Thứ Năm, 19/09/2024, 19:59 (GMT+7)
.

Tăng cường phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh

(ABO) Thực hiện Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 24-6-2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (gọi tắt là Chỉ thị 19), ngày 16-7-2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành Công văn 4374/UBND-KT về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Qua hơn 2 tháng triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế như: Việc chỉ đạo triển khai thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của một số đơn vị, địa phương còn chậm, chưa đề ra giải pháp cụ thể cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; văn bản chỉ đạo triển khai, giao việc, nội dung phân công nhiệm vụ của các đơn vị, địa phương còn chung chung, chưa cụ thể, rõ người, rõ việc và thời gian hoàn thành, nhất là cấp cơ sở còn xem nhẹ trách nhiệm của mình đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đặc biệt, có nơi còn “khoán trắng” cho lực lượng Công an tổ chức thực hiện; một số địa phương còn thiếu quyết liệt trong triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nên còn nhiều công trình tồn tại, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy chưa được khắc phục.

Nhằm đẩy mạnh thực hiện hiệu quả, đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị 19; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị và đề nghị các đoàn thể tỉnh, cơ quan Trung ương đóng địa bàn tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo:

1. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Công văn 4374/UBND-KT ngày 16-7-2024 về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, theo chức năng, nhiệm vụ được phân công và lĩnh vực, phạm vi quản lý của ngành, địa phương có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhất là đối với các công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào hoạt động, nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà trọ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh.

- Khẩn trương rà soát, phối hợp với lực lượng Công an tổ chức làm việc với người đứng đầu các cơ sở còn tồn tại, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để xác định trách nhiệm khắc phục, giải pháp cụ thể đối với từng cơ sở.

- Định kỳ tổ chức đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Chỉ thị 19, báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Công an tỉnh - Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tổng hợp) đối với báo cáo năm 2024 trước ngày 10-12-2024, báo cáo kết quả thực hiện quý I/2025 trước ngày 10-4-2025.

- Đối với những khó khăn, bất cập trong tổ chức khắc phục theo ngành dọc, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh thì đề nghị báo cáo bộ, ngành cấp trên để được hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể làm căn cứ tháo gỡ khó khăn cho các công trình vi phạm về phòng cháy, chữa cháy, nhất là đối với các công trình có nguồn đầu tư công.

2. Công an tỉnh

- Là cơ quan thường trực theo dõi, đôn đốc việc thực hiện trách nhiệm của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc xây dựng lộ trình, đảm bảo tiến độ thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với các công trình còn tồn tại vi phạm về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra thực tế tại các công trình còn tồn tại, vi phạm để theo dõi lộ trình thực hiện việc khắc phục (thực hiện từ nay đến tháng 3-2025), lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính theo quy định đối với các trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ. Tổng hợp các vấn đề vượt quá thẩm quyền, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn.

- Tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ) chưa phù hợp thực tiễn ở địa phương.

- Triển khai áp dụng thực hiện giải pháp kỹ thuật an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà, công trình theo Công văn 5228/UBND-NC ngày 21-8-2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Sở Xây dựng

Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh tổ chức tập huấn cho các địa phương, doanh nghiệp và các đối tượng có liên quan áp dụng đúng Quy chuẩn 06:2022/BXD và Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD ngày 16-10-2023 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình.

4. Sở Công Thương

- Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức và công dân trong đảm bảo an toàn sử dụng điện.

- Chỉ đạo ngành Điện phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn cơ quan, tổ chức và hộ gia đình các biện pháp quản lý, sử dụng điện an toàn, khắc phục tình trạng sử dụng điện không đúng cách, không đúng yêu cầu an toàn của nhà sản xuất, hạn chế tối đa cháy, nổ do điện gây ra.

5. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và đề nghị Báo Ấp Bắc

- Tăng thời lượng các tin, bài, phóng sự ngắn gọn, dễ hiểu, ưu tiên bố trí khung giờ có nhiều người theo dõi để tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn, cảnh báo nguy cơ cháy xảy ra tại các loại hình cơ sở, nhất là nhà ở có nhiều tầng, nhiều căn hộ.

- Phối hợp với Công an tỉnh và các nhà mạng nghiên cứu, biên soạn tin nhắn SMS với các nội dung tuyên truyền, khuyến cáo các biện pháp phòng cháy, chữa cháy gửi các thuê bao trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền.

6. Công ty Điện lực Tiền Giang

- Tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cơ quan, tổ chức, hộ gia đình thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn trong quản lý, sử dụng điện, khắc phục tình trạng sử dụng điện không đúng cách, không đúng yêu cầu của nhà sản xuất, hạn chế tối đa cháy, nổ do điện gây ra. Chỉ đạo giải quyết dứt điểm việc câu nối, mắc đường dây dẫn điện không đảm bảo an toàn trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn tỉnh khắc phục hệ thống đường dây lưới điện, đường dây thông tin đi chung cột điện lực không đảm bảo mỹ quan, an toàn về phòng cháy, chữa cháy; giảm thiểu nguyên nhân xảy ra cháy, nổ đối với hệ thống đường dây lưới điện và đường dây thông tin trên cột.

7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên

- Phối hợp với Công an tỉnh đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ” gắn với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức về phòng cháy, chữa cháy đến các đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú đa dạng. Đưa công tác phổ biến giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vào sinh hoạt định kỳ của mặt trận và các tổ chức, đoàn thể các cấp.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị

- Tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cơ quan, tổ chức, hộ gia đình thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, gắn với các biện pháp quản lý, sử dụng điện an toàn, khắc phục tình trạng sử dụng điện không đúng cách, không đúng yêu cầu của nhà sản xuất, hạn chế tối đa cháy, nổ do điện gây ra. Hướng dẫn, yêu cầu người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình tổ chức tự thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn; bảo đảm 100% hộ gia đình tại các nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ) phải có ít nhất một người được tập huấn kiến thức kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn và phải trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy xách tay.

- Thực hiện nghiêm việc thẩm định, cấp phép xây dựng đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (theo phân cấp quản lý) trong quá trình cấp phép xây dựng cải tạo đối với các loại hình trên, phải kiên quyết yêu cầu người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình thực hiện các giải pháp, điều kiện đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác này đối với Ủy ban nhân dân cấp xã.

- Tổ chức rà soát, kiểm tra, phân loại, hướng dẫn các giải pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ); yêu cầu người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình phải cam kết, có lộ trình thực hiện các giải pháp tăng cường phòng cháy, chữa cháy theo Công văn 5228/UBND-NC ngày 21-8-2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh (hoàn thành trước ngày 30-3-2025). Sau thời gian trên, nếu không tổ chức thực hiện phải dừng hoạt động cho đến khi thực hiện xong. 

- Chỉ đạo tổ chức rà soát việc thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ) theo phân cấp quản lý. Trong quá trình cấp phép xây dựng, cải tạo đối với các loại hình nêu trên phải kiên quyết yêu cầu người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình thực hiện các giải pháp, điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định.

- Rà soát các dự án, công trình được giao làm chủ đầu tư đang còn tồn tại, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy, chưa nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào sử dụng trên địa bàn quản lý để khắc phục các tồn tại về phòng cháy, chữa cháy tại các công trình do ngân sách Nhà nước đảm bảo (lộ trình thực hiện trong năm 2024 và năm 2025).

- Định kỳ hằng quý (kèm theo báo cáo quý), rà soát danh sách các cơ sở không đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy gửi về Công an tỉnh (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ) để tổng hợp.

- Rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đối với khu dân cư, khu vực cải tạo, chỉnh trang đô thị, giải tỏa để có biện pháp, giải pháp hạn chế nguy cơ cháy, nổ; đặc biệt chú ý các điều kiện về giao thông, nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Chỉ đạo giải quyết dứt điểm việc cơi nới, chiếm dụng lối đi chung, cản trở đường giao thông và lối thoát nạn; việc câu, mắc đường dây dẫn điện, viễn thông không đảm bảo an toàn theo quy định.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị và đề nghị các đoàn thể tỉnh, cơ quan Trung ương đóng địa bàn tỉnh nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện; đồng thời, thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo, thống kê theo quy định.

P.V








 

.
.
.