Xét xử nhóm cựu lãnh đạo Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn bán rẻ đất Nhà nước
Ngày 4-7, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm các bị cáo là cựu lãnh đạo Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH MTV (Resco) về hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Khai mạc phiên tòa xét xử các bị cáo là cựu lãnh đạo Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn. |
8 bị cáo hầu tòa gồm: Nguyễn Tín Trung (cựu Chủ tịch HĐTV Resco), Nguyễn Phước Ngọc (cựu Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Kinh doanh và Quản lý nhà TPHCM, cựu Tổng giám đốc Resco), Đỗ Văn Phúc (cựu thành viên HĐTV Resco), Trần Công Đức (cựu thành viên HĐTV Resco), Nguyễn Thị Thúy Hằng (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc 8, cựu thành viên HĐTV Resco), Võ Hữu Hải (cựu thành viên HĐTV Resco), Hoàng Hải Đăng (cựu Phó Tổng giám đốc Resco), Nguyễn Đình Phú (cựu Phó Tổng giám đốc Resco).
Bị cáo Nguyễn Tín Trung (cựu Chủ tịch HĐTV Resco). |
Bị cáo Nguyễn Phước Ngọc, cựu Tổng Giám đốc Resco. |
Tại phiên tòa, đại diện Viện KSND TPHCM đã công bố cáo trạng. Theo đó, năm 2010, Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn chuyển đổi thành Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH MTV (Resco). Chủ sở hữu là UBND TPHCM. Năm 2010, UBND TPHCM chấp thuận chủ trương giao Resco thực hiện dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư dự án Rạch Ụ Cây; chấp thuận chủ trương sử dụng toàn bộ số tiền chuyển mục đích sử dụng 15 mặt bằng nhà, đất để cấn trừ vốn đầu tư giai đoạn 1 dự án Rạch Ụ Cây thay vì phải nộp vào ngân sách thành phố.
Trong giai đoạn 2012 - 2016, khi Resco được UBND TPHCM có quyết định phê duyệt đơn giá thu tiền sử dụng đất và giao 10/15 mặt bằng chuyển mục đích sử dụng đất để đầu tư xây dựng theo quy hoạch của UBND TPHCM, nhưng Resco không thực hiện mà chuyển nhượng 10 mặt bằng này.
Cụ thể, với mặt bằng 299/18 đường Lý Thường Kiệt (quận 11), Bình Đăng (quận 8) và 682 Hồng Bàng (quận 11) được UBND thành phố xác lập quyền sở hữu Nhà nước. Tuy nhiên, sau khi được bàn giao các mặt bằng này, Resco không thực hiện đầu tư khai thác kinh doanh mà chuyển nhượng mặt bằng cho các công ty không phải là đơn vị thành viên của Resco, không thông qua đấu giá.
Cụ thể, Resco đã chuyển nhượng mặt bằng 299/18 đường Lý Thường Kiệt cho Công ty cổ phần Địa ốc 7 (có 20% vốn góp của Resco) với giá 38,2 tỷ đồng.
Chuyển nhượng mặt bằng tại 682 Hồng Bàng cho Công ty cổ phần Xây dựng địa ốc Nam Việt (có 20% vốn của Resco, không phải thành viên Resco) với giá 22,2 tỷ đồng.
Chuyển nhượng mặt bằng Bình Đăng, quận 8 cho Công ty TNHH XD TM Sài Gòn 5 với giá 90,9 tỷ đồng.
Theo kết luận định giá ngày 27-4-2022, mặt bằng 299/18 Lý Thường Kiệt là 40,4 tỷ đồng, gây thất thoát tại thời điểm chuyển nhượng 2,1 tỷ đồng. Mặt bằng Bình Đăng, quận 8 theo kết luận định giá hơn 132,3 tỷ đồng, thất thoát tại thời điểm chuyển nhượng hơn 41,4 tỷ đồng. Mặt bằng 682 Hồng Bàng được định giá hơn 24 tỷ đồng, gây thất thoát tại thời điểm chuyển nhượng hơn 1,8 tỷ đồng.
Các bị cáo tại phiên tòa. |
Cáo trạng xác định, các bị cáo là thành viên HĐTV, Ban tổng giám đốc, kiểm soát viên và trưởng phòng kế hoạch kinh doanh của Resco, dù trực tiếp quản lý tài sản của Nhà nước nhưng đã vì động cơ, mục đích khác nhau mà thực hiện sai phạm trong việc chuyển nhượng 3 mặt bằng trên. Dẫn đến Resco bị thất thoát số tiền tổng cộng hơn 45,4 tỷ đồng.
Sau khi Resco chuyển nhượng 3 mặt bằng trên, Văn phòng Đăng ký đất đai TPHCM đã làm thủ tục cập nhật giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty cổ phần Địa ốc 7, Công ty cổ phần Xây dựng địa ốc Nam Việt và Công ty TNHH XD TM Sài Gòn 5. Các công ty này đã chuyển nhượng các mặt bằng trên cho những cá nhân khác. Đến nay, các mặt bằng này không còn thuộc quyền quản lý của Nhà nước.
Phiên tòa dự kiến xét xử trong 2 ngày 4 và 5-7.
Không truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi chuyển nhượng 7 mặt bằng Đối với việc Resco chuyển nhượng 7/10 mặt bằng còn lại, Cơ quan điều tra không truy cứu trách nhiệm hình sự. Lý do là các mặt bằng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và kết quả định giá tài sản xác định giá trị chuyển nhượng không chênh lệch gây thất thoát tài sản Nhà nước.
|
(Theo sggp.org.vn)