Tuyên phạt ông Trần Quí Thanh 8 năm tù
Tòa án nhận định, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội. Vì vụ lợi cá nhân, các bị cáo đã trực tiếp xâm phạm tới tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ, cần phải xử lý nghiêm minh.
HĐXX tuyên đọc bản án đối với cha con ông Trần Quí Thanh. Ảnh: CHÍ THẠCH |
Sau 2 ngày xét xử, sáng 25-4, TAND TPHCM đã tuyên án ông Trần Quí Thanh (cựu Giám đốc Công ty TNHH TMDV Tân Hiệp Phát) 8 năm tù về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Bị cáo Trần Quí Thanh nghe tuyên án. Ảnh: CHÍ THẠCH |
HĐXX cũng tuyên phạt 2 con gái của ông Thanh là bà Trần Uyên Phương (cựu Phó Giám đốc) 4 năm tù và Trần Ngọc Bích (cựu Phó Giám đốc) 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, cùng về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Các bị cáo tại tòa. |
Theo HĐXX, căn cứ vào hồ sơ chứng cứ, kết quả xét xử công khai tại tòa, có đủ cơ sở xác định, trong khoảng thời gian 2019-2020, các bị cáo đã thông qua môi giới cho 4 cá nhân vay tiền với lãi suất 3%/tháng. Bên vay được yêu cầu ký hợp đồng chuyển nhượng tài sản hoặc cổ phần dự án, lập cam kết bán/mua lại tài sản sau mỗi 3 tháng tương ứng với số tiền vay cộng với tiền lãi của 3 tháng để che giấu việc cho vay.
Tuy nhiên, khi bên vay chuẩn bị đầy đủ tiền để trả nợ gốc, lãi theo thỏa thuận thì các bị cáo lấy lý do để từ chối nhận tiền và không trả lại tài sản. Qua đó, các bị cáo chiếm đoạt tài sản là giá trị tài sản (theo kết luận định giá của Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng hình sự TPHCM) trừ đi phần tiền gốc các bị hại đã vay.
Bị cáo Trần Quí Thanh là người phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án. Đối với 2 bị cáo Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích, HĐXX nhận định 2 con gái của bị cáo Thanh là đồng phạm giúp sức có vai trò hạn chế, làm theo yêu cầu của bố.
HĐXX cũng ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ như phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, đã vận động gia đình nộp hơn 183 tỷ đồng để khắc phục hậu quả, có nhiều đóng góp cho kinh tế - xã hội trong quá trình điều hành doanh nghiệp, bị cáo Thanh đã trên 70 tuổi... Bị cáo Bích không có tình tiết tăng nặng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX tuyên hủy tất cả các hợp đồng chuyển nhượng về tài sản giao kết giữa các bị cáo và các bị hại để che giấu việc cho vay tiền, buộc các bị hại trả lại số tiền gốc đã vay cho bị cáo Thanh. HĐXX cũng tuyên buộc những người môi giới vay tiền trả lại số tiền "hoa hồng" cho các bị hại có yêu cầu. Tòa không chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại.
Tòa cũng tuyên trả lại số tiền hơn 183 tỷ đồng mà gia đình các bị cáo nộp để khắc phục hậu quả cho bà Phạm Thị Nụ (là mẹ của hai bị cáo Phương và Bích) do các bị cáo Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích không phải chịu trách nhiệm dân sự trong vụ án.
Tổng cộng các bị cáo đã chiếm đoạt của bị hại hơn 1.048 tỷ đồng, cụ thể:
Vụ thứ 2, ông Thanh và bà Phương cho ông Nguyễn Huy Đông vay 80 tỷ đồng; thế chấp bằng 2 thửa đất tại đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân, TPHCM trị giá 118,9 tỷ đồng. Đến khi ông Đông chuẩn bị đủ 80 tỷ để nhận lại 2 thửa đất thì các bị cáo yêu cầu phải trả thêm 15 tỷ nếu không không cho chuộc lại tài sản. Giá trị chiếm đoạt là 38,9 tỷ đồng. Vụ thứ 3, ông Thanh và bà Phương cho ông Nguyễn Văn Chung vay 35 tỷ đồng; thế chấp 2 thửa đất ở phường An Lạc, quận Bình Tân, TPHCM trị giá 83 tỷ đồng. Đến khi ông Chung chuẩn bị đủ 35 tỷ đồng để nhận lại đất thì các bị cáo yêu cầu phải trả thêm 14 tỷ đồng nếu không không cho chuộc lại tài sản. Giá trị chiếm đoạt là hơn 48 tỷ đồng. Vụ thứ 4, ông Thanh, bà Phương và bà Bích cho bà Đặng Thị Kim Oanh vay 500 tỷ đồng; thế chấp dự án Minh Thành trị giá 842 tỷ đồng và dự án Nhơn Thành trị giá 603 tỷ đồng. Đến khi phía bà Kim Oanh chuẩn bị đủ số tiền 500 tỷ đồng thì phía Trần Quí Thanh đưa ra các lý do vi phạm các điều khoản trong hợp đồng nên mất quyền mua lại, không cho chuộc lại tài sản. Giá trị bị chiếm đoạt là hơn 880 tỷ đồng. |
(Theo sggp.org.vn)