Thứ Bảy, 11/11/2023, 09:53 (GMT+7)
.

Cần mạnh tay với " ma men"!

Đề xuất cấm tuyệt đối người "Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa trình Quốc hội sáng 10-11 đang nhận được ý kiến nhiều chiều.

Mỗi năm cả nước có gần 9.000 người tử vong, gần 30 nghìn người bị thương vì tai nạn giao thông, trong đó chủ yếu trong độ tuổi lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội. Đây là con số vô cùng đau thương. Trong đó, nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra do “ma men” cầm lái.

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn (Ảnh: PT)
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn (Ảnh: PT)

Khi uống rượu bia, người tham gia giao thông dù bất kỳ lý do gì đi nữa thì nguy hiểm luôn rình rập. Do say xỉn, nhiều người không kiểm soát được hành vi, kéo theo nhiều vi phạm khác là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông như vi phạm tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường…

Hiện tại, mức phạt vi phạm hành chính đối với hành vi uống rượu bia trước khi lái xe hiện nay không phải là thấp, thậm chí cao so với các nước trong khu vực. Cụ thể, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ), mức phạt đối với người uống rượu, bia lái xe là một trong những mức phạt tăng mạnh nhất. Mức phạt này dao động từ 80.000 đến 600.000 đồng (với người điều khiển xe đạp); Từ 6 đến 8 triệu đồng và bị xử phạt bổ sung tước giấy phép lái xe từ 10 đến 24 tháng (với người điều khiển xe gắn máy); Đối với ô tô, tài xế ô tô vi phạm quy định về nồng độ cồn có thể bị phạt tiền cao nhất tới 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 2 năm.

Trên thực tế, việc siết chặt kiểm tra tài xế say xỉn, mạnh tay xử phạt vi phạm nồng độ cồn đã góp phần thức tỉnh các "ma men".  Người dân cũng hình thành dần thói quen "đã uống rượu bia, không lái xe", góp phần giảm bớt số vụ TNGT. Vậy nhưng, nhiều người vẫn “tặc lưỡi” trước mỗi cuộc vui.

Mạnh tay hơn nữa với ma men, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa trình Quốc hội sáng 10-11 có đề xuất đáng chú ý là quy định cấm tuyệt đối người "Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Tuy nhiên, quy định này đang nhận được nhiều ý kiến nhiều chiều.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định trên. Bởi cho rằng, quy định như vậy là quá nghiêm khắc và chưa thực sự phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương. Nhóm ý kiến này đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế và quy định nồng độ cồn ở mức độ phù hợp đối với từng loại xe, đồng thời bảo đảm tính thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự.

Việc tăng chế tài xử phạt để tăng sự răn đe, cảnh tỉnh đối với người tham gia giao thông là cần thiết. Song do sẽ tác động rất lớn đến xã hội, nên đề xuất cấm tuyệt đối người "Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" cần phải xem xét thật kỹ lưỡng, thấu đáo.

Ngược lại, một số ý kiến nhất trí với quy định cấm tuyệt đối như dự thảo, vì cho rằng nội dung này đã được quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và thực tiễn thực hiện đã chứng minh tính hiệu quả.

Đương nhiên, cùng chế tài xử phạt nghiêm minh, vấn đề căn cốt và mang tính lâu dài chính là ý thức người tham gia giao thông. Mỗi người dân khi ra đường cần có ý thức tuân thủ pháp luật, tạo dựng thói quen giao thông văn minh, nhất là “đã uống rượu bia không lái xe”, “đã lái xe thì không uống rượu bia, để vừa bảo vệ an toàn tính mạng chính mình, vừa đảm bảo an toàn cho cộng đồng./.
 

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.