Thứ Tư, 06/12/2023, 13:26 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy

Với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng với việc triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu của ngành chức năng và sự tham gia phối hợp tích cực của người dân, công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung đã có nhiều chuyển biến tích cực.

 Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh Tiền Giang  tuyên truyền,  trải nghiệm,  thực hành  chữa cháy và CNCH cho  giáo viên,  học sinh,  sinh viên và người dân.
Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh Tiền Giang tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành chữa cháy và CNCH cho giáo viên, học sinh, sinh viên và người dân.

Theo Bộ Công an, 10 tháng năm 2023, toàn quốc xảy ra 2.927 vụ cháy và sự cố cháy (trong đó có 1.616 vụ cháy, 1.311 vụ sự cố cháy), làm chết 134 người, làm bị thương 101 người; xảy ra 10 vụ nổ, làm chết 5 người, bị thương 18 người.

Về tài sản ước tính thiệt hại 229,75 tỷ đồng và 207 ha rừng. Về địa bàn xảy ra cháy, thành thị chiếm 66,2% số vụ, nông thôn chiếm 38,2% số vụ, đa phần là cháy nhà dân (chiếm 33,3%). Nguyên nhân các vụ cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện (chiếm 61,6%)… Riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, xảy ra 9 vụ cháy, làm thiệt hại khoảng 11 tỷ đồng, không thiệt hại về người, giảm 31%.

Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH , Công an tỉnh Tiền Giang, một trong những nguyên nhân gây ra các vụ cháy chủ yếu là do sự chủ quan, thiếu quan tâm đến công tác phòng ngừa cháy, nổ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình…

Lực lượng PCCC&CNCH, Công an tỉnh Tiền Giang tham gia chữa cháy, cứu nạn cứu hộ trong một vụ cháy ở TP. Mỹ Tho.
Lực lượng PCCC&CNCH, Công an tỉnh Tiền Giang tham gia chữa cháy, cứu nạn cứu hộ trong một vụ cháy ở TP. Mỹ Tho.

Trong đó, nguyên nhân dễ xảy ra cháy nhất là do sử dụng điện không đúng cách. Cụ thể, nếu sử dụng các thiết bị điện vượt quá công suất định mức của dây dẫn sẽ rất dễ gây nóng dây, chập điện dẫn đến cháy, nổ. Đặc biệt, trong mùa mưa bão hay những ngày nắng nóng khi thường xuyên sử dụng các thiết bị làm mát sẽ gây quá tải điện…

Bên cạnh đó, còn có các nguyên nhân phổ biến dẫn đến cháy, nổ trong hộ dân như không kiểm tra định kỳ các thiết bị điện; sử dụng bếp gas chưa đúng cách (khóa gas sau khi nấu ăn, đun nấu không người trông coi, dây dẫn bình gas bị rò rỉ gas, bình gas cũ không đảm bảo an toàn cho người dùng…); sạc thiết bị điện qua đêm (sạc điện thoại, sạc xe điện qua đêm hoặc vừa sạc, vừa sử dụng…); gia công kim loại và thợ hàn không đảm bảo đúng kỹ thuật…

Toàn tỉnh Tiền Giang hiện đã xây dựng 1.022 Tổ liên gia an toàn về PCCC; xây dựng, nhân rộng và ra mắt 222 điểm chữa cháy công cộng; hướng dẫn 2.709 nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh từ 2 tầng trở lên chưa có lối thoát nạn thứ 2 mở lối thoát nạn thứ 2.

Tập huấn kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH cho hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh 342.119 hộ, vận động 468.452 hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trang bị bình chữa cháy xách tay và dụng cụ phá dỡ thô sơ; qua vận động, có 246.459 hộ đã trang bị bình chữa cháy xách tay.

Thượng tá Nguyễn Văn Nam, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, ý nghĩa của việc PCCC chính là giúp ngăn chặn các vụ cháy, nổ xảy ra. Mọi người có thể hiểu rõ những nguyên nhân dẫn đến cháy, cách hạn chế thấp nhất xảy ra cháy lan, cháy lớn, dập lửa đúng cách để không bùng phát, lan rộng.

Bằng cách tìm hiểu kỹ các biện pháp PCCC, mọi người có thể tránh được những trường hợp xấu xảy ra, đặc biệt trong tình huống nguy cấp vẫn có thể giảm thiệt hại về người và tài sản của cá nhân, tổ chức, cộng đồng xã hội. Bên cạnh đó, nếu mọi người có kiến thức, sự am hiểu về PCCC thì sẽ giúp ngăn chặn kẻ xấu lợi dụng cơ hội cháy, nổ để vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của người khác.

Công tác PCCC&CNCH không chỉ dừng lại ở việc xử lý sau khi xảy ra sự cố, mà phải hết sức coi trọng công tác phòng ngừa, lấy phòng ngừa là chính, từ đó giảm số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, nhất là về con người.

Tập huấn kỹ năng PCCC cho người dân.
Tập huấn kỹ năng PCCC cho người dân.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Nam, để làm được những điều trên, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn thực hiện công tác PCCC&CNCH trên địa bàn tỉnh; kiến nghị khắc phục các vi phạm, thiếu sót đối với công trình chưa bảo đảm an toàn PCCC; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật về PCCC.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong công tác PCCC&CNCH; đề xuất khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về PCCC&CNCH trên địa bàn tỉnh. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện và các điều kiện để ứng phó kịp thời khi có sự cố cháy, nổ, tai nạn xảy ra, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Thượng tá Nguyễn Văn Nam cũng lưu ý cần chủ động xây dựng các phương án PCCC&CNCH, xử lý các tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn, bảo đảm nhanh, kịp thời, hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ), nòng cốt là lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở. Vận động người dân nâng cao cảnh giác, chấp hành nghiêm các biện pháp phòng ngừa, ứng phó kịp thời và chống cháy, nổ một cách hiệu quả nhất.

Có thể nói, công tác PCCC&CNCH là một trong những nhiệm vụ không chỉ của lực lượng PCCC, mà còn đòi hỏi cần có sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, sự phối hợp của các ngành, địa phương, sự tham gia tích cực của người dân và của toàn xã hội. Có như thế, mới có thể giảm thiểu tối đa những thiệt hại do cháy, nổ gây ra, góp phần bảo vệ tính mạng con người và phát triển kinh tế - xã hội.

TUẤN LÂM

.
.
.