Tiếp tục thực hiện tốt công tác tiếp nhận giải quyết tin tố giác tội phạm trên lĩnh vực tài nguyên khoáng sản
(ABO) Ngày 10-10, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Đề án Phòng, chống khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, vùng giáp ranh giữa Tiền Giang với các tỉnh (gọi tắt là Đề án).
Hội nghị do đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh biểu dương kết quả sau 1 năm thực hiện Đề án. Đồng thời, đồng chí đề nghị các sở, ngành, địa phương cần quan tâm thực hiện các nội dung trong thời gian tới: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh, nhất là Quyết định 2107 ngày 18-9-2023 về việc phê duyệt Đề án; Kế hoạch 123 ngày 11-4-2023 về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản, cát sông và cửa biển trên địa bàn tỉnh.
Các đơn vị cần xác định việc thực hiện Đề án là trách nhiệm của từng cơ quan, từng cá nhân và đây là công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Công tác tuyên truyền tiếp tục đẩy mạnh phát động phong trào Toàn dân tham gia tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát trái phép.
Các đơn vị tiếp tục thực hiện tốt công tác tiếp nhận giải quyết tin tố giác, tin báo về tội phạm và vi phạm trên lĩnh vực tài nguyên khoáng sản; kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có hành vi để lộ lọt thông tin, tiếp tay, bao che, lơ là để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý.
Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Công an tỉnh tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông thủy nội địa và hướng dẫn các địa phương xử lý nghiêm các trường hợp không đăng ký, đăng kiểm, hoán cải phương tiện thủy nội địa…
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu tại hội nghị. |
Theo báo cáo kết quả xử lý vi phạm hành chính 1 năm thực hiện Đề án, các sở, ngành, địa phương đã tổ chức 1.160 lượt kiểm tra, đã phát hiện 300 vụ việc vi phạm với 417 đối tượng vi phạm, với số tiền xử phạt trên 10,7 tỷ đồng, số lượng cát tịch thu trên 17.160 m3.
Về xử lý tang vật vi phạm hành chính, tại thời điểm hiện nay, Công an tỉnh đã định giá 20 phương tiện với tổng giá khởi điểm trên 1,2 tỷ đồng và đang trong giai đoạn quyết định lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản.
Riêng Sở Tài nguyên và Môi trường đã xác định lại tổng giá khởi điểm của 13 phương tiện với giá khởi điểm trên 491 triệu đồng, hiện nay đang thực hiện các bước tiếp theo trước khi đưa ra đấu giá tài sản. Về xử lý hình sự, Công an tỉnh đã tiếp nhận khởi tố 10 vụ/10 bị can, về tội danh “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”.
Cấp huyện khởi tố 8 đối tượng. Các đơn vị đã tổ chức tuyên truyền được 104 cuộc với trên 3.993 đại biểu tham dự; ngoài ra còn thực hiện 6 cuộc tuyên truyền trên đài phát thanh ở các huyện, các xã có sông Tiền đi qua và 82 lượt tuyên truyền cho 82 đối tượng vi phạm khai thác cát trái phép…
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án. |
Hiện nay trên toàn tỉnh có 129 phương tiện gắn thiết bị hút cát, 77 bến bãi kinh doanh cát san lấp; 8/8 huyện có địa bàn giáp sông Tiền đã thực hiện xong rà soát và cho các đối tượng viết cam kết đối với chủ phương tiện có gắn thiết bị bơm hút cát, các chủ phương tiện kinh doanh vận chuyển cát và bến bãi tập kết kinh doanh cát, các đối tượng người làm thuê.
Dịp này, UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 14 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án.
CAO THẮNG