Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống và kiểm soát ma túy
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát ma túy và thi hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2021.
Tang vật một vụ án ma túy. (Ảnh: TTXVN phát) |
Văn phòng Chính phủ có văn bản số 3220/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính về tình hình, kết quả thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16-8-2019 của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát ma túy và một năm thi hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2021.
Văn bản nêu rõ sau khi xem xét báo cáo của Bộ Công an về tình hình, kết quả thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW và một năm thi hành Luật phòng, chống ma túy năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ: Công an, Quốc phòng, Lao động-Thương binh và Xã hội, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Công Thương; các Bộ, cơ quan liên quan và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao tại văn bản số 154/TB-VPCP ngày 26-4-2023, văn bản số 2891/VPCP-KGVX ngày 26-4-2023 của Văn phòng Chính phủ.
Bộ Công an tiếp tục phát huy vai trò Cơ quan thường trực về phòng, chống ma túy; chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phòng, chống ma túy; kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ những nội dung vượt thẩm quyền.
Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16-8-2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy được ban hành, tổ chức triển khai thực hiện trong bối cảnh tình hình tội phạm trên thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường.
Hoạt động sản xuất, mua bán, vận chuyển và sử dụng trái phép các loại ma túy tổng hợp, chất hướng thần có xu hướng gia tăng ở hầu hết các khu vực, quốc gia, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó kiểm soát.
Ở trong nước, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy có nhiều diễn biến phức tạp; nguồn ma túy chủ yếu từ nước ngoài được mua bán, vận chuyển vào Việt Nam tiêu thụ hoặc tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba qua các tuyến biên giới đường bộ, đường biển và đường hàng không.
Đối tượng Nguyễn Thành Luân (giữa) và tang vật bị thu giữ gồm 32.800 viên ma túy tổng hợp (trên 16kg). (Ảnh: TTXVN phát) |
Phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội ma túy ngày càng tinh vi, manh động, thường xuyên thay đổi để đối phó với lực lượng chức năng...
Đứng trước tình hình đó, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 36, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chỉ thị tới Thường trực tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng các Bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 291/QĐ-TTg ngày 21-2-2020 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 36 nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ đồng bộ của các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị-xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống.
Kết quả sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở đã tổ chức quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kịp thời, nghiêm túc; tạo được sự chuyển biến cả về nhận thức và hành động; đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia vào công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.
Công tác tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa ma túy được đẩy mạnh, đổi mới, đa dạng về nội dung, hình thức và tập trung hướng về địa bàn cơ sở; đã xây dựng, nhân rộng được nhiều mô hình phòng, chống ma túy hoạt động hiệu quả.
Hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy được bổ sung, hoàn thiện theo hướng đồng bộ, thống nhất; đã thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng nêu trong Chỉ thị, trong đó đã ban hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành, góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác phòng, chống ma túy.
Công tác đấu tranh chống tội phạm về ma túy được triển khai quyết liệt hơn. Lực lượng Công an đã phát huy vai trò chủ trì, nòng cốt; phối hợp với các lực lượng chuyên trách thuộc Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển tăng cường công tác phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm ma túy.
Số vụ và đối tượng phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ tăng qua mỗi năm và tăng đáng kể so với giai đoạn trước khi thực hiện Chỉ thị 36 (tăng gần 17% số vụ và hơn 14% số đối tượng), trong đó đã triệt phá được nhiều đường dây, tổ chức tội phạm ma túy hoạt động xuyên quốc gia, bắt giữ đối tượng chủ mưu, cầm đầu, đối tượng truy nã về ma túy; thu giữ số lượng ma túy rất lớn.
Riêng lực lượng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy đã phát hiện, đấu tranh trên 65.000 vụ, với gần 97.000 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ vật chứng gần 2 tấn heroin; 7,6 tấn và trên 7 triệu viên ma túy tổng hợp; gần 1,4 tấn cần sa; đấu tranh triệt xóa trên 2.000 điểm, 150 tụ điểm phức tạp về ma túy; xử lý hành chính trên 10.000 vụ với trên 20.000 đối tượng.
Công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về ma túy đạt tỷ lệ cao; bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật và có tác dụng răn đe, phòng ngừa hiệu quả tội phạm ma túy.
Bên cạnh đó, công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy và phòng, chống trồng cây chứa chất ma túy có nhiều chuyển biến tích cực.
Hoạt động hợp tác quốc tế, nhất là với các nước láng giềng được tăng cường thông qua công tác phối hợp điều tra cơ bản và đấu tranh chuyên án chung để phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm ma túy từ sớm, từ xa.
Công tác cai nghiện, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý sau cai được quan tâm chỉ đạo thực hiện thống nhất, đồng bộ, nhất là sau khi Luật Phòng, chống ma túy có hiệu lực./.
(Theo https://www.vietnamplus.vn/tang-cuong-lanh-dao-chi-dao-phong-chong-va-kiem-soat-ma-tuy/861782.vnp)