Huyện Châu Thành: Nỗ lực kiềm giảm tai nạn giao thông
(ABO) Huyện Châu Thành có hai tuyến cao tốc Trung Lương - TP. Hồ Chí Minh và Trung Lương - Mỹ Thuận đi ngang với chiều dài gần 50 km; tuyến Quốc lộ 1 với tổng chiều dài 27,5 km; 10 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 47 km; 1 tuyến đường dẫn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận với chiều dài 0,8 km; 9 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 74,2 km, 231 tuyến đường xã, đường liên xã với tổng chiều dài 539,74 km; 5 tuyến đường đô thị với chiều dài 2,05 km; là đầu mối giao thông quan trọng, nơi trung chuyển, cửa ngõ, cầu nối các tỉnh miền Tây và TP. Hồ Chí Minh.
Lực lượng Cảnh sát giao thông - Công an huyện Châu Thành phát tờ bướm tuyên truyền pháp luật giao thông cho phụ huynh học sinh. Ảnh: TRỌNG TÍN |
Cùng với chính sách đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, nhất là sự phát triển về quy mô của các khu, cụm công nghiệp, nhu cầu vận chuyển, trao đổi hàng hóa và đi lại tăng cao, do đó mật độ phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến giao thông rất dày đặc, nhất là các ngày lễ, tết nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn và ùn tắc giao thông.
Đặc biệt từ khi Khu công nghiệp Tân Hương đưa vào khai thác và hoạt động đã thu hút hàng chục ngàn công nhân đến làm việc, đa phần sử dụng xe mô tô 2 bánh làm phương tiện để đi lại và có hàng trăm xe ô tô khách đưa rước công nhân, do đó mật độ phương tiện giao thông trên Quốc lộ 1, đường dẫn cao tốc (đường tỉnh 878) và các tuyến đường tỉnh, đường huyện rất dày đặc, thường xảy ra ùn ứ, dễ dẫn đến tai nạn, va chạm giao thông vào các giờ cao điểm.
Bên cạnh đó, Khu công nghiệp Long Giang tuy không nằm trên địa bàn huyện, nhưng hằng ngày có hàng ngàn lượt phương tiện tham gia giao thông đi ngang địa bàn huyện.
Tình trạng mua bán, nhỏ lẻ các mặt hàng tươi sống, quần áo phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của công nhân vi phạm lấn chiếm hành lang an toàn giao thông cặp hai bên Quốc lộ 1 và các tuyến đường tỉnh, đường huyện xung quanh khu vực khu, cụm công nghiệp làm cho tình hình trật tự, an toàn giao thông (TTATGT), trật tự công cộng khu vực này diễn biến phức tạp.
Trên địa bàn huyện có 60 trường mầm non, tiểu học và THCS, các trường học đa số nằm trên tuyến giao thông, trong đó có 35 cổng trường còn xảy ra phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình TTATGT như buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường là một trong nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông (hiện tại đã có khảo sát và đề xuất các giải pháp để khắc phục).
Trong khi đó, kết cấu hạ tầng giao thông tuy được quan tâm đầu tư hơn nhưng vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu của hoạt động giao thông; hầu hết hiện trạng mặt đường ở các đường tỉnh, đường huyện trên địa bàn huyện còn hẹp, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng đông, tốc độ lưu thông của các phương tiện cao là nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến tai nạn giao thông.
Bên cạnh đó, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của người dân tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân khi tham gia giao thông ý thức “tự giác chấp hành còn kém”, nhiều trường hợp cố tình vi phạm các quy định của pháp luật về TTATGT, thậm chí còn tìm mọi cách đối phó với lực lượng chức năng khi phát hiện vi phạm. Thực trạng trên đã làm cho tình hình TTATGT, trật tự công cộng trên địa bàn huyện trong từng thời điểm còn diễn biến phức tạp.
Trong thời gian qua, các cấp ủy Đảng đã tập trung lãnh đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp. Trong đó, lực lượng Công an huyện đã làm tốt vai trò tham mưu, triển khai để Thường trực Huyện ủy, UBND - Ban ATGT huyện lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy Đảng - chính quyền cơ sở triển khai, thực hiện có hiệu quả các chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị, địa phương.
Tuy nhiên, cũng còn một ít cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thật sự quan tâm, lãnh đạo, triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về đảm bảo TTATGT, dẫn đến việc thực hiện thiếu đồng bộ, thống nhất, áp dụng chưa đúng các văn bản pháp luật về công tác bảo đảm TTATGT cũng như thiếu kiểm tra đôn đốc, chấn chỉnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT của cấp dưới thuộc quyền dẫn đến hiệu quả có lúc chưa cao.
Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp luật về bảo đảm TTATGT có lúc còn chồng chéo giữa các cơ quan ban hành dẫn đến việc áp dụng thiếu thống nhất, áp dụng không đúng tinh thần, quy định của văn bản pháp luật; Từ đó, hiệu quả áp dụng thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo TTATGT tại các chính quyền cơ sở có lúc chưa cao.
Trong giai đoạn 2009 - 2023, tình hình liên quan công tác bảo đảm TTATGT được cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở quan tâm kịp thời, thường xuyên, đúng mức cùng với sự đồng thuận cao của mọi tầng lớp nhân dân nên tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn huyện Châu Thành cơ bản được kiềm kéo giảm.
Cụ thể, từ ngày 1-7-2009 đến hết ngày 31-12-2023, trên địa bàn huyện xảy ra 1.358 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 678 người, bị thương 975 người; thiệt hại tài sản ước tính trên 2,8 tỷ đồng.
Còn từ ngày 15-12-2018 đến 15-11-2023, trên địa bàn huyện xảy ra 222 vụ tai nạn và va chạm giao thông đường bộ, làm chết 118 người, làm bị thương 136 người; thiệt hại tài sản trên 1,6 tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông đều xuất phát từ ý thức tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT của những người tham gia giao thông có liên quan, chiếm trên 98% trên tổng số vụ tai nạn giao thông đã xảy ra, điển hình như bộ hành đi qua đường không đúng nơi quy định, mô tô qua đường không nhường đường, ô tô không giảm tốc độ khu vực có biển báo, mô tô không giữ khoảng cách an toàn, xe đạp qua đường không nhường đường, mô tô qua đường không nhường đường, mô tô đi sai làn đường, không giảm tốc độ khu vực có biển báo hiệu…; thời gian xảy ra tai nạn giao thông thường khoảng từ 6 giờ đến 24 giờ.
Đặc biệt, trong năm 2023, huyện đã kéo giảm tai nạn giao thông về cả ba tiêu chí rất sâu; trên các tuyến đường thuộc địa bàn huyện Châu Thành do Công an huyện phụ trách tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm và điều tra giải quyết tai nạn giao thông theo Quyết định phân cấp của Công an tỉnh đã xảy ra 28 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 15 người, bị thương 21 người, thiệt hại tài sản khoảng 674 triệu đồng; so với cùng kỳ số vụ giảm 46,15%, số người chết giảm 55,88%, số người bị thương giảm 32,26%.
Tuy nhiên, tình hình TTATGT từng lúc, từng nơi còn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông có chiều hướng tăng; cụ thể, trong những tháng đầu năm 2024, mặc dù trên địa bàn huyện, cả hệ thống chính trị, ban, ngành, đoàn thể, cơ sở đã chủ động xây dựng, triển khai đồng bộ, kịp thời nhiều kế hoạch, phương án để thực hiện đạt các yêu cầu, chỉ tiêu trong công tác bảo đảm TTATGT, nhưng tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp và tăng cả 3 tiêu chí so với thời gian cùng kỳ, liền kề (tháng 1, tháng 2, quý 1-2024 và cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tăng về cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và người bị thương; chỉ có tháng 3, giảm cả 3 tiêu chí; tháng 4-2024 kiềm giảm được số vụ và số người bị thương.
Qua khái quát tình hình, diễn biến của công tác bảo đảm TTATGT và tai nạn giao thông trong từng giai đoạn trên địa bàn huyện Châu Thành cho thấy, nổi lên một số mặt nổi bật cùng với các tồn tại, hạn chế cũng như rút ra được các bài học kinh nghiệm như sau:
Trước tiên là về những kết quả đạt được: Tình hình TTATGT đường bộ trên địa bàn huyện có sự chuyển biến tích cực; tai nạn giao thông đã được kiềm kéo giảm trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Hầu hết mọi người đã thể hiện được ý thức tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT đường bộ, số người đăng ký và thi lấy Giấy phép lái xe tăng lên theo từng hằng năm; số người đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy luôn được đảm bảo trên 98%; hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa… bằng phương tiện ô tô từng bước đã đi vào nền nếp, đúng pháp luật; ít xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, một số tuyến đường “điểm” luôn được giữ sạch - đẹp, thông thoáng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện.
Quá trình triển khai thực hiện những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của từng đơn vị, cơ quan, địa phương; doanh nghiệp; ngành, nghề…, trên cơ sở các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước…đã mang lại hiệu ứng tốt và đang phát huy tác dụng sâu rộng tại cộng đồng dân cư; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ từng bước được đổi mới về nội dung; hình thức, biện pháp và phương thức huy động của từng lực lượng trong việc thu hút các đối tượng cần tác động; đặc biệt bước đầu đã tập trung được vào các đối tượng và khu vực, địa bàn, tuyến đường… có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông; chú ý tuyên truyền đến tận cơ sở khu dân cư, xóm, ấp…
Cụ thể như thông qua Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT” góp phần xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư tiên tiến, an toàn về an ninh trật tự, giúp cho nhân dân hiểu biết và tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT đường bộ, giáo dục mọi thành viên trong gia đình có ý thức tốt trong khi tham gia giao thông…
Các cơ quan chuyên ngành liên quan đã có sự tập trung lãnh, chỉ đạo, phối kết hợp trong công tác khảo sát và đề xuất, kiến nghị khắc phục kịp thời những bất cập về kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông đường bộ, xóa “điểm đen”, cụ thể như đã phối kết hợp kiểm tra hệ thống giao thông trên tuyến, địa bàn trọng điểm (Quốc lộ 1, Khu công nghiệp Tân Hương….) về quy chuẩn biển báo, đèn tín hiệu, vạch kẻ đường, dải phân cách, tuyến tránh, cầu vượt… đảm bảo cho công tác đảm bảo TTATGT đường bộ.
Công tác tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm của lực lượng Công an và những lực lượng liên quan cơ bản đã khép kín được các tuyến, địa bàn phụ trách, nhất là vào các cao điểm tết, lễ, hội… đảm bảo tình hình TTATGT thông suốt; từng cán bộ, chiến sĩ,, nhân viên… luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân, chấp hành nghiêm quy trình tuần tra kiểm soát, đăng ký quản lý xe, quy chế dân chủ, chống tiêu cực trong công tác.
Việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào trong các hoạt động quản lý TTATGT đường bộ trên địa bàn tỉnh đã từng bước được quan tâm và đầu tư trong từng năm, đảm bảo công tác quản lý hiện đại, khách quan, đúng luật; điển hình như việc ứng dụng máy đo nồng độ cồn, máy đo tốc độ (bằng hệ thống trụ và cầm tay); hệ thống camera giám sát…, hệ thống cân lưu động…
Bên cạnh những mặt đạt được thì vẫn còn một số mặt tồn tại, hạn chế như: Trong những năm qua, nhìn chung với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong công tác lập pháp và cải cách công tác xây dựng pháp luật nói chung, pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ nói riêng, bước đầu đã đáp ứng kịp thời công tác đảm bảo TTATGT đường bộ trong tình hình mới; tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như một số văn bản pháp luật giao thông ban hành còn những sơ hở, thiếu sót, bất cập, không áp dụng được; văn bản vừa ban hành lại thay đổi làm cho người dân hoặc chính cơ quan thi hành pháp luật cũng khó thực hiện, dẫn đến hiệu quả không cao, đồng thời làm suy giảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Tình hình tai nạn giao thông trong giai đoạn 2009 - 2023, 2019 - 2023, tuy có giảm nhiều so với từng năm, giai đoạn nhưng không bền vững; vẫn còn ở mức cao, trong từng thời điểm cụ thể diễn biến rất phức tạp, khó lường… gây tâm lý lo ngại sâu sắc trong nhân dân khi tham gia giao thông, hệ quả tai nạn giao thông vẫn đang là gánh nặng cho xã hội, người dân và Nhà nước; đồng thời, nổi lên một số vấn đề cần phải tiếp tục tập trung xử lý như: Tại một số tuyến đường, địa bàn còn xảy ra tình trạng thanh thiếu niên tụ tập thành nhóm điều khiển xe mô tô, xe gắn máy phóng nhanh, lạng lách đánh võng, chạy xe với tốc độ cao, chạy thành nhóm…, họp chợ mua bán lấn chiếm lòng lề đường tại các khu vực nội thành, nội thị; hành lang lộ giới đường bộ tại khu, cụm công nghiệp; vẫn còn tình trạng người điều khiển xe chở hàng hóa cồng kềnh lưu thông trên đường, chạy ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm… gây bức xúc trong nhân dân… nguy cơ làm mất ATGT.
Số người tham gia giao thông bằng phương tiện xe mô tô, xe gắn máy vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm vẫn còn xảy ra; mặc dù đã có quy định về đội mũ bảo hiểm đối với người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện tham gia giao thông, đặc biệt là đối với học sinh nhưng thực tế cơ quan chức năng chưa thể quản lý và xử lý được ‘loại đối tượng này’, tồn tại song song với hiện tượng trên là tình trạng học sinh, sinh viên chưa có Giấy phép lái xe theo quy định điều khiển xe mô tô trên 50 cm3 tham gia gia thông trên đường còn diễn ra phổ biến…
Công tác đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe; công tác đăng kiểm… chưa đảm bảo chất lượng cả về đạo đức, tay nghề cũng như kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ cho đội ngũ lái xe…
Quỹ đất dành cho giao thông, đặc biệt là giao thông đô thị còn quá ít, chưa đảm bảo tỷ lệ diện tích dành cho giao thông; mật độ giao thông cao lại chủ yếu là đường đồng cấp, có nhiều loại phương tiện cùng tham gia giao thông trên một làn đường dễ dẫn đến tai nạn giao thông.
Các mô hình tuy có thành lập nhưng trong thực tế hoạt động chưa thật sự hiệu quả; nhiều nơi thiếu sự quan tâm kiểm tra, hướng dẫn của cấp ủy, chính quyền hoặc đơn vị trực tiếp xây dựng; thiếu kinh phí hỗ trợ cho việc xây dựng, nhân rộng mô hình… Công tác sơ kết, đánh giá chất lượng hoạt động của các mô hình còn chậm; có trường hợp “sơ sài”, chưa phản ánh đúng thực chất nên không có giải pháp đúng để khắc phục, nâng chất…
Tài liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền, tập huấn các quy định về ATGT còn nhiều hạn chế; việc tổ chức các buổi sinh hoạt, tuyên truyền, cuộc thi, hội thi… chưa được thường xuyên và đều khắp ở khu dân cư.
Một số đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch bảo đảm TTATGT; phối kết hợp giải tỏa lòng lề đường, lập lại hành lang lộ giới đường bộ… còn dàn trải, không quyết liệt; chưa khép kín địa bàn và tập trung xử lý đúng đối tượng, thời gian, hành vi vi phạm là nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến tai nạn giao thông; việc xử lý các “điểm đen” còn mang tính thời vụ, còn trông chờ theo sự chỉ đạo của cấp trên… nên hiệu quả không cao…
Trên cơ sở phân tích đánh giá công tác bảo đảm TTATGT qua từng giai đoạn, có thể rút được những bài học kinh nghiệm như sau: Đạt được những kết quả nêu trên nhờ sự quan tâm, lãnh chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương; sự phối hợp nhịp nhàng của Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể, Ban ATGT các cấp, sự hướng dẫn thường xuyên, kịp thời của các cơ quan liên quan thuộc Công an tỉnh, Sở Giao thông Vận tải…; sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân; thể hiện từ sự thống nhất ở các khâu công tác lãnh chỉ đạo, xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện các kế hoạch, phương án… về việc phát động về ATGT, thường xuyên phối hợp kiểm tra đôn đốc, kịp thời bổ sung và uốn nắn, có tổ chức tốt việc sơ kết và tổng kết rút kinh nghiệm nâng lên, đề ra giải pháp khắc phục…
Phải chủ động và theo dõi sát tình hình, thường xuyên cập nhật thông tin, phân tích, đánh giá tình hình TTATGT trên địa bàn quản lý; kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh, chỉ đạo đề ra các giải pháp có hiệu quả, giải quyết kịp thời các vấn đề nổi lên có liên quan trong công tác đảm bảo TTATGT, nhất là việc phối hợp các ngành, đoàn thể đề nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng tham gia vào công tác đảm bảo TTATGT.
Trong công tác đảm bảo TTATGT phải quan tâm đến công tác phòng ngừa, triệt tiêu các nguyên nhân, điều kiện gây mất TTATGT là chính. Trong đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy nội địa của nhân dân với nhiều hình thức, nội dung phong phú, phù hợp với từng loại địa bàn, đối tượng.
Song song với công tác tuyên truyền là phải thường xuyên củng cố, nhân rộng các mô hình về đảm bảo TTATGT đi vào hoạt động hiệu quả. Đồng thời, phải phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, phải tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến, chuyển công tác đảm bảo TTATGT từ tự phát đến tự giác...
Qua phân tích, đánh giá nhận diện cơ bản về công tác bảo đảm TTATGT và tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn huyện Châu Thành, trong giai đoạn tới, cần phải lãnh, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đạt hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các chỉ đạo của của từng bộ, ngành và địa phương....
- Tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với từng vùng, khu vực, địa bàn, lứa tuổi, tôn giáo, nhất là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên... nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và nhân dân trong công tác bảo đảm TTATGT; mỗi người dân phải có ý thức tự bảo vệ mình và trách nhiệm bảo vệ người khác khi tham gia giao thông.
- Các cơ sở giáo dục phát động phong trào thi đua bảo đảm TTATGT; tổ chức học sinh, sinh viên ký cam kết không vi phạm các quy định về bảo đảm TTATGT và đưa việc chấp hành pháp luật về TTATGT là một tiêu chí phân loại thi đua của nhà trường, giáo viên, đánh giá đạo đức học sinh, sinh viên.
- Phấn đấu mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là một “tuyên truyền viên” trong tuyên truyền, vận động đồng nghiệp, người thân, bạn bè chấp hành quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, nhất là không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia.
- Liên tục công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, chú trọng tuyên truyền trên các trang thông tin, mạng xã hội, tuyên truyền trực tiếp tại các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, khu dân cư, tổ dân phố…; nội dung tuyên truyền phải có chiều sâu, tác động mạnh mẽ đến tâm lý, ý thức, lòng tự trọng của người tham gia giao thông, quyết tâm hình thành bằng được thói quen, văn hóa không điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu, bia; lên án các hành vi vi phạm và đồng tình, ủng hộ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng.
- Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp kinh doanh vận tải cam kết không sử dụng lái xe nghiện ma túy, nồng độ cồn, người điều khiển phương tiện cản trở, chống đối, chống người thi hành công vụ theo quy định; tổ chức xét xử công khai, lưu động, góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong chấp hành pháp luật về TTATGT.
- Xây dựng, nhân rộng, duy trì hoạt động các mô hình hiệu quả, cách làm hay trong công tác bảo đảm TTATGT. Ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản trị thông tin truyền thông để phát hiện, dự báo các xu hướng thông tin tích cực và tiêu cực, có lợi và bất lợi cho công tác chỉ đạo điều hành về công tác bảo đảm TTATGT đường bộ.
- Đẩy nhanh tiến độ, xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tổ chức và tổ chức lại giao thông khoa học, hợp lý, đồng bộ gắn với việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hành lang ATGT.
- Tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang bị phương tiện cho các lực lượng chuyên trách bảo đảm TTATGT. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, giám sát, điều hành giao thông, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, điều tra tai nạn giao thông…; bảo đảm khả năng kết nối, tích hợp, chia sẻ, sử dụng chung các cơ sở dữ liệu giữa ngành Giao thông Vận tải, Công an, Y tế, Tài chính, Ngân hàng…
- Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để tình hình TTATGT xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý. Tất cả các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra phải được xem xét, cá thể hóa, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan.
- Trong quá trình xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tất cả các hành vi vi phạm về TTATGT phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng; nghiêm cấm lực lượng chức năng "xuê xoa", bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức.
- Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị. Cương quyết khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm và đối tượng chống người thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật.
- Các ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp sâu sát chỉ đạo tập trung phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, như điều khiển phương tiện quá tốc độ cho phép, vi phạm nồng độ cồn, ma túy, “cơi nới” thành, thùng xe, chở hàng quá khổ, quá tải…
Phải tiếp tục thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn nhằm tạo chuyển biến tích cực, tiến tới hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu, bia không lái xe”, trước hết trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đến nhân dân.
- Phải có kế hoạch cụ thể để kiểm soát nồng độ cồn đối với từng tuyến, từng địa bàn, tập trung các xã, thị trấn, khu công nghiệp đông công nhân, khu du lịch…
- Chỉ đạo Công an cơ sở tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT, tập trung xử lý những hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, nhất là các tuyến giao thông nông thôn trên địa bàn quản lý. Công an huyện thực hiện thường xuyên, quyết liệt việc kiểm soát nồng độ cồn của người tham gia giao thông. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để đổi mới mạnh mẽ, căn bản phương thức hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm.
- Qua công tác tuần tra, kiểm soát và điều tra, xử lý tai nạn giao thông kịp thời kiến nghị khắc phục các bất hợp lý về tổ chức giao thông. Việc kiến nghị giải quyết phải nêu rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đồng thời theo dõi, đôn đốc và thu thập tài liệu, đề nghị xử lý những cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm, không kịp thời có biện pháp khắc phục đối với các trường hợp đã có kiến nghị để xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm.
CÔNG AN HUYỆN CHÂU THÀNH