Tội phạm "tín dụng đen" từ cho vay lãi nặng đến cưỡng đoạt tài sản
Thời gian qua, tội phạm “tín dụng đen” qua tờ rơi lắng dần nhưng các ứng dụng (app) cho vay trên mạng, đòi nợ thuê đến cưỡng đoạt tài sản xảy ra tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tội phạm này đã có sự biến tướng, kết hợp giữa “truyền thống” với “công nghệ cao”, có tính chất, mức độ vi phạm ngày càng manh động liều lĩnh, làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự, gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân.
TỪ NÚP BÓNG ĐẾN ĐE DỌA
Các đối tượng núp bóng doanh nghiệp (công ty tài chính, mua bán nợ, công ty/văn phòng luật) thuê hàng trăm nhân viên với nhiều bộ phận để vận hành, hoạt động trong phạm vi rộng lớn, không giới hạn địa lý trong toàn quốc. Chúng móc nối với một số chi nhánh ngân hàng, công ty tài chính, công ty trung gian thanh toán để mua lại các khoản nợ xấu, nợ khó đòi bằng các hợp đồng tư vấn tài chính, tư vấn pháp lý, xử lý nợ rồi giao nhân viên đòi nợ để hưởng phần trăm trên số tiền thu nợ.
Qua công tác xử lý tin báo về an ninh trật tự, Công an tỉnh Tiền Giang phát hiện một số vụ việc đối tượng gọi điện thoại đến các cơ quan tổ chức, cá nhân với mục đích đe dọa, khủng bố tinh thần để đòi nợ xảy ra tại TP. Mỹ Tho và TX. Cai Lậy. Xác định tính chất phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng của vụ việc, Công an tỉnh Tiền Giang phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ (Bộ Công an) và Công an TP. Hồ Chí Minh tiến hành khám phá chuyên án, triệu tập 133 đối tượng là lãnh đạo, nhân viên Công ty Luật TNHH Pháp Việt.
Đại tá Nguyễn Văn Nhựt, Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang cho biết: Quá trình điều tra vụ án cưỡng đoạt tài sản liên quan đến Công ty Luật TNHH Pháp Việt (có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh), cơ quan điều tra đã khởi tố 54 bị can, trong đó có 2 Phó Giám đốc, 20 Trưởng phòng, nhóm trưởng, 1 thư ký và 31 nhân viên. Công ty Luật TNHH Pháp Việt do Lê Thị Tuyết (SN 1985) làm Giám đốc; Trần Văn Châu (SN 1980) và Hồ Quốc Hùng (SN 1987) đều ngụ TP. Hồ Chí Minh và cùng làm Phó Giám đốc.
Báo cáo tại Hội nghị xử lý tội phạm “tín dụng đen” tại Tiền Giang, Đại tá Mai Hoàng, Phó Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết, Công an thành phố đã triệt xóa 6 băng nhóm cưỡng đoạt tài sản núp bóng các công ty, như: Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset; Công ty Luật TNHH Power Law chi nhánh Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Tiếng nói hay, Công ty Cổ phần mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng, Công ty TNHH Luật Thế hệ trẻ và Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh F88; khởi tố 64 bị can để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản. |
Công ty Luật TNHH Pháp Việt đăng ký hoạt động tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, thực hiện các dịch vụ pháp lý khác, đại diện ngoài tố tụng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật. Quá trình hoạt động, công ty không thực hiện đúng chức năng đăng ký kinh doanh, không có chức năng đòi nợ thuê nhưng tổ chức tuyển dụng lao động phổ thông. Nhân viên khi vào làm việc được Ban Giám đốc công ty, các trưởng phòng và các nhóm trưởng hướng dẫn các thủ đoạn đe dọa, khủng bố để đòi nợ.
Các ngành chức năng đang khám xét Công ty Luật TNHH Pháp Việt |
Theo lời khai của Châu và tài liệu đã thu thập, Công ty Luật TNHH Pháp Việt ký hợp đồng dịch vụ pháp lý đối với 6 ngân hàng và công ty tài chính, với tổng số hơn 2,5 triệu hợp đồng khách hàng vay. Công ty được hưởng lợi từ 24% đến 35% số tiền đòi được. Sau khi nhận thông tin về các khách hàng vay chưa trả theo hợp đồng (nợ xấu) do các ngân hàng và công ty tài chính chuyển đến, Châu và Hùng phân chia cho các trưởng phòng để phân chia cho các nhóm trưởng giao cho các thành viên trong nhóm.
Các trưởng nhóm hướng dẫn nhân viên đòi nợ theo “Tháp giải pháp”, gồm 3 cấp độ: Cấp độ 1, gọi điện thoại đe dọa trả tiền. Cấp độ 2, gọi điện thoại đe dọa sẽ giết người thân, ghép hình tung lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, đe dọa cho mất việc làm. Cấp độ 3, mang quan tài đến nhà, cơ quan tổ chức, đặt bình gas, xăng dọa cho nổ tung cơ quan, nhà của khách hàng và người thân.
Kết quả điều tra, các bị can thừa nhận hành vi cùng đồng bọn đe dọa, uy hiếp tinh thần của người vay tiền và người thân, bạn bè của họ để ép buộc người vay phải trả tiền. Châu và Hùng là hai kẻ cầm đầu đã thừa nhận việc phân công nhiệm vụ từ các trưởng phòng, trưởng nhóm và từng nhân viên thực hiện hoạt động phạm tội rộng khắp cả nước.
DẦN BIẾN TƯỚNG
Qua các chuyên án, vụ án đã được cơ quan điều tra làm rõ, hiện nay các đối tượng chuyển từ hình thức đòi nợ truyền thống (tìm đến nhà đe dọa, đập phá tài sản, đánh người gây thương tích, ném chất bẩn…) sang hình thức kết hợp giữa đòi nợ truyền thống sử dụng công nghệ cao (sử dụng mạng xã hội để viết bài, bình luận, đưa hình ảnh, clip nhạy cảm,… nhằm bôi nhọ người vay tiền, gọi điện thoại, nhắn tin, đen dọa khủng bố). Nhiều nơi đang nổi lên các công ty tài chính hoạt động đối phó dưới hình thức kinh doanh dịch vụ mua bán, cầm cố tài sản và cho thuê lại chính tài sản cầm cố, mua bán nhưng thực chất là hoạt động cho vay.
Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, chỉ trong năm 2022, tại các tỉnh, thành Nam bộ xảy ra 105 vụ cưỡng đoạt tài sản, liên quan 227 đối tượng; trong đó 43 vụ, 86 đối tượng từ “tín dụng đen”, đòi nợ thuê. Để cưỡng đoạt tài sản của người vay, các đối tượng thường cắt ghép hình ảnh vu khống, xúc phạm, thậm chí cả người thân, đồng nghiệp của người vay tiền.
Nhiều vụ việc vu khống, xúc phạm cả hiệu trưởng, giáo viên các trường học, lãnh đạo các cơ quan nhà nước. Chúng sử dụng sim rác, gọi bằng phần mền trên máy tính, sử dụng tài khoản giả mạo, ẩn danh nhắn tin, gọi điện thoại khủng bố, đe dọa, cắt ghép hình ảnh vu khống, xúc phạm, truy cập trái phép vào các tài khoản mạng xã hội để đăng tải, gây áp lực trả nợ.
Một thủ đoạn khác, người vay không trả đúng hẹn, các đối tượng gửi thông báo đến chính quyền, Công an cơ sở về thời gian đến làm việc, sau đó mặc đồng phục, đeo thẻ nhân viên công ty, đi ô tô dán chữ “Công ty mua bán nợ” đến đe dọa, chửi bới, ép người vay phải trả tiền. Thậm chí, chúng còn ăn ngủ tại nhà, nơi làm việc của “con nợ” nhằm gây ảnh hưởng đến danh dự, buộc người vay tiền phải sớm trả nợ.
Ngoài ra, một số nhân viên tham gia (thường là ở các nhiệm vụ quảng cáo, xác minh điều kiện vay, giải ngân, nhắc nợ cấp độ thấp) không ý thức được đã tham gia vào một công đoạn của hành vi vi phạm pháp luật. Hiện nay còn có tình trạng các nhóm tập trung vay tiền của các công ty, sau đó cố tình không trả nợ, cung cấp thông tin không chính xác để “bùng nợ”, đây cũng là một phần nguyên nhân để các đối tượng đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”.
“Qua các chuyên án, vụ án khám phá đã nhận diện đúng phương thức thủ đoạn, chỉ ra sự thay đổi phương thức của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ từ “tín dụng đen”, đòi nợ truyền thống chuyển sang móc nối với đối tượng người nước ngoài thành lập các doanh nghiệp cho vay qua app; nay chuyển hướng sang mua lại các khoản nợ khó đòi của một số chi nhánh ngân hàng, công ty tài chính, các app cho vay để đòi nợ, khủng bố” - Trung tướng Trần Ngọc Hà cho biết thêm.
Theo các lãnh đạo Bộ Công an và Công an các tỉnh Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam, Lào Cai, Bến Tre, Đồng Nai và Bình Dương... các cấp đã phân tích, nhận diện rõ bản chất của loại tội phạm “tín dụng đen” là cưỡng đoạt tài sản. Trong giai đoạn 1, cơ quan chức năng đã xử lý các đối tượng về hành vi vu khống, giai đoạn 2 làm rõ hành vi cho vay lãi nặng, “tín dụng đen” và giai đoạn 3 là cưỡng đoạt tài sản. Việc xử lý, khởi tố các đối tượng về hành vi cưỡng đoạt tài sản đã nhận diện đúng bản chất của loại tội phạm này, thể hiện sự kiên quyết đấu tranh của lực lượng Công an. Qua các chuyên án, vụ án được khám phá đã gây rúng động xã hội, mang tính răn đe cao và kéo giảm mạnh tội phạm cưỡng đoạt tài sản. |
Song song đó, đặc thù tội phạm trên là các băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, lợi dụng danh nghĩa pháp nhân để phạm tội, có sự phân công thành các bộ phận, có sự chỉ đạo theo nhiều cấp, có hoạt động tuyển dụng, đào tạo, khống chế nhân viên thực hiện các quy định ràng buộc (giao chỉ tiêu, ép doanh số, thưởng phạt dựa trên hiệu quả của từng khâu, từ tìm khách hàng, cấp tín dụng đến hoạt động đòi nợ).
Trong đó, các đối tượng điều hành (Ban Giám đốc) giữ vai trò chủ mưu, các trưởng phòng, trưởng nhóm giữ vai trò giúp sức tích cực và bộ phận xử lý nợ có quy mô lên đến hàng trăm nhân viên trực tiếp thực hiện hành vi đòi nợ trái pháp luật với các thủ đoạn che giấu, đối phó với các cơ quan chức năng hết sức tinh vi. Các đối tượng soạn thảo, phổ biến các giải pháp đòi nợ bằng mọi thủ đoạn nguy hiểm để đe dọa, uy hiếp tinh thần “con nợ”, với nhiều cấp độ khác nhau.
Còn theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), hoạt động “tín dụng đen” cũng giống như nhiều loại tội phạm khác đã xuất hiện trên không gian mạng, với hàng trăm app cho vay tiền hoạt động diễn biến khá phức tạp, có yếu tố nước ngoài, thường xuyên thay đổi app nhằm tránh sự phát hiện, theo dõi, xử lý của cơ quan chức năng. Các app này tổ chức quảng cáo công khai, rầm rộ trên nhiều nền tảng mạng xã hội.
Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết, cùng với hoạt động cho vay là các hoạt động đòi nợ. Các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn (sim rác, dịch vụ VoIP, tài khoản mạng xã hội ảo nhắn tin, đòi nợ…) để tiến hành thu hồi các khoản nợ từ khách hàng, như: Nhắc nhở thu nợ, gọi điện thoại cho người thân, đe dọa khủng bố tinh thần (giết con, vợ, người thân), bôi nhọ danh dự của khách hàng (ghép hình ảnh có nội dung đồi trụy) và người thân, bạn bè, đồng nghiệp… nhằm mục đích đòi nợ, gây hoang mang và bức xúc trong xã hội.
Có thể nói, bên cạnh sự nỗ lực từ phía các cơ quan chức năng, các tổ chức, đoàn thể nhằm phòng ngừa, đẩy lùi “tín dụng đen” thì mỗi người dân tự nâng cao ý thức trước sự cám dỗ của “tín dụng đen”; nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật, trang bị cho bản thân những kiến thức cần thiết để không bị sa chân vào bẫy “tín dụng đen”.
HOÀNG LONG