Tập trung nguồn lực xây dựng văn bản hướng dẫn để Luật Đất đai đi vào cuộc sống
Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh, khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực sẽ đi vào cuộc sống, nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu…
Sẽ có 9 nghị định triển khai nội dung Luật Đất đai
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngày 18/1/2024 Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Trong quá trình chuẩn bị cho Luật Đất đai (sửa đổi) được chính thức thông qua, Bộ TN&MT cũng đã chuẩn bị các nội dung cần thiết để triển khai sớm nhất, đưa Luật Đất đai đi vào cuộc sống.
Theo đó, Bộ đã cung cấp những nội dung mới, những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 đến các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan truyền thông để có tư liệu cho việc tuyên truyền, phổ biến. Đồng thời, chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Luật Đất đai 2024.
Trong đó, Bộ chú trọng tổ chức xây dựng các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi). Dự kiến sẽ có 9 Nghị định, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trực tiếp tham mưu cho Chính phủ ban hành 6 Nghị định, Bộ Tài chính sẽ tham mưu ban hành 2 Nghị định và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1 Nghị định.
Ảnh minh họa: Bích Liên |
Theo dự kiến sẽ có 6 Thông tư được ban hành, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường có 4 Thông tư, Bộ Tài chính 1 Thông tư và Bộ Nội vụ 1 Thông tư. Có một Quyết định của Thủ tướng Chính phủ do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu. Đối với chính quyền địa phương, có 18 nội dung thuộc thẩm quyền Ủy ban nhân dân tỉnh phải quy định chi tiết, 1 nội dung thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân ban hành.
Về việc chuẩn bị cho công tác tổ chức phổ biến các nội dung cơ bản của Luật Đất đai (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng kế hoạch phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn thi hành Luật, phối hợp với các cơ quan, các bộ, ngành của Trung ương và các cơ quan thông tấn, truyền thông để phổ biến đến các đối tượng thực sự chịu tác động của Luật. Mục tiêu hướng đến là các điểm mới, nội dung và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật…
Ngoài ra, Bộ có kế hoạch triển khai các giải pháp, nguồn lực để thực hiện Luật Đất đai. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đề xuất với Chính phủ tập trung nguồn lực thực hiện các nội dung quản lý nhà nước như: Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, điều tra đánh giá cơ bản về đất đai, duy trì hệ thống thông tin đất đai. Đối với các địa phương cũng tập trung nguồn lực, trước hết là cho các quỹ phát triển đất, đảm bảo tạo ra quỹ đất để thực hiện tổ chức đánh giá việc sử dụng đất, xây dựng hạ tầng các khu tái định cư...
Đồng thời, các địa phương tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương, kết nối với cơ sở dữ liệu đất đai ở Trung ương, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác; đảm bảo các văn bản hướng dẫn thi hành, cũng như các chính sách mới được triển khai thực hiện một cách đồng bộ sau khi Luật có hiệu lực.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất
Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, Luật Đất đai là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều Luật khác có liên quan.
Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) là cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực tiễn, góp phần phát huy nguồn lực từ đất đai, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất trong giai đoạn mới, hướng tới mục tiêu phát huy cao nhất nguồn lực đất đai, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế sâu rộng, từng bước hiện thực hóa mục tiêu cuộc cách mạng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đề ra; kịp thời đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng của nhân dân.
Cơ quan chủ trì soạn thảo đã tổ chức nhiều hội thảo hội nghị; phối hợp với các cơ quan như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Kinh tế và một số Ủy ban khác của Quốc hội; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam... tổ chức các Hội thảo, Hội nghị lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Đất đai; thực hiện tiếp thu ý kiến của nhân dân đối với Dự thảo Luật.
Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua có nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai…
“Chúng ta tin tưởng rằng khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực sẽ đi vào cuộc sống, nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả, tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045”, Bộ trưởng cho biết./.
Theo Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam