Thứ Bảy, 03/02/2024, 08:53 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Điểm sáng trong công tác phòng, chống ma túy

Hậu quả do tệ nạn ma túy gây ra hết sức nặng nề đến đời sống, xã hội, gia đình và là vấn đề gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự. Do đó, công tác phòng, chống, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy luôn được Công an tỉnh Tiền Giang đặc biệt quan tâm, thực hiện quyết liệt nhằm từng bước kiềm chế, kiểm soát, kéo giảm đối với tội phạm và tệ nạn này trên địa bàn tỉnh.

ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN

Thời gian qua, công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đã huy động sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia.

Trao tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm, trong đó có tội phạm ma túy.
Trao tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm, trong đó có tội phạm ma túy.

Công tác tuyên truyền, vận động phòng, chống ma túy ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất hơn, tập trung vào những địa bàn, đối tượng trọng điểm, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị, xã hội và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân đối với công tác phòng, chống ma túy.

Cụ thể, mặt trận và đoàn thể các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, vận động 22.422 cuộc, có 849.582 lượt người tham dự. Tiến hành khảo sát, lập danh sách 843 hộ có dấu hiệu tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy; tập trung tuyên truyền, vận động 102/843 hộ tiến bộ.

Qua tuyên truyền, nhân dân đã cung cấp 399 nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng Công an triệt xóa 262 vụ mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép các chất ma túy, bắt xử lý 991 đối tượng; vận động, cảm hóa, giáo dục 428 đối tượng có dấu hiệu vi phạm về ma túy, giúp cảm hóa tiến bộ 109 đối tượng, giới thiệu việc làm cho 4 đối tượng.

Đặc biệt, duy trì phát huy hiệu quả các mô hình, gồm: 59 Khu nhà trọ công nhân tự quản và 59 tổ hòa giải; “Tổ phụ nữ không có người thân phạm tội và tệ nạn xã hội”; “Tổ phụ nữ vận động chồng con, người thân đi cai nghiện ma túy và không tái nghiện”; Câu lạc bộ “Phòng, chống ma túy từ gia đình”, “Ánh sáng phòng, chống tội phạm”, “Camera phòng, chống tội phạm”…

Đối với ngành Giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường học, trung tâm trực thuộc tổ chức tuyên truyền 1.312 cuộc ở 123 trường THCS, 38 trường THPT, 167 trường tiểu học với trên 1,2 ngàn lượt giáo viên, học sinh dự. Phối hợp Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tổ chức tuyên truyền, tập huấn bồi dưỡng kỹ năng phòng, chống ma túy cho 3.000 học sinh THPT và cán bộ, giáo viên ở 11 huyện, thành phố, thị xã của tỉnh.

Tại khu vực biên giới biển, Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy trong nội bộ cơ quan, trường học và nhân dân, chú trọng các địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự xã hội khu vực biên giới biển cho 2.163 lượt cán bộ, chiến sĩ, học sinh và nhân dân dự. Qua đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ 12 vụ với 32 đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy; tang vật thu giữ 745,86 gram ma túy dạng đá, 189 viên thuốc lắc…

Bên cạnh đó, ngành Công an phối hợp với các ngành, đoàn thể cùng cấp tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, nhất là Luật Phòng, chống ma túy đến cán bộ, công chức, viên chức, Lực lượng vũ trang và nhân dân nắm, hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong phòng, chống ma túy, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Lực lượng Công an tổ chức các buổi tuyên truyền hoặc thông qua mạng Internet, mạng xã hội, trang Zalo, trang thông tin điện tử Công an tỉnh Tiền Giang… Qua công tác tuyên truyền đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân, ý thức tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy trong nhân dân ngày càng cao.

Cụ thể, ngành Công an tổ chức đấu tranh phát hiện, bắt giữ 198 vụ với 236 đối tượng phạm tội về ma túy; 2.096 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy và 6 đối tượng vi phạm hoạt động kinh doanh để xảy ra sử dụng trái phép chất ma túy trong khu vực mình quản lý.

Tang vật thu giữ trên 3.278 gram ma túy các loại, 58 viên ma túy các loại, tiền Việt Nam số lượng trên 1,223 tỷ đồng và nhiều tang vật có liên quan đến hành vi mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy. Viện Kiểm sát nhân dân các cấp thụ lý 155 vụ, 209 bị can; kết quả đã truy tố 155 vụ, 209 bị can (đạt 100%). Tòa án nhân dân các cấp thụ lý 186 vụ, 255 bị cáo; kết quả giải quyết 148 vụ, 199 bị cáo (đạt 79,56%).

Với sự đấu tranh quyết liệt của các lực lượng chức năng, đến nay toàn tỉnh Tiền Giang chỉ còn 1.103 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, đưa ra khỏi danh sách quản lý 1.128 người sử dụng trái phép chất ma túy; 1.728 người nghiện ma túy. Lập 1.313 hồ sơ quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, 723 hồ sơ đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc.

Có thể nói, những kết quả đạt được đã khẳng định sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, quyết liệt của các cấp ủy đảng, sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân trong thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.

KIÊN QUYẾT VỚI CÁI “CHẾT TRẮNG”

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác phòng, chống, đấu tranh với tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Dự báo thời gian tới, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, với sự xuất hiện của nhiều loại ma túy tổng hợp mới, không có quy định trong danh mục cấm của Chính phủ, khi sử dụng ma túy sẽ gây ảo giác, loạn thần, “ngáo đá” dẫn đến vi phạm pháp luật.

Các đối tượng nghiện ma túy lợi dụng các địa bàn giáp ranh, các khu vực tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự (nhà trọ, khách sạn, quán karaoke…) để hoạt động mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng và sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng.  Đây là nguy cơ tiềm ẩn phát sinh tội phạm hình sự như trộm cắp, cướp giật tài sản, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích... làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.

Trước vấn đề trên, trong thời gian tới, các ngành, các cấp cần làm tốt công tác phòng ngừa xã hội từ cộng đồng, gia đình và ngay từ cơ sở; thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy với những nội dung, hình thức phù hợp với từng đối tượng, khu vực, địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy; phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, vận động nhân dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm và tệ nạn ma túy.

Đặc biệt là tham gia quản lý, cảm hóa, giáo dục cải tạo người phạm tội và người nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng dân cư. Lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng, chống ma túy vào các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các chương trình mục tiêu khác Ngành Giáo dục tăng cường giáo dục phòng, chống ma túy trong học sinh, sinh viên; đưa nội dung giáo dục phòng, chống ma túy vào chương trình chính khóa, ngoại khóa của các cấp học, ngành học, thường xuyên cải tiến nội dung nhằm làm cho học sinh, sinh viên hiểu biết cơ bản về tác hại của ma túy và cách phòng tránh. Tổ chức các hòm thư và giáo dục, động viên học sinh, sinh viên tự giác, tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm và người nghiện ma túy.

Mặt khác, có biện pháp động viên, yêu cầu gia đình có trách nhiệm trong việc quản lý, cảm hóa, giáo dục cải tạo người phạm tội, người nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng dân cư không để sa vào tội phạm và tệ nạn ma túy.

Riêng đối với ngành Công an, các lực lượng nắm rõ, phân tích, dự báo tình hình, chủ động tham mưu đề xuất cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện các biện pháp trong đấu tranh phòng, chống ma túy trên địa bàn. Các đơn vị tăng cường những biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, kết hợp chặt chẽ với phòng ngừa xã hội; tập trung đánh trúng, đánh mạnh các đường dây, điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy; điều tra xử lý nghiêm tội phạm ma túy theo quy định của pháp luật.

Song song đó, ngành Công an duy trì và thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Công an - Bộ đội Biên phòng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy tuyến biên giới biển. Phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về ma túy, đảm bảo kịp thời, nghiêm minh nhằm giáo dục phòng ngừa, răn đe tội phạm.

Đặc biệt, các lực lượng tăng cường công tác kiểm tra các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự như vũ trường, quán bar, karaoke, nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ... không để tội phạm lợi dụng mua bán, sản xuất, tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy.

Đặc biệt, các ngành chức năng rà soát, thống kê, lên danh sách các đối tượng nghiện ma túy, sử dụng trái phép chất ma túy; lập hồ sơ áp dụng các biện pháp cai nghiện ma túy phù hợp theo quy định hiện hành.

Tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng nghiện ma túy; giải quyết các vấn đề xã hội cho đối tượng sau cai nghiện, làm giảm tỷ lệ tái nghiện, hạn chế phát sinh người nghiện ma túy mới. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể, gia đình, nhà trường và xã hội trong quản lý, giáo dục, cảm hóa đối tượng vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư.

Với sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục chuyển biến tích cực hơn nữa, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.

LONG GIANG

.
.
.