Công an tỉnh Tiền Giang: Quyết liệt phòng, chống tội phạm
Trong những năm qua, Công an tỉnh Tiền Giang đã phát hiện, triệt xóa nhiều đường dây, tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy, tội phạm công nghệ cao, tham nhũng, môi trường, mua bán người… từng bước giữ vững ổn định về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
NHẬN ĐỊNH CÁC LOẠI TỘI PHẠM
Trong những tháng đầu năm 2023, tình hình tội phạm có chiều hướng gia tăng, tội phạm về trật tự xã hội, ghi nhận 406 vụ (tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022). Đặc biệt, tội phạm giết người còn xảy ra 9 vụ, giảm 1 vụ so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, địa phương còn xảy ra 70 vụ cố ý gây thương tích (tăng 15 vụ - 27,2%), trong đó có nhiều trường hợp uống rượu, bia say không tiết chế được hành vi, ứng xử thiếu văn hóa mang tính hung hãn, chỉ từ những va chạm nhỏ trong lời nói, cử chỉ dẫn đến mâu thuẫn, sau đó sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn.
Công an tỉnh Tiền Giang tấn công, trấn áp các loại tội phạm công nghệ cao. |
Đặc biệt, tội phạm xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi có dấu hiệu gia tăng (ghi nhận 21 vụ, tăng 6 vụ - 40%), chủ yếu là hành vi giao cấu, trong đó nhiều trẻ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình không trọn vẹn như cha mẹ ly hôn, sống thiếu cha hoặc thiếu mẹ, sống với ông bà… Nhiều trẻ bị chính người thân trong gia đình hoặc hàng xóm xâm hại, có trường hợp nạn nhân đi chơi với nhóm bạn, sau đó nhiều lần bị các đối tượng xâm hại.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, qua các vụ án xâm hại tình dục trẻ em cho thấy, đối với tội phạm này, việc phối hợp giữa gia đình và nhà trường, các đoàn thể chính trị - xã hội còn hạn chế trong việc gặp gỡ, giáo dục, sinh hoạt ngoại khóa về kỹ năng sống, kỹ năng mềm, bổ sung kiến thức để các trẻ tự bảo vệ bản thân, tránh bị xâm hại chưa phát huy hiệu quả. Sự quan tâm của gia đình và cấp ủy, chính quyền địa phương chưa được đầy đủ tạo sơ hở để các đối tượng xấu xâm hại trẻ em.
Song song đó, tội phạm xâm phạm sở hữu còn xảy ra nhiều (280 vụ, chiếm 69% trong cơ cấu tội phạm), nhất là hành vi trộm cắp tài sản (206 vụ, chiếm 73,6%). Trong đó, ý thức của một số bộ phận người dân còn lơ là trong việc tự quản lý, bảo vệ tài sản của mình, tạo sơ hở cho kẻ gian trộm cắp…
Bên cạnh đó, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng diễn biến phức tạp. Mặc dù Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan có liên quan liên tục cảnh báo thủ đoạn lừa đảo trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như trang Zalo của Công an tỉnh nhưng một bộ phận người dân vẫn mất cảnh giác, làm cho loại tội phạm này vẫn diễn biến phức tạp.
Nhận định qua các vụ án xảy ra, Đại tá Nguyễn Văn Lộc cho biết: “Đối tượng thực hiện hành vi phạm tội dần trẻ hóa, số thanh, thiếu niên phạm tội về trật tự xã hội chiếm tỷ lệ cao (nhóm tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, chiếm 6%; từ đủ 18 tuổi đến dưới 30 tuổi, chiếm 45%; từ đủ 30 tuổi trở lên, chiếm 49%). Trong đó, nhiều đối tượng không có nghề nghiệp (chiếm 51%), lao động tự do (chiếm 27,1%) hoặc nghề nghiệp khác (chiếm 20%). Qua thống kê cho thấy, đây là nhóm tuổi “lao động vàng” trong xã hội nhưng vướng vào các hành vi phạm tội đã tạo ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng rất lớn đến gia đình đối tượng, gia đình nạn nhân và tạo gánh nặng cho xã hội, phần nào kiềm hãm sự phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh”.
QUYẾT LIỆT PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM
Thời gian qua, Công an tỉnh Tiền Giang đã đạt được nhiều kết quả tích cực đáng ghi nhận, triệt phá nhiều đường dây, tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy, tội phạm công nghệ cao, tội phạm hình sự… được lãnh đạo Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh khen thưởng, nhân dân tin tưởng nhưng tình hình tội phạm vẫn còn xảy ra phức tạp, chiều hướng tăng.
Trước vấn đề này, Đại tá Nguyễn Văn Lộc cho biết, ngành Công an tiếp tục triển khai các biện pháp nghiệp vụ theo phân công, phân cấp từng lĩnh vực, địa bàn. Các trinh sát địa bàn phải nắm chắc địa bàn, thường xuyên báo cáo tình hình, di biến động ở địa bàn cơ sở. Các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh cần thường xuyên tổ chức kiểm tra đối với Công an cơ sở.
“Đối với Công an cấp huyện đề nghị xem xét lại uy tín, trách nhiệm của mình đối với việc xử lý tin báo tố giác tội phạm của người dân, phải làm cho dân tin vào lực lượng Công an thì phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” mới được thúc đẩy và nâng lên. Mỗi đồng chí Công an xã phân công từng công an viên chịu trách nhiệm quản lý từng ấp, từng đối tượng (có hồ sơ quản lý).
Lực lượng Công an phải làm nòng cốt phối hợp chặt chẽ các ban, ngành ở địa phương giải quyết tốt mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, kịp thời phát hiện sớm các mâu thuẫn và đề xuất các các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn ngay các mâu thuẫn, không để xảy ra các vụ phạm tội nghiêm trọng” - Đại tá Nguyễn Văn Lộc nhấn mạnh.
Cùng với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang cũng sẽ tăng cường phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật, bạo lực học đường trong học sinh, sinh viên. 100% trường học tổ chức giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống và văn hóa ứng xử cho các thành viên trong trường học, giảm số vụ, số người phạm tội, vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên.
Đặc biệt, ngành Giáo dục sẽ đổi mới nội dung tuyên truyền, tăng cường sự phối hợp giữa trường học, gia đình và các cơ quan, ban, ngành của địa phương trong quản lý phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên; tổ chức các mô hình câu lạc bộ phòng ngừa tội phạm ở các trường.
Riêng đối với Ủy ban MTTQ tỉnh Tiền Giang, đơn vị xác định đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, chứ không phải chỉ là nhiệm vụ của riêng lực lượng Công an. Đơn vị phối hợp với các tổ chức thành viên và các ngành chức năng thực hiện hiệu quả công tác quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ người vi phạm pháp luật, người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư và vận động nhân dân trong tố giác, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội. Tiếp tục rà soát đánh giá chất lượng, hiệu quả từng loại mô hình an ninh trật tự, loại bỏ mô hình kém tác dụng; củng cố, nhân rộng các mô hình phát huy tốt, có tác dụng, hiệu quả.
Đối với Liên đoàn Lao động tỉnh, các cấp Công đoàn phối hợp tuyên truyền, giáo dục cho người lao động (NLĐ) cảnh giác với các loại tội phạm; xây dựng và nâng chất hoạt động của các Tổ An ninh công nhân ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; Tổ Công nhân tự quản ở các khu nhà trọ công nhân. Đặc biệt, Công đoàn phối hợp chặt chẽ với ngành Công an thực hiện việc thành lập Đội Công nhân xung kích tự quản về an ninh trật tự trong doanh nghiệp (đến nay đã thành lập 27 đội).
Tham gia giải quyết hoặc đề xuất giải quyết tốt những vấn đề phát sinh liên quan đến NLĐ trong khu, cụm công nghiệp, chủ động tham gia giải quyết các vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công nhằm hạn chế xảy ra điểm nóng, mất an ninh trật tự. Nhân rộng mô hình hoạt động Khu nhà trọ Công nhân tự quản, tổ hòa giải tại các Khu nhà trọ Công nhân tự quản, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.
TUẤN LÂM