Hậu quả của việc giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang xảy ra một số vụ án giết người, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ mâu thuẫn trong sử dụng rượu, bia, bộc phát trong lúc nóng giận nhất thời, không kiểm soát được hành vi, để lại nhiều hệ lụy cho xã hội và gia đình, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.
Những ngày qua, người dân ấp Nghĩa Chí, xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông xôn xao về vụ án xảy ra trên địa bàn ấp. Người gây án là Nguyễn Duy Tài (sinh năm 1973, cư trú phường Tân Hòa, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) và nạn nhân là anh Bùi Viết Minh (sinh năm 1988, cư trú xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ).
Hiện trường giết người tại xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông. Ảnh : Thanh Việt |
Ngay sau khi vụ án xảy ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Tiền Giang đã bắt tạm giam Nguyễn Duy Tài để điều tra, làm rõ về hành vi giết người. Tại Cơ quan điều tra, Tài khai: Vào ngày 20-10, Tài đến đầm tôm ở ấp Nghĩa Chí, xã Phước Trung để sửa chữa chỗ ở, chuẩn bị cho ông chủ nuôi tôm. Tại đây, Tài cùng anh Bùi Viết Minh và 2 người khác tổ chức uống rượu.
Sau khi uống rượu, giữa anh Minh và Tài xảy ra mâu thuẫn, cự cãi, dẫn đến đánh nhau. Được mọi người can ngăn, anh Minh đi ra ngoài, còn Tài vào trong dọn dẹp và mang dao, thớt đi rửa.
Lúc này, anh Minh cầm hung khí xông vào đánh Tài. Cả 2 xô xát, rồi té xuống ao. Sẵn con dao đang cầm trên tay, Tài đâm anh Minh tử vong. Sau khi gây án, Tài luôn cảm thấy ray rứt, hối hận và ám ảnh tội lỗi. Tài cho rằng hành động diễn ra trong lúc say rượu, bản thân không nhớ được điều gì.
Đối tượng Nguyễn Duy Tài. Ảnh: TV |
Người xưa có câu “Rượu vào lời ra”, khi đã có hơi men trong người, bản thân mất kiểm soát về lời nói, hành vi nên chỉ vì mâu thuẫn nhỏ dẫn đến án mạng. Lỗi không hoàn toàn do người gây án, nếu như anh Bùi Viết Minh không vì say rượu, nóng giận, có hành vi quá khích mà bình tĩnh hơn thì bi kịch đã không xảy ra. Có mặt tại hiện trường lúc đó, anh Bùi Trung Tự, đăng ký thường trú TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương kể: “Sau khi nhậu, cãi nhau, không ai nhường ai, rồi xô xát, không kiềm chế được dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, chứ 2 người chưa gặp nhau, chưa có mâu thuẫn trước”.
Một vụ án khác, cũng vì mâu thuẫn bộc phát mà Phan Hồng Quân (sinh năm 1983, cư trú ấp Vĩnh Quí, xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đã phạm tội giết người. Quân và anh Nguyễn Văn Đức, cư trú huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, tạm trú xã Long Tiên, huyện Cai Lậy, cùng làm thuê tại 1 vựa trái cây trên địa bàn ấp Mỹ Thạnh A, xã Long Tiên. Ngày 6-10, anh Đức nhờ Quân mua 1 con dê.
Đối tượng Phan Hồng Quân. |
Chiều ngày 6-10, Quân chở con dê đến vựa trái cây nhưng anh Đức cho rằng Quân mua hàng không đúng ý nên không nhận. Cả 2 xảy ra mâu thuẫn, cự cãi. Quân dùng dao mang theo trong người đâm anh Đức gây thương tích, rồi rời khỏi hiện trường. Anh Đức được mọi người đưa đến bệnh viện cấp cứu, sang ngày hôm sau thì tử vong.
Qua công tác vận động, đối tượng Phan Hồng Quân đã đến Cơ quan Công an đầu thú. Tại cơ quan Công an, Quân giải thích: “Tôi chở con dê đi dùm mà anh Đức còn nói ngang ngược, nên tôi bực quá, thiếu suy nghĩ, chủ yếu là dọa thôi, mà dẫn tới án mạng. Giờ tôi quá hối hận, nhưng cũng đã quá muộn, phải chi tôi kiềm chế hơn…”. Chỉ vì một phút nóng giận, cạn nghĩ, Quân đã gây ra nỗi đau cho gia đình nạn nhân và bản thân phải chịu sự trừng phạt của lương tâm và pháp luật.
Để không phải thốt ra các từ “phải chi”, “giá như” một cách muộn màng, trong cuộc sống, bản thân mỗi người phải rèn luyện sự nhẫn nhịn, tôn trọng lẫn nhau, chấp hành nghiêm luật pháp, tự kiềm chế bản thân, ứng xử đúng mực, tuyệt đối không dùng vũ lực giải quyết mâu thuẫn, để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Thực trạng này lại một lần nữa là hồi chuông cảnh báo để mọi người cùng nêu cao trách nhiệm phòng ngừa.
HỒ SƯƠNG - M.T