Nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
(ABO) Công an tỉnh Tiền Giang vừa tổ chức Hội thảo chuyên đề nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội đối với tội phạm trên địa bàn tỉnh.
Đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc Công an tỉnh chủ trì hội thảo. Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các đơn vị, Công an địa phương của tỉnh cùng tham dự.
Tại hội thảo có 6 tham luận, thảo luận và các ý kiến phát biểu đánh giá công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng Công an làm nòng cốt. Chính vì vậy, lực lượng Công an đã tập trung phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống tội phạm, nhất là công tác phòng ngừa xã hội hướng tới loại trừ, triệt tiêu các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.
Quang cảnh hội thảo. |
Trong thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp hiệu quả của các sở, ban, ngành, đoàn thể và sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhân dân nên công tác Công an đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được lãnh đạo Bộ Công an, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng, nhân dân tin tưởng.
Bên cạnh những thành tích đạt được, thời gian gần đây, tình hình tội phạm có chiều hướng gia tăng, trong 6 tháng đầu năm 2023, tội phạm về trật tự xã hội ghi nhận 406 vụ (tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022). Tội phạm giết người xảy ra 9 vụ, giảm 1 vụ so với cùng kỳ năm 2022. Xảy ra 70 vụ cố ý gây thương tích, tăng 15 vụ - 27,2%, trong đó có nhiều trường hợp tổ chức uống rượu, bia say không kiềm chế được hành vi, ứng xử thiếu văn hóa mang tính hung hãn hoặc chỉ từ những va chạm nhỏ trong lời nói, cử chỉ dẫn đến mâu thuẫn và sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn.
Đặc biệt, tội phạm xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi có dấu hiệu gia tăng (ghi nhận 21 vụ, tăng 6 vụ - 40%); chủ yếu là hành vi giao cấu, trong đó nhiều nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, gia đình không trọn vẹn như cha mẹ ly hôn, sống thiếu cha hoặc thiếu mẹ, sống chung với ông, bà... Nhiều nạn nhân bị chính người thân trong gia đình hoặc hàng xóm xâm hại. Qua các vụ án cho thấy, việc phối hợp giữa gia đình và nhà trường, các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc gặp gỡ, giáo dục, sinh hoạt ngoại khóa về kỹ năng sống, kỹ năng mềm, bổ sung kiến thức để trẻ tự bảo vệ bản thân, tránh bị xâm hại còn hạn chế, chưa phát huy hiệu quả. Sự quan tâm của gia đình và cấp ủy, chính quyền địa phương chưa được đầy đủ, tạo sơ hở để các đối tượng xấu xâm hại trẻ em.
Các đại biểu tham dự hội thảo. |
Tội phạm xâm phạm sở hữu còn xảy ra nhiều (280 vụ, chiếm 69% trong cơ cấu tội phạm), nhất là hành vi trộm cắp tài sản (206 vụ, chiếm 73,6%). Trong đó, ý thức của một bộ phận người dân còn lơ là trong việc tự quản lý, bảo vệ tài sản của mình, sơ hở để kẻ gian trộm cắp. Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng diễn biến phức tạp. Mặc dù Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan có liên quan liên tục cảnh báo thủ đoạn lừa đảo trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng một bộ phận người dân vẫn mất cảnh giác hoặc bị lòng tham lấn át lý trí trước các thủ đoạn, chiêu trò lừa đảo “kêu gọi đầu tư” sinh lời trên mạng hoặc huy động vốn với lãi suất cao kinh doanh tiền ảo...; hay chiêu trò tuyển dụng lao động, chốt đơn mua hàng online để nhận tiền hoàn đơn cùng với hoa hồng... Công an tỉnh đang tiếp nhận, xử lý 70 tin tố giác.
Qua thống kê cho thấy, đối tượng thực hiện hành vi phạm tội dần trẻ hóa, số thanh, thiếu niên phạm tội về trật tự xã hội chiếm tỷ lệ cao (nhóm tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi chiếm 6%, từ đủ 18 tuổi đến dưới 30 tuổi chiếm 45%, từ đủ 30 tuổi trở lên chiếm 49%). Trong đó, nhiều đối tượng không có nghề nghiệp (chiếm 51%), lao động tự do (chiếm 27,1%) và nghề nghiệp khác (chiếm 20%). Đây là nhóm tuổi “lao động vàng” trong xã hội nhưng không chịu lao động, tạo ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng rất lớn đến gia đình đối tượng, gia đình nạn nhân và gánh nặng cho xã hội.
Tỷ lệ người tái nghiện sau khi cai nghiện ma túy trở về địa phương còn chiếm tỷ lệ cao (chiếm khoảng hơn 26%), công tác quản lý, giúp đỡ người sau cai nghiện như tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm... còn gặp khó khăn, hạn chế.
Tình trạng vi phạm giao thông còn xảy ra nhiều (đã khởi tố 47 vụ), ý thức của một bộ phận người dân tham gia giao thông kém, nhất là thanh, thiếu niên. Trong 6 tháng đầu năm 2023, phát hiện, xử lý phạt tiền hơn 24 ngàn trường hợp vi phạm; trong đó hơn 4.500 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; đi sai làn đường, phần đường hơn 600 trường hợp; trên 5.000 trường hợp chạy quá tốc độ; vi phạm quy định về đội nón bảo hiểm hơn 3.000 trường hợp; đi ngược chiều 274 trường hợp...
Từ những vấn đề trên, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của các sở, ban, ngành và các phòng nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh đã tập trung thảo luận thẳng thắn, trách nhiệm, đi thẳng vào vấn đề, cung cấp những góc nhìn đa chiều về công tác phòng ngừa xã hội, giúp nhận diện đầy đủ hơn các khía cạnh của những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế. Qua đó, đề xuất các giải pháp mang lại hiệu quả và cần bổ sung những giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội, phù hợp với đặc điểm tình hình của tội phạm hiện nay, nhằm tiến tới kéo giảm tội phạm trong thời gian tới.
Đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc Công an tỉnh ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu. Công an tỉnh sẽ bổ sung vào các giải pháp phòng ngừa xã hội để tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội đối với tội phạm trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
ĐẶNG THANH