Cảnh báo tình trạng mạo danh Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lừa đảo
Công an tỉnh Tiền Giang cảnh báo những ngày vừa qua xuất hiện nhiều người giả danh lực lượng cơ quan hướng dẫn vào trang thông tin mạo danh cổng thông tin điện tử của các Bộ để tiếp cận các nạn nhân nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo cụ thể như sau: Tự xưng cán bộ Công an, gọi điện thoại đến hỏi thông tin, vận động công dân cập nhật, bổ sung thông tin đồng bộ định danh điện tử VNeID mức độ 2. Sau đó, đối tượng yêu cầu người dân kết bạn Zalo, hướng dẫn tải app dịch vụ công về máy.
Hình ảnh giao diện trang thông tin chính thức của Bộ Công an trên Facebook. |
Khi người dân đăng ký thông tin, trong quá trình cài đặt app, kẻ gian yêu cầu người dùng chụp ảnh Căn cước công dân, nhận diện ảnh, xác minh tài khoản ngân hàng của họ. Từ đó, các đối tượng dùng tài khoản ngân hàng của nạn nhân để chuyển tiền sang các tài khoản do các đối tượng chỉ định để chiếm đoạt tài sản.
Tại Tiền Giang, lợi dụng thông tin chiến dịch vận động công dân làm Căn cước công dân và định danh điện tử VNeID, các đối tượng sử dụng thủ đoạn giả danh cán bộ Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Mới đây, Công an tỉnh Tiền Giang vừa tiếp nhận vụ việc của bà N.T.N.T. (ngụ TP. Mỹ Tho) bị đối tượng gọi điện thoại từ số 0812.340.181, 0816.679.583 vào số điện thoại của mình với lý do là thông tin Căn cước công dân bị sai nên yêu cầu kết nối Zalo với số điện thoại 0589.013.224.
Bộ Công an đề nghị người dân hãy thận trọng khi sử dụng các nguồn thông tin không chính thức, mạo danh Bộ Công an Việt Nam. Tuyệt đối không nghe theo, không liên hệ với các website, fanpage, tài khoản mạng xã hội quảng cáo dịch vụ “tiếp nhận hồ sơ”, “hỗ trợ lấy lại tiền bị treo”, “thu hồi tiền lừa đảo”... trên không gian mạng; không chuyển tiền cho các đối tượng để được hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ. |
Đồng thời, đối tượng này hướng dẫn bà T. tải ứng dụng và thấy tên ứng dụng là Cổng Dịch vụ công Bộ Công an nên đã làm theo hướng dẫn của đối tượng là nhập thông tin cá nhân, “check” vân tay, chụp hình khuôn mặt. Sau đó, bà T. kiểm tra tài khoản ngân hàng của mình thì phát hiện bị mất số tiền 33,5 triệu đồng.
Hay vào ngày 8-4, chị P.T.Q.N. (ngụ xã Nhị Bình, huyện Châu Thành) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0832.525.006 nói giọng miền Nam tự xưng tên Khoa là Công an xã Nhị Bình yêu cầu chị N. lên Google tải ứng dụng Dịch vụ công quốc gia để nhập thông tin Giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế...
Chị N. đồng ý và tải ứng dụng này về điện thoại di động của mình. Sau khi tải xong, khoảng 5 phút sau, chị N. nhận được cuộc gọi từ số 0815.677.351 xưng tên Sang nói giọng miền Nam giới thiệu bên bộ phận kỹ thuật (đồng nghiệp của Khoa) yêu cầu chị N. truy cập ứng dụng Dịch vụ công quốc gia và hướng dẫn thực hiện thao tác nhận dấu vân tay, nhận diện khuôn mặt của chị N. trên ứng dụng này.
Khi thực hiện xong, khoảng 11 giờ 30 phút cùng ngày, chị N. nhận được tin nhắn của Ngân hàng Vietcombank thông báo yêu cầu chị xác nhận mã OTP nhưng chị N. không xác nhận. Đến khoảng 12 giờ 20 phút cùng ngày, chị N. kiểm tra điện thoại di động phát hiện có tin nhắn từ Ngân hàng Vietcombank thông báo bị trừ tiền 2 lần với tổng số tiền 92 triệu đồng.
Ngoài ra, hiện nay các trang thông tin mạo danh Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để cung cấp thông tin, trong đó đăng tải nhiều video, bài viết có nội dung cảnh báo về phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đồng thời, lồng ghép quảng cáo về các dịch vụ, như: “Tiếp nhận hồ sơ”, “hỗ trợ lấy lại tiền bị treo”, “thu hồi tiền lừa đảo”... với cam kết chỉ thu tiền sau khi người dân đã lấy lại tiền lừa đảo. Đây là một trong những hành vi giả mạo, nhằm tiếp cận người dân đang là nạn nhân bị lừa đảo, lợi dụng tâm lý tiếc tiền, cần lấy lại tài sản đã mất để tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của họ.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Tiền Giang cảnh báo, người dân cần lưu ý, cán bộ Công an khi muốn làm việc với người dân sẽ làm việc trực tiếp thông qua giấy mời, không có trường hợp cán bộ Công an yêu cầu hoặc hướng dẫn người dân cài app từ các đường link không rõ ràng. Đó là vấn đề mà người dân cần ghi nhớ để nâng cao cảnh giác, tránh bị lừa đảo. |
Song song đó, Bộ Công an cũng khẳng định chỉ cung cấp thông tin chính thức trên môi trường mạng qua 2 kênh: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an (https://mps.gov.vn/ và https://bocongan.gov.vn/) và trang thông tin Bộ Công an trên nền tảng Facebook (https://www.facebook.com/mps.gov?mibextid=LQQJ4d).
Hiện nay, Bộ Công an và các đơn vị liên quan cũng không phối hợp, ủy quyền cho bất cứ đơn vị nào để hướng dẫn, nhận hồ sơ của người dân về các vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua các mạng xã hội. Người dân cần trực tiếp đến các cơ quan Công an để trình báo hoặc gửi đơn, thư theo đường bưu chính hoặc gửi phản ánh, kiến nghị qua VNeID và qua các trang Zalo của Công an cấp xã về các vụ việc lừa đảo mà mình là nạn nhân để được tiếp nhận, giải quyết.
TUẤN LÂM