Trách nhiệm của một số cá nhân tại Ủy ban chứng khoán Nhà nước trong vụ án Trịnh Văn Quyết?
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) xác định, các cá nhân tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Giám sát công ty đại chúng, Trung tâm Lưu ký chứng khoán có liên quan tới hành vi vi phạm pháp luật của Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC - Tập đoàn FLC).
Ông Lê Công Điền - Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. |
Những nội dung được C01 điều tra bổ sung
Vào cuối tháng 10-2023, C01 ra bản kết luận điều tra bổ sung vụ án hình sự liên quan tới hành vi thao túng thị trường chứng khoán của Trịnh Văn Quyết, đồng thời đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố 21 bị can. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu hồ sơ, cách đây hơn 1 tháng, cơ quan công tố quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Tới nay, C01 đã ban hành kết luận điều tra bổ sung và đề nghị truy tố 51 bị can.
Các nội dung được C01 điều tra làm rõ trong bản kết luận điều tra bổ sung gồm: xem xét, đánh giá căn cứ đề nghị truy tố hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán” liên quan đến mã cổ phiếu AMD.
Xem xét, xử lý trách nhiệm của các cá nhân thuộc HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán BOS trong việc cho phép cấp hạn mức sức mua đầu ngày cho các tài khoản chứng khoán, tạo điều kiện để Trịnh Thị Minh Huế (em gái Quyết) quản lý, sử dụng, thực hiện hành vi giúp sức cho Trịnh Văn Quyết phạm tội; các cá nhân thuộc Phòng Quản trị rủi ro, Phòng Công nghệ thông tin, Công ty cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty chứng khoán khác thực hiện hành vi trái pháp luật, tạo điều kiện để Trịnh Thị Minh Huế thực hiện hành vi giúp sức Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm thao túng thị trường chứng khoán
C01 làm rõ để xem xét, xử lý các đối tượng có hành vi trái pháp luật trong việc tham mưu, đề xuất, chấp thuận về vốn góp chủ sở hữu, cổ đông để Công ty cổ phần Xây dựng Faros là công ty đại chúng; được đăng ký, lưu ký chứng khoán; được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Từ đó tạo điều kiện để Trịnh Văn Quyết và đồng phạm bán cổ phiếu trên sàn chứng khoán chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.
Làm rõ các nội dung chưa thống nhất trong kết luận giám định để phục vụ xử lý vụ án; trưng cầu giám định bổ sung để giám định khôi phục toàn bộ dữ liệu điện tử đã xóa trong điện thoại thu giữ của các bị can Trịnh Văn Quyết, Hương Trần Kiều Dung, Nguyễn Quỳnh Anh...
Làm rõ để xem xét, xử lý trách nhiệm của các cá nhân là thành viên các đoàn kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động của các công ty chứng khoán và việc niêm yết cổ phiếu của Công ty cổ phần Xây dựng Faros trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM. Xem xét toàn diện, đầy đủ các nội dung trình bày, đề nghị, yêu cầu, khiếu nại của người bị hại, các luật sư, bị can và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Tiếp tục xác minh việc sử dụng tiền chiếm đoạt, thu lợi bất chính từ hành vi phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thao túng thị trường chứng khoán” để thu hồi; xác minh, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản đối với các bị can để đảm bảo thi hành án.
C01 cũng tách hành vi của đối tượng Trần Văn Toản (quân nhân, liên quan đến tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Trịnh Văn Quyết) chuyển Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng và Viện kiểm sát Quân sự Trung ương để xử lý theo thẩm quyền.
C01 khám xét Tập đoàn FLC. |
Sợ bị ảnh hưởng tới bản thân, biết sai vẫn làm?
Trong số 51 bị can bị đề nghị truy tố sau khi ban hành kết luận điều tra bổ sung, C01 xác định các cá nhân thuộc Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Vụ Giám sát công ty đại chúng, Trung tâm Lưu ký chứng khoán có liên quan tới hành vi của Trịnh Văn Quyết.
Đầu tiên là bị can Lê Công Điền (Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), với vai trò của mình, ông Điền có chức năng thẩm định, chấp thuận hồ sơ đăng ký công ty đại chúng và kiểm soát chất lượng của các đơn vị kiểm toán cho các công ty có lợi ích công chúng của Công ty cổ phần Xây dựng Faros (Faros). Quá trình thực hiện, ông Điền phát hiện hồ sơ đăng ký của Faros không đủ cơ sở để xác định số vốn thực góp, các báo cáo kiểm toán không đúng phát luật về kiểm toán vì không đủ cơ sở để đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần.
Tuy vậy, ông Điền không thực hiện kiểm tra, xử lý đối với công ty kiểm toán, thu hồi báo cáo kiểm toán mà chỉ ký vào văn bản của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc chấp thuận hồ sơ đăng ký công ty đại chúng đối với Faros. Sau đó công bố trên phương tiện thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc chấp thuận hồ sơ đăng ký công ty đại chúng đối với Faros có vốn điều lệ là 4.300 tỷ đồng. Từ đó, Trịnh Văn Quyết và đồng phạm lợi dụng để thực hiện việc đăng ký lưu ký, đăng ký niêm yết 430 triệu cổ phiếu để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Sau khi bị khởi tố, ông Lê Công Điền thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội, và cho rằng, nguyên nhân là do Faros là công ty lớn, Trịnh Văn Quyết có nhiều mối quan hệ với lãnh đạo các cấp, sở hữu 1 công ty chuyên tư vấn pháp luật. Khi thẩm định hồ sơ, ông Điền đã yêu cầu cung cấp thêm bằng chứng về việc góp vốn nhưng bị doanh nghiệp của ông Trịnh Văn Quyết 2 lần có đơn khiếu nại vì cho rằng ông Điền làm vượt thẩm quyền, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
“Do lo sợ, ảnh hưởng đến công việc của bản thân nên ông Điền biết sai vẫn làm. Hành vi của ông Lê Công Điền đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”, quy định tại khoản 2 điều 209 Bộ luật Hình sự năm 2015”, bản kết luận điều tra bổ sung nêu. |
Trong vụ án, đối với các bị can tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cũng bị xác định có sai phạm. Cụ thể, bị can Dương Văn Thanh (Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam) khi nhận được hồ sơ đề nghị đăng ký, lưu ký 430 triệu cổ phiếu với giá trị vốn góp là 4.300 tỷ đồng của Faros, ông Thanh biết rõ hồ sơ đăng ký, lưu ký chứng khoán của Faros “chưa đủ cơ sở để xác định số vốn thực góp” và các tài liệu có trong hồ sơ đề nghị đăng ký, lưu ký nhưng Dương Văn Thanh vẫn ký, cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán có nội dung “Công ty cổ phần Xây dựng Faros, vốn điều lệ hơn 4.300 tỷ đồng; đã đăng ký chứng khoán và được cấp mã chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam kể từ ngày 24-8-2016” và thông báo đến các thành viên lưu ký (các công ty chứng khoán) để Trịnh Văn Quyết và đồng phạm sử dụng làm điều kiện để đăng ký niêm yết 430 triệu cổ phiếu, thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Với hành vi của mình, bị can Dương Văn Thanh đã thừa nhận trước C01. Cấp dưới của ông Thanh là Phạm Trung Minh (Trưởng phòng Đăng ký chứng khoán thuộc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam) cũng thừa nhận hành vi vi phạm.
(Theo sggp.org.vn)