Ban Nội chính Trung ương nói về vụ ông Lưu Bình Nhưỡng, vụ thanh tra NHNN nhận hối lộ
Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao đã phối hợp chặt chẽ trong lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan tố tụng trung ương, nghiên cứu, phân tích đánh giá đúng tính chất, mức độ và bản chất sai phạm của các đối tượng.
Chiều 22/11, Ban Nội chính Trung ương đã thông báo kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo). Hai đồng chí Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương: Nguyễn Văn Yên và Đặng Văn Dũng chủ trì phiên họp.
Phân loại xử lý cán bộ thanh tra, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước trong vụ Vạn Thịnh Phát
Trả lời câu hỏi của phóng viên, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho biết, theo kết luận điều tra của Bộ Công an, tất cả các thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước liên quan vụ Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB dù ít dù nhiều đều có nhận tiền, nhận quà. Đặc biệt, Trưởng đoàn thanh tra đã nhận hơn 5,2 triệu USD.
“Đến thời điểm này, số tiền nhận hối lộ trên 5 triệu USD là vụ nhận hối lộ lớn nhất từ trước đến nay" - Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết và nhấn mạnh, quá trình điều tra vụ án đã được Ban Chỉ đạo Trung ương chỉ đạo sát sao, chặt chẽ, có hệ thống.
“Đặc biệt, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao đã phối hợp chặt chẽ trong lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan tố tụng trung ương, nghiên cứu, phân tích, đánh giá đúng tính chất, mức độ và bản chất sai phạm. Trong đó, đối với những trường hợp sai phạm nhận tiền lớn, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã bị khởi tố và đề nghị truy tố. Còn một số đối tượng thì cân nhắc tính chất, mức độ và đặc biệt nguyên nhân, bối cảnh nhận tiền. Nếu số tiền nhỏ, không có động cơ, nhận tiền vào dịp lễ, Tết thì không xem xét xử lý hình sự" – Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương nêu.
Theo Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên, Ban Chỉ đạo đã chỉ rõ phải nghiên cứu, đánh giá đặc trưng của tội "Đưa hối lộ". Giữa đưa và nhận phải có cam kết làm việc gì đó để có lợi cho bên đưa, hoặc không làm gì đó đem lại lợi ích cho bên đưa. Trong những trường hợp của đoàn kiểm tra, thanh tra có vi phạm đã được cân lên đặt xuống, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng; có một số đối tượng rơi vào tình cảnh không có thỏa thuận, không có cam kết, đòi hỏi, tiền nhận số lượng ít vào dịp lễ, Tết. Căn cứ vào chủ trương của Đảng về chính sách nhân đạo, xét giữa công và tội nên một số trường hợp như nêu trên không bị xử lý về hình sự nhưng sẽ xử lý nghiêm bằng kỷ luật đảng và xử lý hành chính. Đây là hình thức xử lý thấu tình đạt lý.
Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên trả lời câu hỏi của phóng viên. |
Về xử lý các đối tượng bỏ trốn, bị truy nã trong vụ Vạn Thịnh Phát, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho rằng, chủ trương xử lý các đối tượng bỏ trốn, truy nã được Ban Chỉ đạo chỉ đạo nhất quán và pháp luật Việt Nam cũng đã có quy định. "Với các đối tượng là người Việt, quốc tịch Việt Nam, có đủ căn cứ chứng minh rằng đã phạm tội, đủ căn cứ điều kiện để đưa ra xét xử thì tiếp tục quyết định xét xử vắng mặt. Đây là chủ trương thống nhất, không chỉ riêng với vụ án này, mà nhất quán với các vụ án" – Phó trưởng Ban Nội chính nêu rõ. Đồng thời cho biết thêm, để cụ thể chủ trương và quy định của luật, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, các cơ quan đang tích cực xây dựng cơ chế, chính sách để thực hiện thống nhất, nhưng cần phải có thời gian. Cơ chế này đang được nghiên cứu, tổng kết đánh giá và có thể sẽ rút ra những cơ chế như án lệ để sau này có vụ tương tự có thể xét xử.
Những vi phạm của ông Lưu Bình Nhưỡng phải xử lý nghiêm
Trả lời câu hỏi về trường hợp của ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban dân nguyện của Quốc hội bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình khởi tố, bắt tạm giam, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho biết, vụ ông Lưu Bình Nhưỡng chưa thuộc diện Ban Chỉ đạo chỉ đạo, xem xét. Hiện các cơ quan chức năng đang thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, theo đúng thẩm quyền.
"Đối với trường hợp của ông Lưu Bình Nhưỡng là người có nhiều ý kiến đóng góp ở các diễn đàn, những đóng góp tốt của ông Lưu Bình Nhưỡng chúng ta cần ghi nhận nhưng những vi phạm của ông Nhưỡng cũng phải xử lý nghiêm", Phó Ban Nội chính Trung ương nói và khẳng định, khi các cơ quan bảo vệ pháp luật đã quyết định xử lý thì phải có căn cứ. Pháp luật của chúng ta rất chặt chẽ, nhất là pháp luật về hình sự và tố tụng hình sự. Vì vậy, để quyết định khởi tố một vụ án, một bị can, đặc biệt là áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt tạm giam là đã đầy đủ tài liệu, chứng cứ.
Các đại biểu tại phiên họp. |
Bộ luật Tố tụng hình sự quy định hết sức chặt chẽ, không một cơ quan nào có thể tự thực hiện. Toàn bộ hoạt động của cơ quan điều tra được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp kiểm soát trực tiếp, toàn diện và chịu trách nhiệm về việc phê chuẩn. Theo Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên, người dân chưa hiểu thì có thể còn băn khoăn nhưng hãy tin vào kết quả điều tra của các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Trước đó ngày 14/11, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố, bắt giam ông Lưu Bình Nhưỡng, SN 1963, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội về tội "Cưỡng đoạt tài sản" quy định tại điều 170 Bộ luật Hình sự. Đây là kết quả điều tra mở rộng vụ án Phạm Minh Cường, (thường gọi là Cường “quắt”, là đối tượng hình sự, có 3 tiền án), trú tại xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy (Thái Bình) cưỡng đoạt tài sản của các cá nhân, doanh nghiệp trong hoạt động khai thác cát.
Theo Báo điện tử Công An Nhân Dân