.

Tuyên án đối với 85 bị cáo còn lại trong vụ án Vạn Thịnh Phát

Cập nhật: 21:27, 11/04/2024 (GMT+7)

Ngày 11/4, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã tuyên án đối với các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan.

a
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 11/4. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) nhận mức án tử hình, 85 bị cáo còn lại nhận các mức án từ 3 năm tù treo cho đến tù chung thân.

Hội đồng xét xử tuyên bố, 5 bị cáo đang bị truy nã gồm: Nguyễn Lâm Anh Vũ (cựu Phó Giám đốc chi nhánh Bến Thành của Ngân hàng SCB), Trầm Thích Tồn (cựu thành viên Hội đồng Quản trị SCB), Chiêm Minh Dũng (cựu Phó Tổng Giám đốc SCB), Nguyễn Thị Thu Sương (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị SCB) và Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị SCB), sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Cơ quan điều tra đã tống đạt quyết định, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng đề nghị các bị cáo ra đầu thú để nhận sự khoan hồng. Tuy nhiên, các bị cáo vẫn vắng mặt, do đó, từ bỏ quyền bảo vệ quyền lợi của mình. Hội đồng xét xử vẫn tạo điều kiện cho các luật sư tiếp cận hồ sơ và tham gia bào chữa cho các bị cáo. Việc xét xử vắng mặt với các bị cáo không gây trở ngại cho quá trình xét xử.

Các bị cáo Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng SCB, hiện đã bỏ trốn); Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB); Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng SCB) cùng lãnh án chung thân về tội “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”. Bị cáo Tạ Chiêu Trung (cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tài chính Việt Vĩnh Phú, nguyên Thành viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng SCB) nhận mức án 14 năm tù về tội “Tham ô tài sản”, 6 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, tổng hợp 20 năm tù giam.

Bốn bị cáo đã bỏ trốn còn lại gồm: Chiêm Minh Dũng nhận mức án 17 năm tù, Trầm Thích Tồn nhận mức án 16 năm tù, Nguyễn Lâm Anh Vũ nhận mức án 13 năm tù, Nguyễn Thị Thu Sương nhận mức án 17 năm tù cùng về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.

a
 Bị cáo Trương Huệ Vân tại phiên tòa ngày 11/4. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Bị cáo Trương Huệ Vân, cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cựu Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor, cháu bị cáo Trương Mỹ Lan bị tuyên phạt mức án 17 năm tù giam về tội “Tham ô tài sản”. Bị cáo Chu Lập Cơ, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phẩn Đầu tư Times Square, chồng của bị cáo Trương Mỹ Lan bị tuyên án 9 năm tù về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.

Nhóm bị cáo là cựu lãnh đạo, nhân viên của Ngân hàng SCB nhận mức án từ 3 năm tù treo đến 14 năm tù giam. Trong đó, bị cáo Đỗ Phú Huy (cựu Chủ tịch Ủy ban kinh doanh và đầu tư Ngân hàng SCB) bị tuyên án 14 năm tù giam, bị cáo Nguyễn Văn Thanh Hải (cựu Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng SCB) bị tuyên án 13 năm tù giam, bị cáo Mai Hồng Chín (cựu Giám đốc Phòng Tái thẩm định thuộc Khối Tái thẩm định Ngân hàng SCB) nhận án 10 năm tù, bị cáo Uông Văn Ngọc Ẩn (cựu Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng SCB) nhận án 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, được trả tự do ngay tại phiên tòa…

Đối với nhóm các bị cáo là cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước, theo Hội đồng xét xử, trong quá trình thanh tra tại SCB, các bị cáo trong đoàn thanh tra đã nhiều lần nhận tiền, quà biếu của Ngân hàng SCB để bao che sai phạm theo đề xuất, kiến nghị của SCB. Các báo cáo đề xuất không trung thực, không đầy đủ kết quả thanh tra và dự thảo kết luận thanh tra không khách quan, trái pháp luật. Hành vi của các bị cáo tại cơ quan thanh tra dẫn đến các cơ quan cấp trên không có đủ thông tin, tài liệu để chỉ đạo xử lý các sai phạm của SCB. Điều này đã tạo điều kiện cho SCB tiếp tục được thực hiện đề án tái cơ cấu và bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo rút tiền, gây thiệt hại cho SCB.

Riêng bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, Hội đồng xét xử cho rằng, trong quá trình thanh tra, bị cáo Nhàn biết rõ Trương Mỹ Lan nắm toàn bộ quyền điều hành SCB nên đã thông qua Võ Tấn Hoàng Văn để gặp riêng Lan hai lần nhằm trao đổi các nội dung liên quan việc thanh tra.

Từ đây, Nhàn nhận 5,2 triệu USD từ Lan thông qua Văn, để rồi che giấu, báo cáo không trung thực, không đầy đủ các sai phạm của SCB trong kết quả thanh tra nhằm giúp ngân hàng này không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, qua đó, tiếp tục kiến nghị đề xuất tạo điều kiện để SCB được tái cơ cấu.

Tại tòa, bị cáo Nhàn nêu lý do nhận 5,2 triệu USD là để bảo vệ sự an toàn của gia đình do lúc đưa tiền, Võ Tấn Hoàng Văn đã có thái độ, lời lẽ đe dọa bị cáo, sau đó, bị cáo nhiều lần muốn trả lại tiền cho Văn nhưng không được. Song, Hội đồng xét xử thấy lời trình bày của Nhàn là “không có căn cứ” bởi quá trình nhận tiền của bị cáo thực hiện trong thời gian dài, gặp gỡ Võ Tấn Hoàng Văn nhiều lần để nhận tiền, thậm chí bị cáo còn cho mật khẩu nhà để Văn đưa tiền vào nhà cho bị cáo.

Các bị cáo còn lại thuộc đoàn thanh tra gồm: Nguyễn Văn Hưng, Nguyễn Thị Phụng, Vũ Khánh Linh, Nguyễn Tuấn Anh, Bùi Tuấn Khoa, Vương Đỗ Anh Tuấn, Trần Văn Tuấn, Lê Thanh Hà, Nguyễn Văn Thùy, Trương Việt Hưng và Nguyễn Duy Phương không biết việc bị cáo Đỗ Thị Nhàn gặp gỡ, thỏa thuận và nhận tiền từ SCB như trên nên không bị truy tố cùng tội danh “Nhận hối lộ” với Nhàn.

Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của các bị cáo trong đoàn thanh tra vì vụ lợi đã chỉ đạo, lập các báo cáo không trung thực, không đầy đủ, bao che sai phạm của SCB. Việc này dẫn đến không kịp thời ngăn chặn để Trương Mỹ Lan và đồng phạm rút, sử dụng tiền của SCB trái pháp luật, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho ngân hàng này.

Trên cơ sở đó, Hội đồng xét xử tuyên án tù chung thân đối với bị cáo Đỗ Thị Nhàn. Bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) lãnh mức án 11 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Các bị cáo Nguyễn Thị Phụng (cựu Phó cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II) nhận mức án 4 năm tù, Bùi Tuấn Khoa (cựu Phó cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II) nhận án 3 năm tù, Vương Đỗ Anh Tuấn (cựu Trưởng phòng Thanh tra thuộc Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II) nhận án 3 năm tù treo. Các bị cáo còn lại thuộc đoàn thanh tra nhận mức án từ 3 năm tù treo đến 7 năm tù giam.

a
 Bị cáo Nguyễn Cao Trí tại phiên tòa ngày 11/4. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Đối với bị cáo Nguyễn Cao Trí, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Capella, Hội đồng xét xử nhận định trong quá trình xét xử đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng từ bị cáo Trương Mỹ Lan, phù hợp chứng cứ hồ sơ vụ án, lời khai của người bị hại, người liên quan.

Bị cáo Nguyễn Cao Trí còn có nhiều tình tiết giảm nhẹ như: Trong quá trình điều tra đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; cùng gia đình tự nguyện khắc phục hơn 700 tỷ đồng tiền mặt, kê biên 6 tài sản để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án cho số tiền còn lại… và bị hại Trương Mỹ Lan xin giảm nhẹ cho bị cáo. Do đó, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Cao Trí mức án từ 8 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Về phần trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử căn cứ ý kiến các bên liên quan, kết quả tranh tụng tại phiên tòa và tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, đồng thời dựa trên nguyên tắc có lợi cho các bị cáo để kết luận các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự 498.000 tỷ đồng. Song, xét thấy bản chất số tiền đều được bị cáo Trương Mỹ Lan sử dụng hoặc chỉ đạo sử dụng, còn các bị cáo khác chỉ làm công ăn lương, làm theo chỉ đạo nhằm ký hợp đồng vay cho Lan nên Hội đồng xét xử tuyên bố buộc bị cáo Trương Mỹ Lan bồi hoàn toàn bộ dư nợ 1.284 khoản vay cho SCB với tổng số tiền là hơn 677.000 tỷ đồng cùng tiền lãi trước ngày 17/10/2022. Đối với số tiền lãi tính sau ngày 17/10/2022, do bản chất khoản vay thực hiện không đúng quy định pháp luật nên Hội đồng xét xử không xem xét.

Hội đồng xét xử xét yêu cầu bị cáo Nguyễn Cao Trí nộp 1.000 tỷ đồng, bị cáo Dương Tấn Trước (cựu Tổng Giám đốc Công ty Tường Việt) nộp hơn 1.200 tỷ đồng vào SCB để khấu trừ nghĩa vụ bồi thường của bị cáo Lan. Riêng số tiền 1.000 tỷ đồng bị cáo Trương Mỹ Lan nhận từ bị cáo Nguyễn Cao Trí và đề nghị chuyển cho chồng và cháu gái để nộp khắc phục hậu quả không được ghi nhận. Thay vào đó, số tiền này sẽ được chuyển cho Ngân hàng SCB để khắc phục hậu quả vụ án.

Số tiền 5,2 triệu USD bị cáo Đỗ Thị Nhàn gửi trả Trương Mỹ Lan, cần được thu hồi vào ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, số tiền các bị cáo khác chủ động nộp để khắc phục hậu quả sẽ được chuyển cho Ngân hàng SCB; số tiền này sẽ được khấu trừ vào phần trách nhiệm dân sự của bị cáo Trương Mỹ Lan. Hội đồng xét xử ghi nhận sự tự nguyện khắc phục hậu quả của các bị cáo.

Theo TTXVN

.
.
.