵn sàng triển khai phương án xử lý các vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn trên địa bàn trong mọi tình huống.
TUẤN LÂM