Thứ Hai, 28/10/2024, 20:02 (GMT+7)
.

Sáng mai, 29-10, cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Ninh hầu tòa trong vụ án Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Theo kế hoạch, sáng mai, 29-10, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh cùng 11 bị cáo trong vụ án “Đưa hối lộ” , “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo quyết định xét xử, phiên tòa diễn ra từ ngày 29-10 đến ngày 31-10 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh. Thẩm phán Vũ Công Đồng, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh làm chủ tọa phiên tòa. Các kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao biệt phái gồm 3 người và 2 kiểm sát viên thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Đến thời điểm này, có 20 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo. Các bị cáo: Nguyễn Nhân Chiến, Nguyễn Tử Quỳnh, Nguyễn Hạnh Chung (cựu Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh) và bị cáo Trần Văn Tuynh (cựu Giám đốc Ban Quản lý Dự án công trình xây dựng y tế tỉnh Bắc Ninh) bị đưa ra xét về tội “Nhận hối lộ”.

Bị cáo Nguyễn Tiến Nhường (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh) bị xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Liên quan đến vụ án này, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế - AIC) bị xét xử về tội “Đưa hối lộ”. Bị cáo Nguyễn Hồng Sơn (Phó Tổng Giám đốc AIC) và 6 bị cáo liên quan bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

a
Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Nguyễn Tử Quỳnh

Tại phiên tòa này, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị xử vắng mặt lần thứ 4 về tội "Đưa hối lộ". Trước đó, bị cáo Nhàn bị tuyên phạt 30 năm tù trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai; 10 năm tù trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh; 24 năm tù trong vụ án xảy ra tại Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM. Bị cáo Nhàn bị tổng hợp các bản án là 30 năm tù (án có thời hạn không quá 30 năm tù).

Bên cạnh 4 vụ án trên, tháng 12-2023, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn còn bị truy tố trong vụ án xảy ra tại Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) liên quan đến hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trước ngày diễn ra phiên tòa, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã gửi giấy triệu tập hơn 30 đơn vị, tổ chức và cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong đó, có nhiều tổ chức, đơn vị thuộc khối cơ quan hành chính của tỉnh Bắc Ninh. Bên cạnh đó, hàng chục người làm chứng cũng được tòa án triệu tập tới phiên xử.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân tối cao, năm 2013, ông Đặng Tiên Phong (Chủ tịch Công ty Sông Hồng, đã mất năm 2021) liên hệ với Trần Văn Tuynh đặt vấn đề người này phụ trách xin vốn bổ sung từ Chính phủ cho lĩnh vực y tế tại Bắc Ninh. Đổi lại, bị cáo Tuynh và chính quyền tỉnh Bắc Ninh giúp Công ty Sông Hồng trúng 6 gói thầu thiết bị y tế tại bệnh viện các huyện Quế Võ, Yên Phong, Gia Bình, Lương Tài, Thuận Thành, Tiên Du. Bị cáo Tuynh đồng ý nhưng sau đó, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn cũng liên hệ nội dung tương tự.

Do biết bị cáo Nhàn có quan hệ với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và Trung ương nên bị cáo Tuynh báo cáo lại việc này cho bị cáo Nguyễn Hạnh Chung (khi đó là Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh) cùng bị cáo Chiến (khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh) và bị cáo Quỳnh (khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh).

Hai bên sau đó thống nhất, để tránh va chạm giữa Công ty Sông Hồng và AIC, thì Công ty Sông Hồng sẽ thực hiện 3 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế tại bệnh viện các huyện Yên Phong, Tiên Du, Quế Võ (các huyện phía Bắc sông Đuống). Còn AIC thực hiện 3 gói thầu tại Gia Bình, Thuận Thành, Lương Tài (các huyện phía Nam sông Đuống).

Cáo trạng xác định, các bị cáo đã vi phạm quy định về đấu thầu khi dùng các doanh nghiệp làm “quân xanh” tham gia đấu thầu, nâng giá thiết bị y tế. Đến nay, cả 6 gói thầu đã được bàn giao đưa vào sử dụng và gây thiệt hại hơn 48 tỷ đồng ngân sách nhà nước. Trong thời gian “bắt tay” để thực hiện các gói thầu, hai lãnh đạo Công ty Sông Hồng là Đặng Tiên Phong và Lê Tuấn Hưng đã đưa hối lộ cho bị cáo Tuynh 6 tỷ đồng. Bị cáo Tuynh đưa lại cho bị cáo Chiến và bị cáo Quỳnh, mỗi người 1 tỷ đồng. Cùng với đó, bị cáo Tuynh còn tặng quà bị cáo Nhường nhiều lần với tổng số tiền 300 triệu đồng. Bị cáo Nhàn cũng đưa hối lộ cho các bị cáo Chiến, Quỳnh và Nhường.

Quá trình điều tra, bị cáo Nguyễn Nhân Chiến khai, từ năm 2014 đến khi nghỉ hưu năm 2020, vào các dịp lễ, tết đều được người của Nguyễn Thị Thanh Nhàn tặng quà. Tổng cộng, bị cáo Nhàn có 13 lần lên phòng làm việc của bị cáo Chiến tại trụ sở UBND tỉnh và Tỉnh ủy Bắc Ninh. Mỗi lần gặp, bị cáo Nhàn đưa từ 500 triệu đến 3 tỷ đồng, tổng số tiền 13 tỷ đồng. Cộng với 1 tỷ đồng bị cáo Chiến nhận từ bị cáo Tuynh, cơ quan tố tụng xác định, bị cáo Chiến đã nhận hối lộ 14 tỷ đồng từ nguồn tiền của AIC và Công ty Sông Hồng. Quá trình điều tra, đến nay, bị cáo Chiến và gia đình đã giao nộp toàn bộ số tiền đã nhận hối lộ.

Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Tử Quỳnh trong vai trò Phó Chủ tịch UBND, rồi Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cũng nhiều lần nhận hối lộ của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Công ty Sông Hồng, tổng số 8,1 tỷ đồng. Hiện, bị cáo Quỳnh và người thân cũng đã giao nộp lại toàn bộ số tiền đã nhận hối lộ.

Theo sggp.org.vn

.
.
.