Định danh bằng số điện thoại buộc người dùng cẩn trọng với phát ngôn trên mạng xã hội
Cập nhật: 21:49, 16/11/2024 (GMT+7)
Một trong những điểm đáng chú ý của Nghị định 147/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/12/2024 yêu cầu phải xác thực tài khoản của người sử dụng mạng xã hội qua số điện thoại hoặc bằng số định danh. Quy định mới này khiến người dùng mạng xã hội không còn ẩn danh và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những công bố trên mạng.
Thông tin xấu độc trên mạng xã hội thường xuất hiện qua tài khoản ẩn danh. |
Nghị định cũng nêu rõ, chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, Nghị định 147, các đơn vị cung cấp dịch vụ internet cũng phải giám sát thông tin và ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng.
Do vậy, khi ban hành vào đầu tháng 11/2024, Nghị định 147 đang thu hút sự chú ý đặc biệt của cộng đồng Internet Việt Nam.
Từ góc độ chuyên gia chuyên về an ninh mạng, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Kỹ thuật Công ty Cổ phần Công nghệ An ninh mạng Quốc gia (NCS) - Trưởng ban Nghiên cứu công nghệ Hiệp hội An ninh mạng cho rằng, sự ra đời của Nghị định 147 là một trong những giải pháp mạnh của cơ quan quản lý nhằm giảm thiểu thông tin xấu độc, sai sự thật; qua đó người dùng phải có trách nhiệm trước những thông tin công bố trên mạng xã hội.
Khi tài khoản được gắn với thông tin xác thực, người dùng sẽ cẩn trọng hơn trong việc chia sẻ và bình luận, vì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và cộng đồng về những gì họ công bố trên mạng.
“Thực tế thời gian qua, nhiều phát ngốn sai sự thật, thông tin lừa đảo do tài khoản ẩn danh, không xác thực. Yêu cầu xác thực sẽ hạn chế các tài khoản ẩn danh hoặc giả mạo”, ông Vũ Ngọc Sơn chi sẻ.
Từ góc nhìn của một đơn vị cung cấp dịch vụ Internet, bà Mai Thị Thanh Oanh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Cốc Cốc cho biết, Nghị định 147/2024 được ban hành để thay thế cho Nghị định 72/2013 và Nghị định 27/2018/NĐ-CP. Nghị định có tác động tới toàn bộ hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng.
Một trong những điểm đáng chú ý là quy định xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội. Người sử dụng bắt buộc phải cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân để đăng bài, bình luận hay livestream. Quy định này sẽ giúp tăng tính minh bạch, hạn chế các tài khoản ảo, các thông tin sai lệch, giả mạo, từ đó góp phần ngăn chặn các chiêu trò lừa đảo trực tuyến.
Tuy nhiên, nhiều người dùng có thể sẽ e ngại khi phải xác thực thông tin cá nhân. Điều này có thể ảnh hưởng phần nào đó tới trải nghiệm người dùng. Các nền tảng mạng xã hội sẽ phải đối mặt với thách thức để vừa đảm bảo trải nghiệm thuận tiện, thoải mái cho người dùng, vừa không khiến người dùng lo ngại về quyền riêng tư.
Theo các chuyên gia, khi tài khoản đã xác thực bằng số điện thoại và các nhà mạng rà quét, đồng bộ với dữ liệu căn cước công dân sẽ giúp các cơ quan quản lý dễ dàng hơn trong việc ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật trên mạng. Quy định này cũng góp phần chống lại nhận thức sai lầm của nhiều người dùng Internet, đó là coi không gian mạng là không gian ảo, nên lên mạng có thể nói, làm bất cứ điều gì, thậm chí là vi phạm pháp luật.
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội mới đây về nạn tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội, một trong các giải pháp Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết sẽ triển khai là chuyển hướng xử lý các nền tảng xã hội.
“Trước đây, chúng ta mới quy định xử lý cá nhân sử dụng mạng xã hội khi đưa thông tin sai sự thật, tin giả. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta chuyển hướng sang xử lý các nền tảng xã hội khi vi phạm luật pháp Việt Nam. Trước đây, chúng ta cho rằng đây là trách nhiệm của quản lý Nhà nước, nhưng bây giờ quy trách nhiệm lớn đối với các nền tảng xã hội. Các nền tảng xã hội phải có trách nhiệm rà soát, tự động gỡ bỏ các thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ.
(Theo https://baotintuc.vn/xa-hoi/dinh-danh-bang-so-dien-thoai-buoc-nguoi-dung-can-trong-voi-phat-ngon-tren-mang-xa-hoi-20241116105441334.htm)