Vạch trần chân tướng của người tự xưng "Đại đức Thích Tâm Phúc" vừa bị bắt
Khoác pháp phục tu hành, xưng là Đại đức Thích Tâm Phúc, ông Nguyễn Minh Phúc khuấy động mạng xã hội, ảnh hưởng đến hình ảnh Phật giáo.
Chân tướng của ông Nguyễn Minh Phúc, người tự xưng là Đại Đức Thích Tâm Phúc đã bị bóc trần từ hơn 2 năm nay. Tuy nhiên, ông Phúc vẫn đi khắp nơi, vận pháp phục tu hành để gây ồn ào.
Ông Nguyễn Minh Phúc bị khởi tố, bắt tạm giam vào chiều 6/12. Ảnh: CA |
Chiều tối 6/12, Cơ quan CSĐT Công an huyện Củ Chi đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Minh Phúc (40 tuổi, ngụ ở địa phương) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
Ồn ào mạng xã hội và sự thật về người tự xưng Đại đức Thích Tâm Phúc
Vài năm trở lại đây, ông Nguyễn Minh Phúc không còn xa lạ, khi xuất hiện nhiều clip trên các nền tảng mạng xã hội. Trong các clip đó, ông Phúc phần lớn là khoác pháp phục tu hành, tự xưng là Đại đức Thích Tâm Phúc, là trụ trì chùa Hoằng Pháp Trung ương ở Củ Chi.
Ông Phúc xuất hiện với những hình ảnh, hành động, phát ngôn gây sốc, tục tĩu, trái với truyền thống Phật giáo Việt Nam, xúc phạm tôn giáo.
Hơn 2 năm nay, cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh, bóc trần chân tướng của ông Nguyễn Minh Phúc.
Cụ thể, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Củ Chi đã làm rõ, ông Phúc là người giả danh tu sĩ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Danh xưng “Đại đức Thích Tâm Phúc” là do ông tự nhận.
Giai đoạn năm 2000 – 2010 ông Phúc từng theo học tại 1 ngôi chùa ở huyện Hóc Môn, chỉ mới làm lễ quy y, chưa xuất gia. Sau khoảng thời gian đó, ông Phúc quay trở về địa phương, tự lập “chùa Hoằng Pháp Trung ương” và xưng là Đại Đức Thích Tâm Phúc.
Các loại giấy tờ như chứng điệp thọ giới, giấy chứng nhận tăng ni, quyết định bổ nhiệm trụ trì “chùa Hoằng Pháp Trung ương”… mang tên “Đại đức Thích Tâm Phúc”, được làm rõ là giả mạo, được cắt ghép, sao chụp ảnh chữ ký của lãnh đạo và khuôn dấu của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Ông Nguyễn Minh Phúc từng xuất hiện trên các clip khoe nhiều huân, huy chương, bằng khen của lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ. Các cơ quan chức năng cũng khẳng định, ông Phúc làm giả giấy tờ.
Còn nơi tự xưng “chùa Hoằng Pháp Trung ương”, ở địa chỉ số 174/13A ấp Láng Cát, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, đã được xác minh, chỉ là nhà ở, không phải cơ sở thờ tự tôn giáo.
Địa chỉ này, trước đây có đăng ký 6 doanh nghiệp do ông Nguyễn Minh Phúc làm người đại diện pháp luật. Tuy nhiên, các công ty không có hoạt động nên Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã quyết định thu hồi giấy phép.
Lý do bị bắt
Sau khi bị bóc trần, ông Nguyễn Minh Phúc có giai đoạn yên ắng nhưng chỉ một thời gian, lại gây ồn ào trên mạng xã hội.
Thậm chí, giữa tháng 7 vừa qua, ông Phúc xuất hiện tại 1 tụ điểm ăn chơi ở quận Gò Vấp. Khi kiểm tra hành chính, công an địa phương đưa ông Phúc về làm việc. Qua xác định, ông Phúc không có vi phạm nên được ra về. Dù thế, việc ông Phúc khoác pháp phục tu hành có mặt tại 1 địa điểm ăn chơi, lại khiến cho nhiều người bức xúc.
Từng chia sẻ với PV VietNamNet, Thượng toạ Thích Tâm Hải - Trưởng ban Thông tin - Truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM bày tỏ: “Ông Phúc được một số YouTuber, TikToker khai thác trên mạng xã hội liên tục trong nhiều năm qua, dù Giáo hội Phật giáo đã phản ánh, cùng với các hành vi làm giả giấy tờ. Nếu tình trạng này tiếp diễn sẽ làm loạn thêm cho mạng xã hội, giống như một cách dung túng cho hành vi làm tổn thương, ảnh hưởng tới tôn giáo”.
Im ắng thêm một thời gian, nhiều người ngỡ là ông Phúc đã quay đầu. Nhưng bất ngờ, chiều tối 6/12 Cơ quan CSĐT Công an huyện Củ Chi đã thông tin, đã khởi tố bị can và bắt giữ Nguyễn Minh Phúc về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Khoảng thời gian im ắng vừa rồi, thực chất, ông Phúc đã bỏ trốn đi nước ngoài khi thấy hành vi bị phát giác. Khi tình hình lắng dịu, ông Phúc quay về thì bị bắt giữ.
Cơ quan điều tra xác định, từ năm 2021 ông Phúc nhận làm dịch vụ cho bà L.T.H.T (50 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) để làm thủ tục tách thửa lô đất hơn 420m2 mà bà này mua ở xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi.
Ông Phúc nhận làm với giá 135 triệu đồng và đã nhận trước 70 triệu cùng giấy tờ gốc của thửa đất.
Nhưng sau đó, ông Phúc lên mạng xã hội tìm và thuê người làm giả 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Phúc có giao 1 giấy tờ giả cho bà T., giấy tờ giả còn lại cùng giấy tờ gốc của thửa đất thì ông Phúc không giao, cất giữ tại nhà, chờ bà T. giao 65 triệu đồng còn lại mới đưa.
Công an huyện Củ Chi đang tiếp tục mở rộng điều tra về các hành vi của ông Nguyễn Minh Phúc.
Theo VietNamNet