.

Tiền Giang: Tăng cường công tác phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

Cập nhật: 16:33, 12/09/2024 (GMT+7)

(ABO) Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự và đời sống nhân dân.

Trong đó, nổi lên là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, có xu hướng tăng về số vụ, mức độ nguy hiểm và hậu quả thiệt hại tương đối lớn; các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, xảo quyệt bằng việc sử dụng công nghệ thông tin, mạng viễn thông, mạng internet làm công cụ, phương tiện phạm tội. Cụ thể: 

- Thông qua các phương thức gọi điện thoại: Các đối tượng thường sử dụng các phần mềm công nghệ (VoIP, GoIP) có chức năng giả mạo đầu số, giả mạo số điện thoại gọi đến bị hại giả danh là cán bộ trong các cơ quan, tổ chức (Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, cơ quan thuế, nhân viên nhà mạng, bưu điện, điện lực...) sử dụng nhiều kịch bản khác nhau để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

- Thông qua việc chiếm quyền điều khiển (hack) tài khoản mạng xã hội (Zalo, Facebook, Messenger, Telegram, TikTok...) sau đó, gọi điện, nhắn tin đến bạn bè, người thân của chủ tài khoản để vay tiền, nhờ chuyển hộ tiền, mua thẻ cào điện thoại...; đặc biệt, xuất hiện thủ đoạn mới là đối tượng sử dụng công nghệ “Deepfake” để giả mạo âm thanh, video của chủ tài khoản, gọi “video call” để lừa đảo; sử dụng chức năng mở tài khoản ngân hàng online để tạo các tài khoản ngân hàng trùng tên với chủ tài khoản để lừa đảo.

- Thông qua hoạt động tham gia góp vốn kinh doanh hoặc đầu tư trên các sàn chứng khoán, tiền điện tử, các trang đánh bạc online: Các đối tượng tạo tài khoản Facebook ảo với hồ sơ cá nhân giàu có, có địa vị xã hội, hình ảnh người đại diện đẹp, thu hút để kết bạn làm quen.

Sau đó, đối tượng thường xuyên nhắn tin, chia sẻ, thăm hỏi, quan tâm rồi tạo tình cảm thân mật nam, nữ. Khi có được sự tin tưởng từ bị hại, đối tượng tư vấn để bị hại kiếm được lợi nhuận đối với những lần đầu tư ít, khi bị hại nạp nhiều tiền thì tạo các lý do để bị hại nạp thêm tiền rồi chiếm đoạt.

- Thông qua hoạt động tuyển dụng việc làm online, tuyển cộng tác viên bán hàng online, làm nhiệm vụ kiếm tiền và hoạt động kêu gọi làm từ thiện trên các trang mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

- Ngày 18-12-2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng; trong đó, quy định nếu khách hàng chuyển tiền trên 10 triệu đồng mỗi lần giao dịch buộc phải xác thực sinh trắc học, các đối tượng lừa đảo bắt đầu có hình thức lách sang việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán của khách hàng tổ chức dẫn đến việc xuất hiện tình trạng nhiều khách hàng tổ chức mới thành lập và chung người đại diện, đều đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử và chỉ giao dịch trên kênh ngân hàng điện tử, số lượng giao dịch lớn, tiền vào chuyển đi ngay.

Để chủ động trong công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và đề nghị các đoàn thể tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác phòng, chống tội phạm. Xác định công tác phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài của các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương được thực hiện mọi nơi, mọi lúc, mọi địa bàn, mọi lĩnh vực, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, địa phương.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng bằng nhiều hình thức, nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho Nhân dân; chú trọng truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, công nghệ số, các trang mạng xã hội, hệ thống thông tin cơ sở...

2. Công an tỉnh

- Tăng cường công tác tuyên truyền thông qua việc đăng tải, phát sóng các tin, bài, phóng sự cảnh báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, tuyên truyền về kết quả đấu tranh, triệt phá các vụ án nhằm răn đe, trấn áp tội phạm.

- Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành Thông tin và Truyền thông, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, internet thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ các trang web có dấu hiệu hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; kịp thời ngăn chặn một số trang web, ứng dụng (App) giả mạo hình ảnh, hoạt động của lực lượng Công an nhằm trộm cắp thông tin của người dùng, có dấu hiệu sử dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

- Tăng cường công tác nắm tình hình hoạt động của các đối tượng có điều kiện, khả năng hoặc có biểu hiện nghi vấn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng; rà soát, đưa vào diện giám sát chặt chẽ một số trang web, hội nhóm, tài khoản trên mạng xã hội thường xuyên đăng tải thông tin, bài viết, hình ảnh liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

3. Sở Thông tin và Truyền thông

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet, mạng viễn thông phù hợp với từng nhóm đối tượng, nhất là với nhóm nguy cơ trở thành nạn nhân bị lừa đảo; tăng cường thời lượng, tần suất các bài viết, phóng sự liên quan đến những phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng, hướng dẫn người dân nhận diện, ứng phó với các phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới của các đối tượng phạm tội.

- Quản lý hiệu quả đối với hoạt động cấp “sim” điện thoại, loại bỏ “sim rác”; chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ internet phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra các cấp trong cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác xác minh, xử lý tội phạm theo quy định của pháp luật.

4. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

Phối hợp với Công an tỉnh và các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tăng thời lượng, chuyên trang, chuyên mục để tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn, hậu quả do hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây ra, về chủ trương, chính sách, pháp luật và chế tài xử lý, kết quả phòng ngừa, đấu tranh của lực lượng chức năng.

5. Sở Tư pháp

Triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhằm tuyên truyền, phổ biến phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản và các quy định pháp luật có liên quan.

6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên

- Đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng, duy trì các mô hình phòng ngừa hiệu quả, vận động Nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm; trong đó, tập trung tuyên truyền hình thức, phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, từ đó, nâng cao ý thức, biện pháp phòng tránh cho Nhân dân và cộng đồng.

- Thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; cập nhật và khuyến cáo người dân chủ động cảnh giác, đề phòng trước các phương thức, thủ đoạn tội phạm lợi dụng mạng internet, mạng viễn thông để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; chủ động cập nhật thông tin đầy đủ về thủ đoạn của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng để có biện pháp phòng ngừa.

7. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho công nhân, viên chức, lao động về công tác phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; chú trọng hình thức, biện pháp tuyên truyền và phát huy tốt vai trò hiện nay là các phương tiện truyền thông tại cơ sở, các tiện ích của mạng xã hội (Zalo, Facebook...).

- Phối hợp tổ chức các chiến dịch truyền thông phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là tại các địa bàn khu - cụm công nghiệp, nơi tập trung đông công nhân lao động.

8. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Tiền Giang

- Tăng cường tuyên truyền phòng ngừa lừa đảo chiếm đoạt tài sản với đa dạng các hình thức, cách thức tiếp cận người dân (qua email, tin nhắn, bảng cảnh báo tại nơi giao dịch và nhân viên ngân hàng tư vấn trực tiếp...). Nghiêm túc và cẩn trọng trong việc mở tài khoản thanh toán đối với khách hàng tổ chức, nhằm hạn chế rủi ro tiềm ẩn trong việc tiếp tay cho các đối tượng khách hàng tổ chức mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại các ngân hàng để thực hiện hành vi gian lận, lừa đảo.

- Đẩy mạnh việc kiểm soát giao dịch liên quan đến tiền “ảo” trái quy định của pháp luật. Xây dựng phần mềm quản trị, cảnh báo sớm và phối hợp với cơ quan Công an xác minh các giao dịch đáng ngờ qua hệ thống ngân hàng.

9. UBND các huyện, thành, thị

- Triển khai đồng bộ, đa dạng, phong phú các hình thức tuyên truyền phòng, chống lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

- Nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp giữa các lực lượng, các ngành, các cấp, gắn với phân công nhiệm vụ cụ thể để phòng ngừa, xử lý có hiệu quả hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và đề nghị các đoàn thể tỉnh tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm các nội dung Công văn này.

P.V








 

.
.
.