Thứ Sáu, 20/09/2024, 13:53 (GMT+7)
.
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG:

Nâng cao chất lượng xét xử và cải cách tư pháp

Thời gian qua, Tòa án nhân dân (TAND) hai cấp trong tỉnh Tiền Giang đã chủ động triển khai mạnh mẽ công tác cải cách tư pháp, tập trung vào các giải pháp mang tính đột phá, nâng cao chất lượng công tác xét xử các loại án, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm.

TỶ LỆ GIẢI QUYẾT VỤ VIỆC CAO

Trong năm công tác, TAND tỉnh Tiền Giang đã thực hiện quyết liệt công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình xét xử. Các phiên tòa được tổ chức minh bạch và dân chủ, tạo điều kiện cho mỗi cá nhân, tổ chức có quyền lợi liên quan được trình bày ý kiến và bảo vệ quan điểm của mình. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào hệ thống tư pháp.

Các phiên tòa rút kinh nghiệm đã đảm bảo không khí tranh tụng theo tinh thần cải cách tư pháp.
Các phiên tòa rút kinh nghiệm đã đảm bảo không khí tranh tụng theo tinh thần cải cách tư pháp.

Trong 10 tháng của năm công tác 2024, TAND hai cấp tỉnh Tiền Giang đã thụ lý tổng cộng 14.315 vụ việc, đã giải quyết 9.426 vụ việc, đạt tỷ lệ 65,85%, không có án quá thời hạn chuẩn bị xét xử. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ thụ lý tăng 852 vụ việc, số vụ giải quyết tăng 593 vụ việc và tỷ lệ giải quyết tăng 0,8%. Trong đó, TAND hai cấp có tổng số lượng án bị hủy, sửa 7 vụ, chiếm tỷ lệ 0,07%, giảm 0,01% so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ án bị hủy, sửa thấp hơn nhiều so với quy định của TAND tối cao đề ra là 1,5%.

TAND hai cấp đã thụ lý 961 bị án có bản án có hiệu lực pháp luật và đã ra quyết định thi hành án cho 961 bị án đủ điều kiện thi hành án phạt tù. Hiện còn 9 bị án bị kết án tù còn tại ngoại ở cấp tỉnh (trong đó, Công an đã ra lệnh truy nã cho 4 bị án, hoãn thi hành án cho 2 bị án và tạm đình chỉ thi hành án cho 3 bị án); ở cấp huyện là 30 bị án (trong đó, Công an ra lệnh truy nã cho 4 bị án, hoãn thi hành án cho 26 bị án); còn 6 bị án đang chờ thi hành án tử hình. Hội đồng xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, đã xét giảm một phần thời hạn tù cho 1.272 phạm nhân vào dịp Tết Nguyên đán, không có thi hành án tử hình.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG XÉT XỬ

TAND hai cấp tiếp tục duy trì và đẩy mạnh nguyên tắc tranh tụng trong tất cả các loại vụ việc. Mục tiêu là đảm bảo thực chất của quá trình tranh tụng mà không hạn chế về thời gian; đồng thời định hướng cho các bên liên quan vào những vấn đề nội dung liên quan đến việc giải quyết vụ án. Việc này nhằm đảm bảo dân chủ, công khai theo quy định của pháp luật, từ đó nâng cao chất lượng xét xử tại TAND hai cấp.

TAND hai cấp tiếp tục thực hiện cải cách hành chính nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân khi có công việc tại Tòa án. Các hoạt động như: Tiếp dân, thụ lý, xử lý, phân công giải quyết vụ việc, phát hành văn bản và tài liệu, cũng như tổng hợp kết quả, chất lượng xét xử và thi hành án hình sự được tập trung vào một đầu mối. Mục tiêu là thực hiện các thủ tục này với thời gian ngắn nhất, hạn chế tối đa những thủ tục rườm rà không cần thiết.

Chánh án TAND tỉnh Tiền Giang Huỳnh Xuân Long cho biết, hiện nay, TAND hai cấp tỉnh đang thụ lý 281 vụ án liên quan đến tranh chấp đất đai. Tuy nhiên, các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh lại chậm gửi bản vẽ đo đạc hoặc chậm phê duyệt, điều này đã tác động tiêu cực đến công tác xét xử của Tòa án.

Một trong những khó khăn là sự chồng chéo trong quy định pháp luật hoặc việc áp dụng pháp luật không chính xác, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Để giải quyết những khó khăn này, TAND tỉnh đã tổ chức buổi trao đổi nhằm tháo gỡ vướng mắc trong việc phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong giải quyết án tranh chấp quyền sử dụng đất…

Trong 10 tháng của năm công tác, TAND hai cấp đã tổ chức 92 phiên tòa rút kinh nghiệm (gồm 18 phiên tòa cấp tỉnh và 74 phiên tòa cấp huyện), trung bình 0,60 phiên tòa trên một Thẩm phán. Sau mỗi phiên tòa, công tác rút kinh nghiệm được tiến hành, tập trung vào việc áp dụng pháp luật, điều hành phiên tòa của Thẩm phán Chủ tọa, kỹ năng xử lý tình huống và công tác chuẩn bị tổ chức phiên tòa. Từ đó, các bài học kinh nghiệm chung được rút ra.

Nhìn chung, việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm đã được thực hiện tốt, đảm bảo không khí tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp. Các Thẩm phán chưa tổ chức được phiên tòa rút kinh nghiệm cần nhanh chóng thực hiện theo chỉ tiêu đề ra, đảm bảo phù hợp với chỉ đạo của TAND Tối cao.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa Tòa án với các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan chuyên môn khác luôn được thực hiện tốt, chưa có phát sinh những khó khăn, vướng mắc. Công tác phối hợp trong thời gian qua luôn đảm bảo sự thống nhất cao, với vai trò nhiệm vụ của mỗi ngành đều thể hiện được tinh thần trách nhiệm, phối hợp để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Cụ thể, thời gian qua, TAND hai cấp tỉnh đã gặp nhiều khó khăn trong công tác giải quyết các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất.

Nguyên nhân là do số lượng án ngày càng gia tăng, cùng với tính chất phức tạp của các vụ việc. Một số cơ quan và đơn vị thường chậm trễ trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ khi được Tòa án yêu cầu, trong khi công tác đo đạc, thẩm định và định giá còn tồn tại nhiều hạn chế. Hơn nữa, nhiều đương sự có phản ứng gay gắt và gây khó khăn trong quá trình thẩm định, định giá, ảnh hưởng đến tỷ lệ giải quyết án của TAND hai cấp tỉnh.

Ngoài ra, việc thu thập hồ sơ, tài liệu và thông tin liên quan đến quyền sử dụng đất ở các địa bàn chia tách và sáp nhập cũng trở nên phức tạp. Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh gặp khó khăn trong việc cung cấp thông tin về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho TAND hai cấp do một số hồ sơ đã bị thất lạc.

ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC TÒA ÁN

Trong bối cảnh cải cách tư pháp đang diễn ra mạnh mẽ, hệ thống TAND hai cấp trong tỉnh Tiền Giang đang đối mặt với nhiều thách thức về cơ sở vật chất, trang thiết bị và kỹ thuật. Cụ thể, các phòng xử án vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo Nghị quyết 33 ngày 12-11-2021 của Quốc hội về phiên tòa trực tuyến. Việc bố trí và sắp xếp phòng hòa giải, đối thoại cũng gặp khó khăn, ảnh hưởng đến việc triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án như: Bố trí, sắp xếp phòng hòa giải, đối thoại riêng, phòng làm việc của hòa giải viên...

Đẩy mạnh nguyên tắc tranh tụng góp phần nâng cao chất lượng xét xử tại TAND hai cấp.
Đẩy mạnh nguyên tắc tranh tụng góp phần nâng cao chất lượng xét xử tại TAND hai cấp.

Bên cạnh đó, trụ sở của TAND tỉnh và một số TAND cấp huyện vẫn còn chật hẹp, thiếu các phòng chức năng thiết yếu. Mặc dù đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, song việc bố trí quỹ đất để xây dựng trụ sở mới vẫn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc phối hợp giữa các cơ quan trong công tác đo đạc và định giá còn hạn chế, chủ yếu do thời gian thực hiện kéo dài và việc cung cấp chứng cứ, tài liệu còn chậm, từ đó tác động đến chất lượng xét xử của TAND hai cấp.

Tổng số biên chế của TAND hai cấp hiện nay vẫn chưa đáp ứng đủ so với phân bổ, dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giải quyết các vụ việc. Dù chất lượng xét xử đã có nhiều cải thiện, với tỷ lệ án hủy, sửa do lỗi chủ quan thấp hơn so với quy định của Quốc hội, vẫn còn tồn tại một số sai sót trong việc áp dụng pháp luật và đánh giá chứng cứ.

Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác trong những tháng cuối năm công tác 2024, Chánh án TAND tỉnh Tiền Giang Huỳnh Xuân Long cho biết, TAND hai cấp cùng với đoàn Hội thẩm đã xác định nhiều nhiệm vụ trọng tâm quan trọng. Trước tiên, Tòa án tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao tốc độ và chất lượng xét xử các loại vụ việc, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu yêu cầu theo Nghị quyết của Quốc hội. Việc tuân thủ nguyên tắc tranh tụng và tập trung vào công tác hòa giải, đối thoại sẽ được đặt lên hàng đầu để giảm thiểu tranh chấp, khiếu kiện.

Đáng chú ý, Tòa án cũng sẽ khắc phục triệt để tình trạng vụ án quá thời hạn xét xử do nguyên nhân chủ quan, bảo đảm rằng các vụ án được xét xử một cách nghiêm minh, công bằng và đúng pháp luật, ngăn chặn tối đa nguy cơ oan sai, bỏ lọt tội phạm. Đặc biệt, việc thực hiện chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ được quan tâm mạnh mẽ, với mục tiêu tổ chức xét xử kịp thời và nghiêm minh đối với các vụ án tham nhũng.

Các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ được yêu cầu xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ; đồng thời triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, góp phần giảm áp lực công việc cho hệ thống tư pháp. Ngoài ra, Tòa án sẽ tiến hành rà soát biên chế và khối lượng công việc, đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong công tác phân bổ nguồn lực. Việc tổ chức đào tạo và bồi dưỡng cán bộ công chức sẽ chú trọng tới phát triển nguồn nhân lực, nhấn mạnh vào sự cần thiết trong lãnh đạo và quản lý.

Công tác thanh tra, kiểm tra sẽ được siết chặt, cùng với việc đảm bảo tuân thủ Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán. Khai thác và sử dụng có hiệu quả các phần mềm nội bộ dùng chung trong hệ thống TAND; vận hành hiệu quả phần mềm Trợ lý ảo; hệ thống giám sát điều hành TAND - đồng chí Huỳnh Xuân Long cho biết thêm.

HÀ NAM

.
.
.