Thứ Tư, 20/03/2024, 17:10 (GMT+7)
.

Nhận diện các loại ma túy "núp bóng"

(ABO) Năm 2023, tình hình mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy “núp bóng” dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, thảo mộc (cỏ Mỹ)... và “bóng cười ” trên địa bàn cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp. Số vụ, đối tượng, tang vật bị phát hiện, bắt giữ, khởi tố về ma túy “núp bóng” tăng mạnh, nhiều loại mới xuất hiện với phương thức, thủ đoạn mới, ngày càng tỉnh vi. Tình trạng mua bán, sử dụng “bóng cười”, nhất là tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện và nhạy cảm về an ninh trật tự như quán bar, karaoke, nhà nghỉ, khách sạn... tiếp tục diễn biến rất phức tạp.

Để làm tốt công tác phối hợp tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn và cách nhận biết ma túy “núp bóng” dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, thảo mộc (cỏ Mỹ)... và “bóng cười” cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và người dân trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh Tiền Giang có những thông báo đến các sở, ban, ngành, đoàn thể; các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bản tỉnh về đặc điểm, tình hình, phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy.

Theo đó, ma túy “núp bóng” là việc pha trộn, phun tẩm các chất ma túy vào các sản phẩm hàng hóa thông thường, có 2 dạng: Loại hàng hóa (bánh kẹo, thực phẩm chức năng, dược phẩm) có chứa chất ma túy được sản xuất, đóng gói có phép của cơ quan chức năng với hàm lượng chất ma túy quy định, được ghi trên bao bì sản phẩm và cảnh báo người dùng hoặc bán theo đơn (dược phẩm). Loại này ở một số nước là hợp pháp nhưng nếu lạm dụng hoặc sử dụng không theo chỉ định, khuyến cáo có thể gây nghiện, ngộ độc, thậm chí tử vong. Loại hàng hóa do tội phạm thực hiện hành vi “pha trộn”, “tẩm ướp”, “đóng gói” ma túy dưới dạng thực phẩm, đồ uống như bánh, kẹo, sô cô la, nước giải khát, nước hoa quả, nước tăng lực, thuốc lá, thuốc lào, thuốc lá điện tử... dưới các dạng hàng hóa thông dụng nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Ngày càng nhiều sản phẩm ma túy “núp bóng ” được tạo ra với nhiều tên gọi, mẫu mã, chất ma túy khác nhau, chủ yếu tồn tại dưới dạng thực phẩm, đồ uống (bánh kẹo, cà phê, nước hoa quả, nước đông trùng...); dạng thuốc lá dùng để hút (thuốc lá điện tử (còn gọi là thuốc lá thế hệ mới), thuốc lá điếu, thuốc lá sợi, thảo mộc khô) và dạng sản phẩm chức năng chăm sóc sức khỏe, làm đẹp. Việc sử dụng các sản phẩm “núp bóng” đồ uống này thường kèm với môi trường có âm thanh, ánh sáng thích hợp, đi theo nhóm, do đó chủ yếu được sử dụng trong vũ trường, quán bar, karaoke hay trong các căn hộ cao cấp, khu resort được trang bị hệ thống loa, đèn và cách âm tốt.

Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy, liên tục tạo ra nhiều loại ma túy “núp bóng” mới với nhiều mẫu mã, tên gọi, hương vị, chất ma túy khác nhau, đi liền với các quảng cáo gây hiểu lầm (có tác dụng thần kỳ, tạo khoái cảm, tăng lực, không có chất cấm, không có tác hại...) nhằm thu hút khách hàng (tập trung chủ yêu vào giới trẻ) nhằm đối phó với sự phát hiện, ngăn cắm, lên án của gia đình, xã hội, sự đấu tranh của lực lượng chức năng.

Nếu chỉ nhìn bề ngoài rất khó phân biệt được đâu là ma túy “núp bóng” đâu là sản phẩm tiêu dùng bình thường. Đề phân biệt, thông thường phải dựa vào tên gọi, mẫu mã (thường tạo cho cảm giác sành điệu, đăng cấp (Pod Chill, Soul Chill, Chill Max, “nước vui”, White coffee..., cùng với đó là các lời quảng cáo với tác dụng thần kỳ như tăng lực, vui vẻ, sảng khoái...).

Chỉ riêng loại hình thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu có chứa chất ma túy (đây là các loại mới xuất hiện ở Việt Nam) đã có hàng chục tên gọi khác nhau như Ampire, Găngster, Roma, lougle, Playboy, Amtestdam, dominix, thuốc lá thơm... với các kiểu dáng, bao bì đa dạng, nhiều màu sắc; thời gian gần đây còn xuất hiện sản phẩm thực phẩm chức năng, sản phẩm làm đẹp có chứa chất ma túy được nhập lậu và tiêu thụ tại Việt Nam (từ Đông Âu).

Từ phương thức, thủ đoạn trên, lực lượng Công an đề nghị người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, thường xuyên cập nhật, theo dõi các thông tin tuyên truyền về tác hại của ma túy (đặc biệt là các loại ma túy mới); phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm về ma túy để nhận biết, phòng ngừa tránh các nguy cơ, rủi ro liên quan đến ma túy đối với bản thân, gia đình và xã hội.

Chú ý giáo dục, khuyến cáo con em mình trong các độ tuổi thanh, thiếu niên không tham gia tàng trữ, sử dụng các chất ma túy, không sử dụng thuốc lá điện tử, các dạng thực phẩm chức năng, thuốc kích thích tinh thần không rõ nguồn gốc hoặc chưa được chính quyền cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

Thường xuyên quan tâm đến những biểu hiện về tâm sinh lý của con em mình, sớm phát hiện những biểu hiện bất thường về giờ giấc sinh hoạt, tâm sinh lý để kịp thời có biện pháp động viên, ngăn chặn nếu nhận thấy các em có sử dụng các thực phẩm, chất kích thích không rõ nguồn gốc.

Đề nghị người dân tích cực tham gia đấu tranh tố giác tội phạm liên quan đến ma túy, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an và các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm về ma túy. Mạnh dạn tố cáo những tổ chức, cá nhân có hành vi tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép các chất ma túy cho chính quyền địa phương nơi mình cư trú. Vận động người nghiện tham gia cai nghiện tại cơ sở chữa bệnh của nhà nước hoặc các cơ sở cai nghiện tư nhân để họ từ bỏ ma túy góp phần bảo đảm tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.

Kết quả phát hiện, bắt giữ, từ ngày 15-12-2022 đến ngày 14-12-2023, toàn quốc đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 442 vụ, 808 đối tượng có liên quan đến các loại ma túy “núp bóng” và thuốc lá điện tử. Các vụ việc, vụ án bắt giữ về ma túy “núp bóng” hầu hết ở dạng thuốc lá để hút và đồ uống. Riêng tại tỉnh Tiền Giang, năm 2023, tội phạm về ma túy trên địa bàn Tiền Giang tăng 60,97% về số vụ (198/123 vụ), tăng 58,38% về số đối tượng (236/149 đối tượng) so với cùng kỳ năm 2022.

Đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện và các hộ kinh doanh khác tuyệt đối không được tham gia mua bán, tàng trữ, vận chuyển các loại thực phẩm, thuốc lá điện tử, thuốc kích thích (có thể là ma túy núp bóng) trôi nổi không rõ nguồn gốc… để bày bán dễ gây nhầm lẫn cho người dân khi mua, sử dụng như các thực phẩm thông thường.

Để phòng, chống tội phạm về ma túy, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, mỗi người dân cần tự trang bị kiến thức để nhận biết những dấu hiệu thường gặp của người sử dụng ma túy, từ đó có thể kịp thời ngăn chặn. Các nhà trường và gia đình cần thường xuyên quan tâm, quản lý con em mình để phát hiện những dấu hiệu thay đổi thất thường trong sinh hoạt như hay tụ tập với bạn về sống buông thả hoặc chơi với những người nghiện ma túy để giúp các em tránh xa thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử… có chứa ma túy độc hại, tránh những hệ luỵ do ma túy mang lại.

P. NGHI

 

.
.
.