Thứ Ba, 09/05/2023, 17:47 (GMT+7)
.

Xử lý nghiêm tiêu cực trong đào tạo, sát hạch lái xe

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng vừa ký ban hành Chỉ thị về đổi mới, tăng cường quản lý, phòng chống tiêu cực và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ.

Hàng loạt trung tâm vi phạm

Qua kiểm tra, thanh tra của Sở GTVT các địa phương từ đầu năm đến nay, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi GPLX tại nhiều trung tâm trong cả nước vẫn còn tồn tại những hạn chế như: Còn có hiện tượng đào tạo vượt lưu lượng; việc công khai cơ sở đào tạo trên Trang thông tin điện tử của Sở GTVT còn chưa cập nhật kịp thời; công tác kiểm tra, giám sát tập huấn cho giáo viên dạy thực hành lái xe còn có nơi chưa thực hiện; một số địa phương thực hiện công tác tiếp nhận báo cáo 1, báo cáo 2 chưa đảm bảo thời gian theo quy định; việc khai thác dữ liệu DAT để quản lý công tác đào tạo, dữ liệu của học viên để xác định hoàn thành chương trình đào tạo trước khi sát hạch còn hạn chế...

Xử lý nghiêm tiêu cực trong đào tạo, sát hạch lái xe.
Xử lý nghiêm tiêu cực trong đào tạo, sát hạch lái xe.

Bên cạnh đó, không ít trung tâm chưa kiểm tra, giám sát khoá học, kỳ thi cấp chứng chỉ hoặc thực hiện còn hình thức; xét duyệt thí sinh dự sát hạch chưa đủ điều kiện dữ liệu DAT; công tác tổ chức sát hạch còn có nơi thực hiện chưa nghiêm; công tác thanh, kiểm tra hoạt động đào tạo, sát hạch còn chưa được quan tâm, thực hiện; việc bố trí công chức, nhân sự cho phòng chuyên môn làm công tác quản lý đào tạo, sát hạch vừa thiếu, vừa yếu. Thậm chí, có một số Sở GTVT chỉ có 3 đến 5 người vừa thực hiện công tác này, vừa thực hiện công tác quản lý vận tải (đường thủy, đường bộ)... Thực tế trên cho thấy, công tác đào tạo, sát hạch lái xe đang có nhiều "kẽ hở", để lợi dụng tham nhũng, tiêu cực.

Đơn cử, cuối tháng 4-2023, Sở GTVT Gia Lai qua thanh tra, kiểm tra 18 cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe đã ra quyết định xử phạt 5 đơn vị và 5 giáo viên dạy lái xe vi phạm trong đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ, xử phạt với tổng số tiền 40 triệu đồng, thu nộp ngân sách Nhà nước. Cụ thể, 5 đơn vị bị xử phạt gồm: Công ty TNHH Một thành viên Khánh Bảo, Trường Cao đẳng Gia Lai, Công ty TNHH Vận tải ô tô tỉnh Gia Lai, Công ty cổ phần Công nghệ và Dạy nghề An Phú Thiện, Công ty cổ phần Xây dựng và vận tải Gia Lai.

Sở GTVT Gia Lai cũng đã có quyết định tước quyền sử dụng có thời hạn “Giấy chứng nhận Trung tâm sát hạch lái xe đủ điều kiện hoạt động” từ 2 - 3 tháng đối với 3 trung tâm sát hạch lái xe loại 3 vì vi phạm quy định về công lưu trữ hồ sơ tại một số kỳ sát hạch (theo Điều 37 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ) đối với Trung tâm Sát hạch lái xe tại thị trấn Chư Sê (thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khánh Bảo), Trung tâm Sát hạch lái xe tại thị trấn Chư Prông và Trung tâm Sát hạch lái xe tại xã Ia Rtô- Thị xã Ayun Pa (thuộc Công ty Trách nhiện hữu hạn Vận tải ô tô Gia Lai). Ngoài ra, tại nhiều trung tâm, giáo viên không có giáo án của môn học được phân công giảng dạy theo quy định; vi phạm về ký hợp đồng đào tạo đối với người học lái xe; công tác lưu trữ hồ sơ sát hạch (tại một số kỳ sát hạch) chưa thực hiện theo quy định…

Hay trước đó, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Viết Tuấn (Giám đốc), Đỗ Hồng Quân (Tổ trưởng Tổ giáo viên dạy lý thuyết) và Nguyên Ngọc Khuyên (Tổ trưởng Tổ giáo viên thực hành) thuộc Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ, về tội "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Trường Cao đẳng nghề kinh doanh và công nghệ Hà Nội được phê duyệt thành lập Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ tại xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Năm 2020, Trung tâm được Sở Giao thông vận tải tỉnh Hòa Bình cấp giấy phép đào tạo lái xe, cho phép đào tạo các hạng B và C với lưu lượng dưới 1.000 học viên (Trường phải đảm bảo lượng học viên thực hành đối với mỗi hạng giấy phép lái xe không vượt quá khả năng đáp ứng số xe tập lái và giáo viên dạy lái xe theo quy định).

Tuy nhiên, số giáo viên của Trung tâm không đáp ứng được yêu cầu giảng dạy cho tối đa lưu lượng học viên được phép đào tạo, nên Giám đốc Trung tâm đã giao cho Phòng Đào tạo thông báo tuyển người có đủ điều kiện để tập huấn và ký hợp đồng làm giáo viên của Trung tâm. Hầu hết số giáo viên đã ký hợp đồng, nhưng không trực tiếp giảng dạy tại Trung tâm, chỉ đứng tên trên hồ sơ, tài liệu liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch. Để hợp thức hóa hồ sơ đào tạo cho phù hợp với số giáo viên không giảng dạy trên thực tế, lãnh đạo Trung tâm đã chỉ đạo Tổ giáo viên lý thuyết, Tổ giáo viên thực hành và nhân viên Phòng Đào tạo giả mạo chữ ký, chữ viết để ghi khống nội dung vào một số tài liệu nhằm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và tránh bị kiểm tra, phát hiện...

Xử lý nghiêm người đứng đầu

Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh yêu cầu xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để xảy ra những hành vi sai trái, nhũng nhiễu, tiêu cực… trong vấn đề đào tạo, sát hạch lái xe.

Qua tìm hiểu, đến nay, Bộ GTVT đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành các nghị định; xây dựng, ban hành các thông tư, quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia và tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các bộ, ngành liên quan đã có nhiều chỉ đạo tăng cường chất lượng, nghiêm minh thực thi đối với công tác này.

Cơ quan quản lý trực tiếp là Cục Đường bộ Việt Nam và Sở GTVT, Sở GTVT - Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tích cực hướng dẫn cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe bổ sung, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác sát hạch lý thuyết, sát hạch thực hành lái xe, gắn thiết bị DAT để quản lý đào tạo lái xe; triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trong công tác cấp đổi giấy phép lái xe trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Từ thực tế đó, Bộ GTVT yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên; đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác quản lý, nâng cao hơn nữa về chất lượng của công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy giấy phép lái xe cơ giới đường bộ nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn lao động cho đơn vị kinh doanh vận tải, nhu cầu của xã hội và người dân trong thời gian tới.

Bộ GTVT yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc Bộ GTVT, giám đốc sở GTVT khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về đào tạo, sát hạch, cấp giấp phép lái xe cơ giới đường bộ để kịp thời phát hiện những nội dung không còn phù hợp đề xuất sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế; chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; rà soát, hoàn thiện các tiêu chuẩn, điều kiện về cơ sở vật chất đối với các cơ sở đào tạo lái xe; có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, chấm dứt tình trạng cấp GPLX cho người nghiện ma túy, người không đủ năng lực, hành vi, sức khỏe; đề xuất giải pháp quản lý lái xe sau đào tạo; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo, sát hạch, quản lý lái xe theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 10 ngày 19-4-2023.

"Người đứng đầu cơ quan, đơn vị nghiêm túc quán triệt, chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tiêu cực trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi GPLX cơ giới đường bộ. Người đứng đầu các cơ quan đơn vị phải đề cao trách nhiệm nêu gương, gương mẫu thực hiện và tăng cường trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, kỷ luật, kỷ cương thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức vững vàng về chính trị, tư tưởng, trong sáng về đạo đức, lối sống, thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ trong trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe cơ giới đường bộ", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thẳng khẳng định.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi GPLX cơ giới đường bộ; nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX tại các sở GTVT, cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe theo quy định để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại.

Cục Đường bộ Việt Nam phải thường xuyên rà soát, tổng kết đánh giá quá trình triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; trước mắt thực hiện rà soát tổng thể, toàn diện Nghị định 138/2018 và Thông tư 12-2017 của Bộ GTVT để đề xuất sửa đổi, bổ sung đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo khả thi khi thực hiện; đồng thời nghiên cứu và đề xuất giải pháp quản lý lái xe sau đào tạo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 10 ngày 19-4-2023.

Đối với các sở GTVT, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu chủ trì, phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng, UBND cấp huyện (quận, huyện, thị xã, thành phố) trên địa bàn địa phương triển khai các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và quản lý chặt chẽ công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi GPLX.

Bộ trưởng Bộ GTVT giao Vụ Khoa học công nghệ và môi trường chủ trì, đôn đốc, kiểm tra việc áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ; phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam rà soát, hoàn thiện các tiêu chuẩn, điều kiện về cơ sở vật chất đối với các cơ sở đào tạo lái xe theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 10. Định kỳ trước ngày 25-6 và trước ngày 25-12 hàng năm hoặc đột xuất (nếu có vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện) các Sở GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam, các Vụ thuộc Bộ, cơ quan, đơn vị liên quan báo cáo Bộ GTVT về kết quả thực hiện Chỉ thị.

(Theo https://baotintuc.vn/phap-luat/xu-ly-nghiem-tieu-cuc-trong-dao-tao-sat-hach-lai-xe-20230509104934435.htm)

.
.
.