Đại án Việt Á: Hợp thức để thanh toán tiền cho Việt Á vượt hàng chục tỷ đồng
Viện Kiểm sát quân sự Trung ương đã ban hành cáo trạng truy tố 7 người trong đại án Công ty Việt Á (Việt Á) có liên quan tới các cựu sĩ quan Học viện Quân y. Quá trình tố tụng đã xác định thêm các sai phạm trong việc mua kit test Covid-19 để chống dịch tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và TPHCM.
“Nên bồi dưỡng cho lãnh đạo Học viện Quân y 10%”
Theo hồ sơ, giữa năm 2021, Trung tướng Đỗ Quyết (thời điểm đó là Giám đốc Học viện Quân y) lần lượt ký các kế hoạch để tổ chức trung tâm xét nghiệm dã chiến tham gia hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 tại Bắc Giang và Bắc Ninh.
Để triển khai, Đại tá Nguyễn Văn Hiệu (Trưởng phòng Trang bị vật tư) đã giao ông Lê Trường Minh (Trưởng ban Hóa học) liên hệ Hồ Anh Sơn (cựu Thượng tá, cựu Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược quân sự) nhờ giúp ứng kit test Covid-19 của Việt Á. Để có kinh phí đảm bảo mua các vật tư y tế, Trung tướng Đỗ Quyết đã ký công văn đề nghị đảm bảo nguồn kinh phí là hơn 19,3 tỷ đồng. Trong đó, hơn 7,2 tỷ đồng để mua 220 bộ kit test Covid-19 với giá 33 triệu đồng/bộ (khoảng 343.000 đồng/kit test), đồng thời cho phép Học viện Quân y thực hiện việc mua sắm vật tư y tế bằng hình thức chỉ định thầu.
Phan Quốc Việt và Hồ Anh Sơn. |
Tuy nhiên, đề nghị là một chuyện, nhưng Học viện Quân y đã không thực hiện việc chỉ định thầu mà ứng kit test Covid-19 trước và hợp thức hồ sơ chỉ định thầu sau. Để thanh toán cho số kit test đã ứng, ông Nguyễn Văn Hiệu đã chỉ đạo Lê Trường Minh soạn 2 bộ hồ sơ hợp thức để chỉ định thầu cho Việt Á. Thời gian soạn thảo các hồ sơ đều sau ngày ghi trong văn bản, nhưng đề ngày trước cho phù hợp với thời gian Học viện Quân y ứng kit test của Việt Á.
Học viện Quân y sau đó thanh toán cho Việt Á thông qua 2 hợp đồng (một hợp đồng mua 114 bộ kit test với giá 470.000 đồng/kit test và hợp đồng mua 97 bộ kit test). Tổng số kit test Covid-19 mà Học viện Quân y đã ứng của Việt Á là 211 bộ. Sau đó, học viện làm hồ sơ hợp thức để thanh toán tiền cho Việt Á theo 2 hợp đồng trên với giá 45,1 triệu đồng/bộ (giá cao hơn báo cáo là 12 triệu đồng/bộ). Do đó, tổng số tiền trả cho số kit test Covid-19 đã ứng tại 2 địa phương trên là hơn 9,5 tỷ đồng (cao hơn số tiền Bộ Quốc phòng cho phép là hơn 2,2 tỷ đồng).
Sau khi nhận được tiền, cấp dưới của Phan Quốc Việt là Vũ Đình Hiệp cho rằng phải trích phần trăm hoa hồng cho Học viện Quân y. Từ đó, Việt chỉ đạo chi 20% giá trị hợp đồng trước thuế, trong đó riêng Hồ Anh Sơn nhận 5%; số còn lại, Việt bảo Hiệp liên hệ với Sơn để “tham khảo”. Hiệp được Sơn “tư vấn” nên bồi dưỡng cho ông Hiệu và lãnh đạo Học viện Quân y 10%. Phan Quốc Việt nhất trí và yêu cầu Hiệp thực hiện.
Ngày 6-8-2021, Hiệp mang tiền đến Học viện Quân y đưa cho Sơn 344 triệu đồng, Ngô Anh Tuấn (Trưởng phòng Tài chính Học viện Quân y) 148 triệu đồng và Nguyễn Văn Hiệu 492 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, Hiệu đã đưa cho Thiếu tướng Hoàng Văn Lương (Phó Giám đốc Học viện Quân y) 50 triệu đồng, Hồ Anh Sơn 50 triệu đồng. Khi đưa tiền, Hiệu nói là quà do các công ty bán vật tư y tế phòng, chống dịch bồi dưỡng, số tiền còn lại Hiệu sử dụng chi tiêu cá nhân.
Chi tiền cảm ơn sau mỗi bản hợp đồng
Thời điểm tháng 7-2021, dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở TPHCM, Trung tướng Đỗ Quyết lần lượt ký các kế hoạch để tổ chức các phòng xét nghiệm dã chiến và tăng cường lực lượng hỗ trợ cho TPHCM. Để có vật tư y tế, Nguyễn Văn Hiệu tiếp tục chỉ đạo Lê Trường Minh liên hệ với Việt Á để ứng kit test Covid-19.
Lần này, nguồn kinh phí được duyệt để triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phòng chống dịch, trong đó có hơn 17,5 tỷ đồng để mua 390 bộ kit test của Việt Á với giá 470.000 đồng/kit test. Cũng như 2 địa phương trên, để thanh toán số kit test đã ứng của Việt Á, Hiệu tiếp tục chỉ đạo Minh làm hồ sơ hợp thức chỉ định thầu để Học viện Quân y mua hàng bằng 2 hợp đồng. Trong đó, cơ quan công tố xác định số tiền cao hơn báo cáo Bộ Quốc phòng là hơn 14,6 tỷ đồng.
Sau khi nhận được tiền thanh toán 2 hợp đồng, Phan Quốc Việt chỉ đạo Vũ Đình Hiệp mang tiền đến Học viện Quân y đưa cho Hiệu hơn 3 tỷ đồng, đưa cho Hồ Anh Sơn hơn 2,1 tỷ đồng, đưa cho Ngô Anh Tuấn 921 triệu đồng. Cáo trạng quy kết, sau khi nhận tiền của Hiệp, Hiệu đã đưa tiền cho Trung tướng Nguyễn Viết Lượng (Chính ủy Học viện Quân y) 200 triệu đồng; đưa cho Thiếu tướng Hoàng Văn Lương 100 triệu đồng và đưa cho Ngô Anh Tuấn 300 triệu đồng. Tổng số tiền Hiệp chi phần trăm hoa hồng cho một số cán bộ Học viện Quân y là hơn 7,1 tỷ đồng. Sau khi Việt Á bị điều tra, các cá nhân trên lần lượt mang tiền nộp lại, có những người không nhớ nhận bao nhiêu và nộp thừa.
Cơ quan tố tụng cho rằng, trên thực tế Học viện Quân y đã ký hợp đồng và thanh toán cho Việt Á số tiền hơn 41,7 tỷ đồng so với con số mà Bộ Quốc phòng cấp ngân sách là hơn 24,6 tỷ đồng.
Theo viện kiểm sát, hành vi của Trung tướng Đỗ Quyết, Thiếu tướng Hoàng Văn Lương do tin tưởng cấp dưới trong nghiên cứu thực hiện đề tài và đấu thầu mua kit test nên "chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm của cấp dưới".
Viện kiểm sát đánh giá, hành vi của các cá nhân trên có dấu hiệu tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Tuy nhiên do thời hạn điều tra vụ án đã hết nên Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng tách hành vi sai phạm của những người này để thu thập thêm tài liệu, chứng cứ, đánh giá mức độ sai phạm. |
“Do động cơ vụ lợi cá nhân nên Trịnh Thanh Hùng, Hồ Anh Sơn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thống nhất với Phan Quốc Việt gian dối trong giao, nghiên cứu, nghiệm thu, quyết toán đề tài. Bên cạnh là sự buông lỏng trong công tác giao, quản lý, nghiệm thu, quyết toán đề tài của Học viện Quân y, Bộ KH-CN; sự buông lỏng, vi phạm pháp luật của Bộ Y tế trong cấp phép lưu hành sản phẩm của đề tài. Do động cơ vụ lợi cá nhân nên Phan Quốc Việt, Nguyễn Văn Hiệu, Ngô Anh Tuấn đã cùng với Lê Trường Minh, Vũ Đình Hiệp vi phạm những quy định nghiêm cấm của pháp luật về đấu thầu trong chỉ định thầu mua kit test Covid-19 trong phòng, chống dịch. Bên cạnh đó là sự thiếu sâu sát trong công tác quản lý, kiểm soát việc đấu thầu mua kit test Covid-19 của Học viện Quân y”, cáo trạng nêu. |
(Theo sggp.org.vn)