Tiền Giang quyết tâm kéo giảm tai nạn giao thông
Tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang dần được kiềm chế. Đây là tín hiệu tích cực để các địa phương trong tỉnh tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm tiếp tục kéo giảm TNGT trong những tháng cuối năm.
TRIỂN KHAI ĐÚNG TRỌNG TÂM - TRỌNG ĐIỂM
Những tháng đầu năm 2023, tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so với 6 tháng đầu năm 2022. So với cùng kỳ các năm gần đây, thì 6 tháng đầu năm 2023 có tỷ lệ TNGT giảm cao nhất.
Lực lượng Cảnh sát giao thông quyết liệt xử lý vi phạm giao thông về nồng độ cồn. |
Lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh phát hiện và xử lý 21.227 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông (ATGT), tổng số tiền trên 40,2 tỷ đồng. Trong đó, lực lượng chức năng phát hiện và xử lý 4.540 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, thành tiền 23,68 tỷ đồng.
Theo Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nguyễn Văn Vũ, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương mở nhiều cao điểm tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT theo chuyên đề.
Trong đó, công tác triển khai cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông của lực lượng Công an trên toàn tỉnh đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ ở 11 huyện, thành phố, thị xã, góp phần quan trọng trong việc kéo giảm TNGT, hình thành thói quen, văn hóa giao thông đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, ATGT của người dân, nhất là nâng cao ý thức trong việc chấp hành quy định đã uống rượu, bia không lái xe.
Đại tá Nguyễn Văn Nhựt, Giám đốc Công an tỉnh nhận định, những giải pháp của tỉnh thời gian qua đã “đánh trúng” và tập trung giải quyết triệt để các vấn đề nóng, phức tạp về trật tự, ATGT như tập trung phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT nghiêm trọng; điều khiển phương tiện quá tốc độ cho phép, vi phạm nồng độ cồn, ma túy, “cơi nới” thành, thùng xe, chở hàng quá khổ, quá tải…
Đồng thời, cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua được quan tâm đầu tư mở rộng, nâng cấp, lắp đặt hệ thống chiếu sáng..., nhất là tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đi vào khai thác đã giảm tải mật độ các phương tiện giao thông trên tuyến Quốc lộ 1, qua đó góp phần kéo giảm TNGT và ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh.
“Đặc biệt, việc đầu tư đưa vào khai thác, sử dụng Hệ thống camera giám sát, xử lý vi phạm về trật tự, ATGT trên địa bàn tỉnh, góp phần thiết thực, nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự, ATGT. Thông qua phát hiện, thông báo, xử lý vi phạm trật tự, ATGT qua hình ảnh (phạt nguội) đã xây dựng ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông”, Đại tá Nguyễn Văn Nhựt cho biết.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Sở Giao thông - Vận tải đã tích cực xử lý kịp thời các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT như: Lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại 6 nút giao phức tạp về ATGT; lắp đặt đèn chiếu sáng 5 đoạn đường phức tạp, đông dân cư, thường xảy ra TNGT theo kiến nghị của địa phương, góp phần kéo giảm TNGT.
Đồng thời, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông được đẩy mạnh và có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức, nhất là tuyên truyền thông qua mạng xã hội đã có tác dụng lan tỏa trong xã hội, tác động trực tiếp đến đối tượng là những người trẻ tuổi, cán bộ, công chức, công nhân, học sinh, sinh viên...
QUYẾT LIỆT KÉO GIẢM TNGT
Mặc dù các ngành, các cấp, các địa phương của tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp kéo giảm TNGT và đạt được kết quả tích cực, số vụ, số người chết, số người bị thương do TNGT được kiềm, giảm sâu, nhưng số người chết do TNGT vẫn còn ở mức cao, giảm chưa bền vững, còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ TNGT rất nghiêm trọng, làm chết 8 người, bị thương 3 người (xảy ra trên Quốc lộ 30, thuộc xã An Thái Trung, huyện Cái Bè 1 vụ; đường 40, xã Tân Hòa Đông, huyện Tân Phước 1 vụ; đường huyện 94C, xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho 1 vụ; tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương 1 vụ).
Ngoài ra, vi phạm về trật tự, ATGT còn nhiều (phát hiện 24.503 trường hợp vi phạm bị xử lý), trong đó có một số trường hợp vi phạm về hành lang ATGT đường bộ chưa được xử lý triệt để và kịp thời. Đặc biệt, còn 3 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2022 là TX. Gò Công, TX. Cai Lậy và huyện Tân Phước.
Trước vấn đề trên, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban ATGT tỉnh đề nghị, các địa phương xây dựng, triển khai kế hoạch công tác đảm bảo trật tự, ATGT trong tình hình mới gửi về Công an tỉnh.
Các địa phương cùng nhau xác định kiềm và kéo giảm TNGT từ 5% - 10%, đặc biệt tiêu chí về số người tử vong. Từng địa phương phải có kế hoạch cụ thể để kiểm soát nồng độ cồn đối với từng tuyến, từng địa bàn, tập trung các thành phố, thị xã, thị trấn, khu công nghiệp đông công nhân, khu du lịch, khu vực nông thôn...
Đặc biệt, lực lượng chức năng trong chức trách, nhiệm vụ của mình phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và không chấp nhận việc can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm trật tự, ATGT của các tổ chức, cá nhân. Các địa phương cần đẩy mạnh và nhân rộng mô hình xử phạt qua camera thông minh. Lực lượng chức năng sau xử phạt phải thông báo về cơ quan, đơn vị mà công chức, viên chức, đảng viên... vi phạm trật tự, ATGT đang công tác.
Riêng đối với Công an tỉnh, đơn vị cần chỉ đạo các lực lượng chức năng duy trì tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo các chuyên đề, đặc biệt là chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn. Trong quá trình điều tra các vụ TNGT, ngoài xác định nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn, đề nghị xác định nguyên nhân thuộc về thẩm quyền, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân làm công tác quản lý nhà nước và thực thi công vụ có liên quan trong các vụ TNGT.
Dự báo những tháng cuối năm 2023, tình hình trật tự, ATGT, vi phạm giao thông tiếp tục sẽ diễn biến phức tạp, Đại tá Nguyễn Văn Nhựt cho biết, để kéo giảm TNGT đề nghị UBND các huyện, thị, thành tiếp tục thường xuyên quan tâm chỉ đạo về công tác đảm bảo trật tự, ATGT, tổ chức phân tích, đánh giá, xác định nguyên nhân xảy ra TNGT do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn hoặc nguyên nhân khác làm tình hình trật tự, ATGT, TNGT diễn biến phức tạp.
Xem xét xử lý nghiêm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan để tình hình trật tự, ATGT trên địa bàn phụ trách diễn biến phức tạp hoặc để xảy ra TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng mà nguyên nhân do chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về trật tự, ATGT.
Riêng đối với lực lượng Công an, Ban Giám đốc Công an tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo thường xuyên huy động tối đa lực lượng, phương tiện, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự, ATGT, kiềm giảm TNGT.
Trong đó, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về việc lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ duy trì thường xuyên, liên tục xử lý nghiêm và kiểm soát cho bằng được đối với 4 nhóm lỗi vi phạm về nồng độ cồn; ma túy; tốc độ; xe quá khổ, quá tải, “cơi nới” thành, thùng nhằm phòng ngừa, kiềm giảm TNGT.
Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nội dung chuyên đề công tác đảm bảo trật tự, ATGT năm 2023 theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về chấn chỉnh, lập lại trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông của cả người tham gia giao thông và người thực thi pháp luật về giao thông.
Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức tôn giáo, hiệp hội nghề nghiệp phát huy vai trò của mình trong công tác tuyên truyền về văn hóa giao thông, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông, nhân rộng các mô hình tuyên truyền hiệu quả trong thời gian qua, để nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải gương mẫu thực hiện, tuân thủ pháp luật về giao thông nhằm tạo sự lan tỏa trên địa bàn. Trên cơ sở thực tế, Thường trực Ban ATGT tỉnh chọn các nội dung, định hướng, hướng dẫn… các địa phương thực hiện công tác tuyên truyền đảm bảo trật tự, ATGT.
TUẤN LÂM