.

Tiền Giang: Lan tỏa phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

Cập nhật: 09:50, 11/09/2023 (GMT+7)

Qua 10 năm thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ) trong tình hình mới, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có nhiều chuyển biến tích cực, tiếp tục khẳng định vai trò, cũng như hiệu quả phối hợp giữa lực lượng Công an với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) trong thực hiện phong trào TDBVANTQ.

HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN

Thời gian qua, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, Công an, Ủy ban MTTQ các địa phương trong tỉnh cùng các tổ chức thành viên đã phối hợp thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân, nâng cao ý thức tham gia phong trào TDBVANTQ.

Cụ thể, chủ động phối hợp với cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục lồng ghép tuyên truyền nội dung phòng, chống tội phạm vào các cuộc họp dân. Tổ Nhân dân tự quản (NDTQ), Tổ An ninh công nhân (ANCN) tổ chức các cuộc tuyên truyền lưu động, vận động giáo dục cá biệt và cho cam kết, vận động tuyên truyền hộ có nguy cơ bị tội phạm tấn công và có nguy cơ vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, MTTQ phối hợp các sở, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh tổ chức tuyên truyền trong nội bộ và nhân dân các văn bản quy định của pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm thông qua các cuộc họp dân, cơ quan, hội nghị, hội thi, tập huấn, sinh hoạt tổ, hội, câu lạc bộ…

 Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích đóng góp  trong thực hiện phong trào TDBVANTQ trong tình hình mới giai đoạn 2013 - 2023.
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích đóng góp trong thực hiện phong trào TDBVANTQ trong tình hình mới giai đoạn 2013 - 2023.

Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tiền Giang, có thể nói thông qua công tác phối hợp vận động đã giúp nhân dân nâng cao nhận thức về trách nhiệm bảo vệ an ninh quốc gia, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đồng thời, người dân dần hiểu rõ về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, tích cực phòng ngừa tội phạm, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật, kịp thời phát hiện, tố giác các loại tội phạm; tham gia việc nhận, giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi tại cộng đồng, giúp họ trở thành người có ích cho xã hội.

Theo đó, mặt trận các cấp đã phối hợp tham gia giải quyết, hòa giải thành 6.594/8.531 vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự ở cơ sở; cảm hóa, giúp đỡ 5.590 đối tượng tiến bộ, hòa nhập cộng đồng; giới thiệu việc làm 959 đối tượng, hỗ trợ vốn cho 176 đối tượng sản xuất, mua bán nhỏ.

Ngoài ra, thông qua các hình thức tuyên truyền, vận động, nhân dân đã chủ động cung cấp 23.551 nguồn tin có giá trị giúp lực lượng Công an các cấp bắt, xử lý 8.111 vụ, 15.034 đối tượng, đưa vào diện quản lý theo Nghị định 111 của Chính phủ 584 đối tượng; gọi hỏi, răn đe giáo dục cho cam kết 1.573 đối tượng; phối hợp các ngành, đoàn thể trực tiếp giáo dục quản lý 12.836 người có biểu hiện vi phạm pháp luật ở khu dân cư; đưa công khai hóa trước dân 585 đối tượng vi phạm hành chính về trật tự xã hội, góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.

Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có 12.426 Tổ NDTQ về an ninh trật tự; 2.161 Tổ ANCN; 927 Đội dân phòng; 170/172 xã, phường, thị trấn, 518/670 cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh trật tự.

Xây dựng và nhân rộng 2.056 Cổng rào phòng, chống tội phạm; 2.267 Camera an ninh; 1.527 Tuyến đường ánh sáng phòng, chống tội phạm; 113 Tổ liên gia tự quản; vận động mua 116 thẻ bảo hiểm y tế cho Tổ trưởng, Tổ phó Tổ NDTQ về an ninh trật tự và Đội dân phòng; duy trì 13 Câu lạc bộ “Thắp sáng niềm tin”, Công nhân xung kích về an ninh trật tự, 53 Khu nhà trọ Công nhân tự quản về an ninh trật tự  với hơn 2.699 phòng, hơn 6.460 công nhân, lao động ở trọ và 53 Tổ hòa giải; 2.161 tổ công nhân, sinh viên tự quản về an ninh trật tự, với 9.570 thành viên; 32 Đội dân phòng xe honda; 5 Đội mô tô phòng, chống tội phạm; 24 tuyến đường Thanh niên tự quản về an ninh trật tự; 101 bản hiệu, 184 trang Zalo tuyên truyền đường dây nóng phòng, chống tội phạm.

Đến nay, Công an - MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp đã phối hợp xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào TDBVANTQ đạt hiệu quả thiết thực, như: Mô hình xã Đồng Sơn điển hình về phong trào TDBVANTQ, qua tổng kết đã nhân rộng 8 địa phương khác; thí điểm mô hình “Đảm bảo an ninh trật tự” trên địa bàn xã Mỹ Phong (TP. Mỹ Tho) cho thấy nhiều hiệu quả tích cực và đang được nhân rộng 3 xã Trung An (TP. Mỹ Tho), Mỹ Phước Tây (TX. Cai Lậy) và Phú An (huyện Cai Lậy).

Đồng thời, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 22 mô hình phòng, chống tội phạm mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác phòng, chống tội phạm và đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương, như: “Ánh sáng phòng, chống tội phạm”; “Camera phòng, chống tội phạm”; “Bảng hiệu thông tin đường dây nóng phòng, chống tội phạm”, “Thêm yêu cuộc sống, thắp sáng niềm tin”; “Tổ ANCN”, “Đội Công nhân xung kích tự quản về an ninh trật tự”; “Khu nhà trọ Công nhân tự quản về an ninh trật tự”; “Tổ Công nhân, sinh viên tự quản”; mô hình “Đảm bảo an ninh trật tự” ở địa bàn các xã; mô hình “Xã điển hình về phong trào TDBVANTQ”..., góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh trật tự, phục vụ có hiệu quả cho các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Đặc biệt, bên cạnh việc nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến, tùy vào tình hình thực tế nổi lên từng lúc, từng địa bàn, Công an tỉnh đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xây dựng các kế hoạch liên tịch, liên ngành về phòng, chống tội phạm, hướng dẫn các địa phương, cơ sở củng cố, nâng chất các tổ chức quần chúng, xây dựng và giữ vững xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường an toàn về an ninh trật tự.

KHẮC PHỤC HẠN CHẾ, ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO

Bên cạnh những kết quả đạt được, ở một vài địa phương, cấp ủy, chính quyền các cấp chưa tập trung thường xuyên chỉ đạo sâu sát việc tổ chức thực hiện phong trào TDBVANTQ; trách nhiệm của một số ít cán bộ đoàn thể thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện phong trào TDBVANTQ chưa cao, chưa chủ động trong đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện, chưa gắn nội dung phòng, chống tội phạm với nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tế địa phương.

Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Gò Công Tây, công tác phối hợp quản lý, cảm hóa, giáo dục đối tượng theo quy trình của các ngành, đoàn thể, có nơi chưa được chú trọng, phát huy; một số ngành, đoàn thể còn ngại tiếp xúc, gặp gỡ, đặc biệt là với người nghiện ma túy; chưa thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm theo phương châm 3 rõ: “Rõ việc, rõ người, rõ giải pháp” của cá nhân, tập thể trong việc quản lý, cảm hóa, giáo dục đối tượng.

Mặt khác, về cơ chế chính sách pháp luật trong phòng, chống tội phạm và người nghiện ma túy còn chồng chéo, sức răn đe chưa cao nên hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và nghiện ma túy còn hạn chế (các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành xác định người sử dụng trái phép chất ma túy là người bệnh, không xử lý hình sự). Do đó vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn gia tăng tội phạm; vi phạm pháp luật về an ninh trật tự, gây tâm lý lo lắng trong nhân dân.

Bên cạnh đó, đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật, đối tượng vi phạm pháp luật ở cộng đồng dân cư, đa phần là những đối tượng có tính côn đồ, manh động, nguy hiểm… Mặt khác, sự khó khăn xuất phát từ sự kỳ thị, e ngại của một bộ phận người dân hay từ chính sự mặc cảm, tự ti của người lầm lỗi, người đang chấp hành án tại cộng đồng dân cư. Từ đó, làm cho MTTQ và các đoàn thể khó tiếp cận để cảm hóa, giáo dục, vận động không vi phạm hoặc vận động tái hòa nhập cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn.

Theo Ban Chỉ huy Công an TX. Cai Lậy, một số người dân do đặc thù của việc làm và ngành nghề kinh doanh nên rất hạn chế tham dự các cuộc họp dân, các buổi  tuyên truyền. Nhiều người nhận thức chưa cao về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham gia phòng, chống tội phạm nên còn lơ là, mất cảnh giác, không tố giác tội phạm do sợ làm mất thời gian, ảnh hưởng đến việc làm ăn, kinh doanh, xem công tác phòng, chống tội phạm là trách nhiệm của ngành Công an.

Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tiền Giang, thời gian tới tiếp tục gắn kết phong trào TDBVANTQ với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước khác của Đảng và Nhà nước; duy trì xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến theo hướng “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải”. Các địa phương cần đổi mới nội dung, hình thức phong trào TDBVANTQ, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Tập trung đẩy mạnh phong trào TDBVANTQ gắn với phát huy truyền thống yêu nước của nhân dân. Tăng cường công tác kiểm tra định kỳ của Ban Chỉ đạo thực hiện phong trào TDBVANTQ nhằm kịp thời phát huy các mặt tích cực, khắc phục những thiếu sót, tồn tại và những vấn đề mới nảy sinh để hướng dẫn, tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào. Thường xuyên làm tốt công tác thi đua, khen thưởng để cổ vũ, động viên các nhân tố mới trong phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phong trào TDBVANTQ.

TUẤN LÂM - QUANG MINH

.
.
.