.

Tiền Giang: Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới

Cập nhật: 07:47, 14/09/2023 (GMT+7)

Trong những năm qua, công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) của tỉnh Tiền Giang đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tình hình cháy, nổ có xu hướng giảm về số vụ cháy, không để xảy ra vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

NHIỀU CHUYỂN BIẾN RÕ NÉT

Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an tỉnh kiểm tra hệ thống báo cháy, rò rỉ khí gas và báo sự cố tự động qua tin nhắn SMS tại Trung tâm Thương mại Vincom Plaza Mỹ Tho.
Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an tỉnh kiểm tra hệ thống báo cháy, rò rỉ khí gas và báo sự cố tự động qua tin nhắn SMS tại Trung tâm Thương mại Vincom Plaza Mỹ Tho.

Tiền Giang hiện có hơn 11.400 cơ sở thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC theo Nghị định 136 ngày 24-11-2020 của Chính phủ. Trong đó: Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an tỉnh quản lý hơn 2.110 cơ sở; Công an cấp huyện quản lý hơn 1.260 cơ sở; UBND cấp xã quản lý hơn 8.030 cơ sở.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 969 đội dân phòng, với 8.532 đội viên; 5.532 Đội PCCC cơ sở, với 38.181 đội viên đang hoạt động; 2 Đội PCCC chuyên ngành, với 31 đội viên ở 2 khu công nghiệp Long Giang  (huyện Tân Phước) và Tân Hương (huyện Châu Thành). Ngoài ra, Công ty TNHH Dụ Đức và Công ty TNHH Freeview Industrial (Khu công nghiệp Tân Hương) đã chủ động trang bị 2 xe chữa cháy.

Việc xây dựng, thành lập, duy trì hoạt động của đội dân phòng, đội PCCC cơ sở, đội PCCC chuyên ngành được tổ chức thực hiện chức năng kiêm nhiệm theo quy định của pháp luật về PCCC đang hoạt động phù hợp, có hiệu quả tại địa bàn cơ sở.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.769 cơ sở thuộc diện mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc (trong đó có 1.535 cơ sở đã mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định; 8 cơ sở mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc chưa đúng theo quy định; 163 cơ sở chưa mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc).

Đồng thời, công tác tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC là biện pháp phòng ngừa cơ bản được duy trì thực hiện; kết hợp chặt chẽ với việc tự kiểm tra công tác PCCC của các cơ quan, ban, ngành, tổ chức và cá nhân; đặc biệt là các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, địa bàn trọng điểm về PCCC như: Chợ, trung tâm thương mại, khu dân cư, các khu - cụm công nghiệp, cơ sở dịch vụ, sản xuất, kinh doanh, nhà ở kết hợp sản xuất - kinh doanh nằm xen kẽ khu dân cư, cơ sở tập trung đông người, nhà cao tầng…

Giai đoạn 2020 - 2022, Công an tỉnh đã tổ chức kiểm tra, phúc tra công tác PCCC tại 5.198 lượt cơ sở; lập 5.198 biên bản kiểm tra phát hiện thiếu sót, kịp thời kiến nghị, hướng dẫn khắc phục các lỗi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, phản ánh cụ thể trong biên bản thời gian khắc phục những thiếu sót về PCCC, nêu rõ trách nhiệm pháp lý đối với người đứng đầu, cá nhân có liên quan nếu để xảy ra cháy tại cơ sở và tiến hành phúc tra theo quy định. Cơ quan chức năng đã lập biên bản và ra quyết định xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực PCCC đối với 42 trường hợp, với tổng số tiền phạt 241,5 triệu đồng; ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với 7 cơ sở.

Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa PCCC và CNCH được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát trong việc huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia PCCC, CNCH, xem đây là nhiệm vụ của toàn dân, gắn liền với đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC, các biện pháp phòng, chống cháy, nổ bằng nhiều hình thức và nội dung phù hợp cho từng đối tượng; từ đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm và thực hiện PCCC có hiệu quả.

Tỉnh cũng đã triển khai, thực hiện nghiêm việc nhân rộng mô hình xây dựng “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng” trong khu dân cư, ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh. Bước đầu, UBND cấp xã đã thành lập 58 “Tổ liên gia an toàn PCCC” và 28 “Điểm chữa cháy công cộng” và hiện đang thực hiện nhân rộng 200 “Tổ liên gia an toàn PCCC”, 11 “Điểm chữa cháy công cộng”.

Qua đó, hướng dẫn hộ nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh từ 2 tầng trở lên mở lối thoát nạn thứ 2 và vận động các hộ gia đình trang bị bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá dỡ thô sơ, đảm bảo hoàn thành tiến độ theo chỉ đạo của Bộ Công an.

NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ

Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong những năm gần đây, tình hình kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, nhiều dự án kinh tế, dịch vụ đang được triển khai; các khu - cụm công nghiệp ngày càng mở rộng, nhà cao tầng phát triển, tính chất hoạt động kinh doanh, sản xuất đa dạng, số lượng hàng hóa có tính chất nguy hiểm về cháy, nổ được tích trữ và lưu thông trên thị trường ngày càng tăng. Các cơ sở không đảm bảo yêu cầu an toàn PCCC đã đưa vào hoạt động trước và sau ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 có hiệu lực, tiềm ẩn nguy cơ gây ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố...

Giai đoạn 2020 - 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 70 vụ cháy, làm chết 2 người và làm bị thương 4 người, thiệt hại về tài sản hơn 117 tỷ đồng. Cơ quan chức năng đã điều tra làm rõ nguyên nhân 58 vụ, trong đó có 42 vụ do sự cố điện, 6 vụ do bất cẩn trong sử dụng lửa…

Cháy lớn xảy ra 6 vụ (chiếm 8,57% tổng số vụ cháy), gây thiệt hại hơn 102 tỷ đồng, tương đương gần 87,2% tổng thiệt hại do các vụ cháy gây ra; xảy ra chủ yếu ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh; nguyên nhân chủ yếu là do sự cố về điện. Trong giai đoạn này, toàn tỉnh xảy ra 2 vụ nổ, làm chết 2 người, nguyên nhân do rò rỉ khí gas.

So với cùng kỳ giai đoạn 2017 - 2019, tổng số vụ cháy giảm 14 vụ, số người chết, người bị thương không tăng, không giảm; thiệt hại tài sản giảm hơn 146 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng số vụ nổ tăng 2 vụ, tăng 2 người chết.

Thực trạng về nhà ở kết hợp hoạt động dịch vụ, sản xuất, kinh doanh ở đô thị phần lớn còn thiếu lối thoát nạn thứ 2 vẫn chưa được khắc phục.

Bên cạnh đó, vấn đề quy hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng PCCC có lúc, có nơi, có dự án mới, công trình cải tạo nâng cấp, chỉnh trang đô thị chưa thực hiện theo quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn PCCC, nhất là cơ sở hạ tầng PCCC về giao thông, cấp nước chữa cháy...

Vấn đề đầu tư trang bị phương tiện, dụng cụ cho công tác chữa cháy và CNCH còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đã tác động đến hiệu quả thực hiện công tác PCCC.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn nhiều khu vực hệ thống giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ xe chữa cháy và CNCH hoạt động do cầu, đường giao thông chật hẹp, xuống cấp… chưa được đầu tư. Mặc dù trên địa bàn tỉnh có gần 5.000 tuyến đường giao thông đô thị, giao thông nông thôn, giao thông liên khu vực.

Tuy nhiên, vẫn còn hơn 40% tuyến đường nông thôn, đường trong đô thị không đảm bảo chiều rộng tối thiểu 3,5 m, chiều cao tối thiểu 4,5 m cho xe chữa cháy, xe thang hoạt động; hơn 35% cây cầu không đảm bảo cho xe chữa cháy, xe thang di chuyển; hơn 60% tuyến đường giao thông nội ô, nội khu thường không có bãi đỗ xe cho xe làm nhiệm vụ khi có cháy, nổ, sự cố xảy ra…

Định kỳ hằng năm, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tổ chức kiểm tra trụ nước chữa cháy trên địa bàn tỉnh (toàn tỉnh có 281 trụ nước hoạt động, 43 trụ nước hư hỏng). Qua đó, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH  đã kiến nghị, đề xuất cơ quan chức năng có thẩm quyền kịp thời khắc phục, sửa chữa, bổ sung, lắp đặt mới trụ nước chữa cháy, góp phần bảo đảm nguồn nước chữa cháy trên địa bàn quản lý…

CẦN SỚM THÁO GỠ NHỮNG KHÓ KHĂN

Vừa qua, Đoàn công tác của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội do Trung tướng Đỗ Quang Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã đến làm việc với tỉnh Tiền Giang về giám sát việc thực hiện Nghị quyết 99 ngày 27-11-2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2020 - 2022.

Qua đó, Tiền Giang vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như kinh phí đầu tư cho công tác PCCC và CNCH chưa đáp ứng yêu cầu, thực thi nhiệm vụ trong thời gian qua, hiện nay và trong thời gian tới. Thực trạng phương tiện chữa cháy, CHCN và phương tiện thông tin liên lạc của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH còn cũ kỹ, lạc hậu, nhất là phương tiện chữa cháy.

Trung tướng Đỗ Quang Thành cho biết, nhiệm vụ của Đoàn là giám sát việc thực hiện Nghị quyết 99 của Quốc hội để tiếp tục chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện, đề xuất các giải pháp kiến nghị trong thời gian tới. Trung tướng Đỗ Quang Thành đã đánh giá cao những kết quả thực hiện Nghị quyết 99 của Quốc hội trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua.

Trong đó, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND cấp huyện, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, các tổ chức, cá nhân có cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ… Đặc biệt, HĐND tỉnh đã ban hành 2 Nghị quyết liên quan về tháo gỡ các khó khăn và hỗ trợ kinh phí liên quan đến PCCC. Tiền Giang đã có nhiều giải pháp tích cực để khắc phục những tồn tại trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 có hiệu lực.

Trung tướng Đỗ Quang Thành yêu cầu UBND tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả hơn Nghị quyết 99; rà soát và chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế mà Đoàn công tác đã chỉ ra, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến sự cố về điện trong PCCC; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao cảnh báo, nhất là công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực PCCC, góp phần kiềm giảm số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra.

Bên cạnh đó, tỉnh cần tăng cường nguồn lực, kinh phí cho công tác PCCC. Trong công tác quy hoạch, tỉnh cần quan tâm cơ sở hạ tầng PCCC, bổ sung quỹ đất, giao thông, nguồn nước để đáp ứng yêu cầu chung của tỉnh về công tác PCCC… Đoàn đã ghi nhận những bất cập, vướng mắc về mặt chính sách pháp luật để tổng hợp, báo cáo cấp thẩm quyền và các cơ quan có liên quan sớm chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý về PCCC.

VĂN THẢO

.
.
.