Tiền Giang: Mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm trong khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi trái phép
(ABO) Thời gian qua, tình hình khai thác cát trái phép tiếp tục diễn biến phức tạp, các ngành tỉnh, địa phương đã có nhiều cố gắng trong phối hợp, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản và đã triển khai được nhiều cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi không phép trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt là tại các khu vực thường xuyên, liên tục xảy ra hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép trên tuyến sông Tiền như: Cầu Mỹ Thuận thuộc huyện Cái Bè; cồn Thới Sơn thuộc TP. Mỹ Tho; xã Bình Đức thuộc huyện Châu Thành; Bến phà Bình Ninh thuộc huyện Chợ Gạo; xã Tân Thới, Tân Phú, Tân Thạnh thuộc huyện Tân Phú Đông… mà người dân, tổ chức và dư luận của báo chí liên tục đưa tin phản ánh... nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, gây lãng phí tài nguyên, thất thu ngân sách nhà nước.
Để nâng cao công tác phòng ngừa, đấu tranh và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi dòng sông trái phép trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, UBND tỉnh vừa ban hành Công văn về mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm trong khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, công văn yêu cầu các sở, ngành tỉnh và địa phương (cấp huyện và cấp xã) “lập kế hoạch mở đợt cao điểm” kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông “trong khoảng thời gian từ trước Lễ 30-4 và trong, sau Lễ 1-5-2023” với các nội dung sau:
1. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 03 ngày 30-3-2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản; tiếp tục triển khai có hiệu quả các nội dung Phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh và Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 3717 ngày 24-12-2015 và Quyết định 264 ngày 29-1-2016, trong đó quy định trách nhiệm của UBND cấp huyện: “Trường hợp để xảy ra hoạt động khai thác cát sông trái phép tái diễn, kéo dài trên địa bàn mà không xử lý nghiêm thì UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh” và UBND cấp xã: “Kiểm điểm trách nhiệm cá nhân đối với người đứng đầu UBND cấp xã để xảy ra các hoạt động khai thác cát sông trái phép trên địa bàn quản lý”.
2. Các sở, ngành tỉnh và các huyện, thành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, nhất là tại các địa phương thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép. Đồng thời, thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết nhanh tin báo về vi phạm khai thác cát sông trái phép và công khai kết quả kiểm tra cho người dân biết; tiếp tục công khai số điện thoại đường dây nóng của Tổ công tác liên ngành tỉnh, huyện và cơ quan, đơn vị có liên quan để người dân biết mà tố giác hành vi vi phạm về khai thác khoáng sản không phép trên địa bàn tỉnh.
3. Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo Tổ công tác liên ngành theo Quyết định 3099 ngày 8-11-2022 của UBND tỉnh lập “kế hoạch mở đợt cao điểm” nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu tranh, phòng ngừa trong quá trình kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Tổ chức hướng dẫn về lực lượng, trình tự, thủ tục, hồ sơ khám nghiệm hiện trường cho Tổ công tác cấp tỉnh, huyện, khi phát hiện, bắt giữ để xác định hành vi đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong lãnh vực tài nguyên khoáng sản để đáp ứng yêu cầu đặt ra tại Điều 227 Bộ Luật hình sự.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thực hiện kế hoạch phối hợp với lực lượng Công an từ cấp tỉnh đến cấp xã (đặc biệt là Tổ công tác liên ngành), Bộ đội Biên phòng và các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục tăng cường kiểm tra, tổ chức kiểm tra đột xuất và trao đổi làm việc với địa phương theo thông tin phản ánh của báo chí, của người dân đối với việc khai thác cát không phép trên địa bàn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
5. Sở Tư pháp phối hợp UBND cấp huyện, các đơn vị có liên quan tổ chức tập huấn công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản cho Tổ công tác cấp huyện và cán bộ chuyên trách cấp xã, phường.
6. Sở Giao thông Vận tải tăng cường công tác kiểm tra, xử lý lĩnh vực giao thông thủy nội địa đối với các phương tiện khai thác, vận chuyển cát tự ý hoán cải, lắp đặt thêm hệ thống máy hút cát không đúng đăng kiểm. Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý nghiêm đối với các phương tiện vi phạm về đăng kiểm.
7. Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện và UBND cấp xã thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn theo quy định của Luật Khoáng sản, quy định của Chính phủ và các nhiệm vụ trong công tác quản lý nhà nước đối với cát, sỏi lòng sông; bảo vệ lòng, bờ, bãi sông theo quy định tại Điều 31 Nghị định 23 ngày 24-2-2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.
8. Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành bố trí kinh phí, phương tiện… kịp thời cho Tổ công tác cấp huyện và cấp xã; Chỉ đạo Tổ công tác cấp huyện, cấp xã “lập kế hoạch mở cao điểm” tăng cường kiểm tra, xử lý và phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác kiểm tra, xử lý hành vi khai thác cát không phép trên địa bàn quản lý.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành căn cứ triển khai thực hiện; báo cáo kết quả về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 5-5-2023 để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét.
P.V