Chủ Nhật, 20/10/2024, 12:47 (GMT+7)
.

Tội ác của Y Quynh Bdap - kẻ khủng bố bị dẫn độ về Việt Nam

Y Quynh Bdap chỉ đạo vụ khủng bố ở Đăk Lăk khiến 9 cán bộ và người dân thiệt mạng, trốn truy nã và bị Thái Lan bắt, sẽ bị dẫn độ về Việt Nam thụ án tù 10 năm.

Hôm 17-10, trước thông tin tòa án Thái Lan quyết định dẫn độ Y Quynh Bdap (32 tuổi) về Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng - người phát ngôn Bộ Ngoại giao, cho biết đây là kẻ đã trực tiếp tuyển mộ, kích động và chỉ đạo thực hiện vụ khủng bố ngày 11-6-2023 tại tỉnh Đăk Lăk, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Hồi đầu năm nay, hắn đã bị TAND tỉnh Đăk Lăk tuyên phạt 10 năm tù về tội Khủng bố.

"Việc dẫn độ Y Quynh Bdap là phù hợp và nhằm bảo đảm mọi đối tượng phạm tội đều phải bị xử lý trước pháp luật", bà Hằng khẳng định.

Y Quynh Bdap khi bị bắt ở Thái Lan hồi tháng 6. Ảnh: Bangkok Post
Y Quynh Bdap khi bị bắt ở Thái Lan hồi tháng 6. Ảnh: Bangkok Post


Y Quynh Bdap là ai?

Năm 2012, Y Quynh Bdap từng bị khởi tố do vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, cơ quan điều tra xét thấy người này nhận thức hạn chế, bị kẻ xấu lôi kéo, nên đã thực hiện chính sách nhân đạo của pháp luật - cho miễn trách nhiệm hình sự, giao địa phương quản lý.

Theo bản án của TAND tỉnh Đăk Lăk, năm 2017, Y Quynh Bdap cùng H Wuêñ Êban (48 tuổi) lên kế hoạch lôi kéo nhiều người. Họ cùng một số nhân vật chủ chốt chuẩn bị vũ khí, chụp hình chung với đám đông, gửi cho các tổ chức ở nước ngoài đề nghị công nhận "Nhà nước Đêga".

Năm 2018, Y Quynh Bdap vượt biên trái phép qua Thái Lan, thành lập nhóm Người Thượng vì công lý (viết tắt là MSFJ) nhằm tuyên truyền, kích động, lôi kéo người đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Nguyên tiến hành các hoạt động bạo động vũ trang, khủng bố.

Những người này thường xuyên liên lạc với nhóm Hỗ trợ người Thượng (viết tắt là MSGI) có trụ sở tại Mỹ, do Y Mut Mlô (64 tuổi, quê Đăk Lăk) thành lập năm 2011 và giữ chức chủ tịch. Tổ chức khủng bố này hoạt động nhằm móc nối, lôi kéo người dân tộc thiểu số sử dụng bạo lực, tiến hành khủng bố, kích động biểu tình, bạo loạn vũ trang đòi ly khai, tự trị, đòi thành lập "Nhà nước Đêga" ở Tây Nguyên. H Wuên Êban thuộc nhóm này.

Thành viên nhóm khủng bố tuyên thệ trước khi thực hiện vụ tấn công. Ảnh: Bộ Công an
Thành viên nhóm khủng bố tuyên thệ trước khi thực hiện vụ tấn công. Ảnh: Bộ Công an


Cơ quan điều tra xác định, năm 2018, Y Quynh Bdap cùng H’Wuên Êban và khoảng 15 người chủ chốt họp chỉ đạo kế hoạch lôi kéo thành viên, chuẩn bị vũ khí, luyện tập võ thuật và rèn luyện sức khỏe để chuẩn bị cho các cuộc bạo động. Y Quynh Bdap phân công người phụ nữ này trực tiếp đứng đầu lực lượng Đêga trong nước. Còn Y Krông Phôk là người cầm đầu nhóm ở huyện Lăk và Krông Ana.

Sau đó, Y Quynh Bdap thường xuyên liên hệ, trao đổi thông tin, tài liệu, hình ảnh về các hoạt động chống phá trong và ngoài nước với Y Krông Phôk thông qua mạng xã hội WhatsApp và Messenger. Các thông tin này sẽ đăng tải lên những trang mạng xã hội để đưa ra các luận điệu xuyên tạc, chống phá.

Để hỗ trợ việc chuẩn bị vũ khí, lôi kéo người dân tham gia, Y Mut Mlô (một trong những người đứng đầu MSGI (đang bị truy nã) gửi tiền về để lôi kéo người tham gia tổ chức "Nhà nước Đêga", mua súng, đạn, thuốc, kíp nổ...

Năm 2022, dưới sự chỉ đạo của Y Quynh Bdap, H’Wuên Êban cùng Y Krông Phôk và nhiều người khác gặp nhau tại khu du lịch núi Đá Voi (huyện Krông Bông) để bàn bạc kế hoạch tập luyện, mua vũ khí chuẩn bị lực lượng cho các cuộc tấn công, bạo động.

Đến đầu năm 2023, H Wuêñ Êban báo cáo, xin ý kiến các thành viên tổ chức Nhóm hỗ trợ người Thượng cho nhóm Lính Đêga thực hiện kế hoạch khủng bố trong nước, tấn công vũ trang, cướp vũ khí, phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, giết cán bộ và người dân nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng.

H Wuêñ Êban (giữa) tại phiên tòa hồi tháng 1. Ảnh: TTXVN
H Wuêñ Êban (giữa) tại phiên tòa hồi tháng 1. Ảnh: TTXVN


Ngày 12-5-2023, Y Sôl Niê từ Mỹ đến Thái Lan liên lạc với H Wuêñ Êban và các thành viên cốt cán của nhóm Lính Đêga, nhiều lần họp bàn kế hoạch, chọn trụ sở cơ quan Nhà nước để tấn công vũ trang, lật đổ chính quyền, tiến tới thành lập "Nhà nước Đêga" tại Tây Nguyên; chọn chòi rẫy tại buôn Jung A, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin làm nơi tập kết; chọn Lữ đoàn Đặc công 198 ở xã Hòa Đông, huyện Krông Păc, để đột nhập, cướp súng, đạn trang bị cho nhóm Lính Đêga.

Tháng 5-2023, sau khi nghe H’Wuên báo cáo tình hình về lực lượng, vũ khí và kế hoạch chuẩn bị tấn công, Y Quynh Bdap cho biết nếu tấn công thành công và có sự can thiệp từ các tổ chức nước ngoài thì hắn sẽ về Việt Nam để cùng H Wuên Êban và các thành viên khác của tổ chức Lính Đêga thực hiện các hoạt động khủng bố.

Chỉ đạo tấn công trụ sở cơ quan chính quyền

Sau hai lần nhóm H Wuên Êban phải từ bỏ ý định tấn công Lữ đoàn Đặc công 198 vì sợ hãi và không đủ nguồn lực, Y Quynh Bdap đề nghị tấn công các trụ sở cơ quan nhà nước.

Nhóm khủng bố sau đó phân công nhau đi khảo sát 4 trụ sở UBND xã thuộc huyện Cư Kuin. Tuy nhiên, khi thấy lực lượng ít, nếu chia nhỏ thành 4 nhóm sẽ không đảm bảo thành công, nên chúng quyết định chọn xã Ea Ktur và Ea Tiêu. Khi thành công sẽ mở rộng các địa bàn khác.

Cơ quan điều tra xác định, từ ngày 9 đến ngày 10-6-2023, các kẻ khủng bố tham gia nhóm Lính Đêga tập luyện võ thuật, chế tạo bom xăng, hướng dẫn cách sử dụng súng, đạn...

Tối 10-6-2023, chúng tập trung tại chòi rẫy để phân phát vũ khí, điểm danh, quay phim, chụp ảnh và chia thành 2 nhóm: một do Y Jǔ Niê và Y Thô Ayǔn chỉ huy cùng 33 người đi bộ đến tấn công trụ sở xã Ea Ktur; hai là do Y Tim Niê chỉ huy 34 người đi bằng môtô đến tấn công trụ sở xã Ea Tiêu.

Trong suốt thời gian tập trung, Y Quynh Bdap gọi video động viên, khích lệ và ra lệnh "đã làm thì phải làm đến cùng, không được bỏ cuộc", đồng thời yêu cầu phải dùng điện thoại quay lại toàn bộ hình ảnh lực lượng Lính Đêga, hình ảnh lá cờ "Nhà nước Đêga" gửi cho mình để đề nghị các tổ chức nước ngoài can thiệp, hỗ trợ và bảo vệ.

Các bị cáo bị xét xử hồi tháng 1. Ảnh: TTXVN
Các bị cáo bị xét xử hồi tháng 1. Ảnh: TTXVN


Từ đêm 10-6-2023 đến rạng sáng 11-6-2023, tại trụ sở xã Ea Ktur, chúng đã thực hiện hành vi phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân; giết chết 2 cán bộ Công an xã (Nguyễn Đăng Nhân và Hoàng Trung); làm 2 cán bộ công an xã bị thương nặng (Đàm Đình Bốp và Lê Kiên Cường).

Tại trụ sở xã Ea Tiêu, nhóm khủng bố đã thực hiện hành vi phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân; giết 2 cán bộ Công an xã (Hà Tuấn Anh và Trần Quốc Thắng). Trên đường rút chạy, chúng tiếp tục thực hiện hành vi phá hủy tài sản của người dân; uy hiếp 3 người dân làm con tin; giết 2 cán bộ (Nguyễn Văn Kiên - Bí thư Đảng ủy xã Ea Ktur và Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ea Tiêu) và 3 người dân (Hoàng Minh Khánh, Lê Xuân Hoàng, Lê Minh Vương).

Trong thời gian ngắn, Bộ Công an đã bắt giữ 94 bị can từ 18 đến 56 tuổi; truy nã 6 người đang trốn ở nước ngoài, trong đó có Y Mút Mlô, Y Quynh Bdap.

Bộ Công an xác định đây là vụ khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và có sự tiếp tay, chỉ đạo từ nước ngoài. Hành vi của nhóm người này "rất man rợ, mất nhân tính, thể hiện quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng". Một số người khai đã nhận được chỉ đạo "nếu gặp cán bộ và công an xã thì giết, cướp tài sản, súng đạn".

Cảnh sát đã thu 23 khẩu súng (quân dụng, súng hơi, súng tự chế), 2 quả lựu đạn, gần 1.200 viên đạn, 15 kíp nổ, 1,2 kg vật liệu nổ, một nòng giảm thanh, 2 ống ngắm, một bộ mô hình mìn tập, 30 dao, 10 cờ FULRO và nhiều phương tiện, thiết bị gây án.

Hồi tháng 1, TAND tỉnh Đăk Lăk tuyên phạt H Wuêñ Êban và 9 người mức án chung thân về tội Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân theo khoản 1 Điều 113 Bộ luật Hình sự; 43 bị cáo bị phạt 6-20 năm tù.

Ở nhóm tội Khủng bố, 45 người (trong đó có 6 người trốn truy nã) bị phạt từ 3 năm 6 tháng đến 11 năm tù; trong đó Y Quynh Bdap bị tuyên 10 năm tù.

(Theo vnexpress.net)

.
.
.