Thứ Ba, 06/08/2024, 20:29 (GMT+7)
.

Phát hiện 294 vụ khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép

(ABO) Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang, từ khi triển khai Đề án Phòng, chống khai thác tài nguyên khoáng sản (đất, cát, sỏi…) trái phép trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, vùng giáp ranh giữa Tiền Giang với các tỉnh (gọi tắt là Đề án) đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 983 lượt kiểm tra.

Lực lượng Công an bắt quả tang trường hợp khai thác cát trái phép trên sông Tiền tại khu vực TP. Mỹ Tho.
Lực lượng Công an bắt quả tang trường hợp khai thác cát trái phép trên sông Tiền tại khu vực TP. Mỹ Tho.

Qua kiểm tra, các lực lượng chức năng đã phát hiện 294 vụ vi phạm với 405 đối tượng. Khối lượng cát tịch thu là 16,8 ngàn m3. Tổng số tiền xử phạt là khoảng 10,5 tỷ đồng. Qua số liệu cho thấy, tình hình khai thác cát trái phép chưa có dấu hiệu giảm.

Trước đó, vào ngày 21-9-2023, UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức Hội nghị triển khai Đề án Phòng, chống khai thác tài nguyên khoáng sản (đất, cát, sỏi…) trái phép trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và vùng giáp ranh giữa Tiền Giang với các tỉnh.

Theo Đề án, tài nguyên cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang chủ yếu tập trung ở 2 nhánh sông chính là sông Tiền và sông Vàm Cỏ.

Theo quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát lòng sông tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 đã được HĐND tỉnh Tiền Giang thông qua tại Nghị quyết 62/2013/NQ-HĐND ngày 12-12-2013, trữ lượng cát có thể đầu tư khai thác đạt hiệu quả kinh tế là khoảng 50,3 triệu m3; lượng cát bổ cập hằng năm khoảng 6,4 triệu m3.

Qua rà soát theo kết quả thăm dò, phê duyệt trữ lượng thì tổng trữ lượng cát trên địa bàn tỉnh Tiền Giang còn lại tại 35 khu vực mỏ là khoảng 40,7 triệu m3.

Đề án được triển khai với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, đấu tranh ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, hoạt động vận chuyển, kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường hiệu quả công tác phối hợp, đảm bảo tính liên thông giữa các địa phương, các sở, ngành tỉnh trong công tác đấu tranh phòng, chống tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.

Đề án còn có mục tiêu nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống khai thác khoáng sản trái phép và bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản chưa khai thác tại địa phương...

Phạm vi thực hiện Đề án là trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, vùng giáp ranh với các tỉnh. Trước mắt, tập trung đối với các địa bàn thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép như: TP. Mỹ Tho (xung quanh khu vực cồn Thới Sơn và cồn Tân Long); huyện Cái Bè (các xã Tân Thanh, Hòa Hưng, Hòa Khánh); huyện Cai Lậy (các xã Tam Bình, Ngũ Hiệp, Tân Phong); huyện Châu Thành (các xã Kim Sơn, Bình Đức, Phú Phong); huyện Chợ Gạo (xã Bình Ninh, Xuân Đông); huyện Gò Công Tây (xã Vĩnh Hựu, Bình Tân); huyện Tân Phú Đông (các xã Tân Thới, Phú Thạnh, Tân Phú); huyện Gò Công Đông (sông Soài Rạp, sông Vàm Cỏ); trong phạm vi vùng biển của tỉnh Tiền Giang.

Thời gian thực hiện giai đoạn 1 từ nay đến hết năm 2025; giai đoạn 2 từ sau năm 2025.

Y. P

.
.
.